Dự án Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự

- Chủ Nhật, 31/07/2022, 06:04 - Chia sẻ

Tại Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu của Ủy ban Tư pháp, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và cho rằng, thực tiễn công tác tại Tòa án cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng diễn ra rất nhiều và phức tạp trên tất cả các hoạt động từ hình sự, dân sự, hành chính... Nếu như những hành vi cản trở hoạt động tố tụng này không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng về tiến độ, chất lượng và tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Vi phạm diễn ra nhiều, nhưng xử lý chưa nhiều

Dự án Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại Phiên họp tháng 8. Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, dự án Pháp lệnh đã quy định đầy đủ và toàn diện các vấn đề cốt yếu (các nguyên tắc, hành vi, hình thức, mức, thẩm quyền, thủ tục xử phạt…) về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, khắc phục một cách cơ bản những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng hiện nay. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành, áp dụng pháp luật trong xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Phan Thị Nguyệt Thu cho biết, thực tiễn công tác tại Tòa án cho thấy các hành vi cản trở hoạt động tố tụng diễn ra rất nhiều và phức tạp trên tất cả các hoạt động từ hình sự, dân sự, hành chính... Nếu như những hành vi cản trở hoạt động tố tụng này không được xử lý một cách kịp thời, không những ảnh hưởng về tiến độ, chất lượng và tính nghiêm minh của pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Mặt khác, việc quy định chưa rõ ràng và quy định rải rác ở nhiều văn bản gây khó khăn trong xử lý vi phạm các hành vi này. Vì thế, mặc dù các hành vi vi phạm diễn ra nhiều nhưng trên thực tế lại chưa xử lý nhiều. Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu nhấn mạnh cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy ban hành Pháp lệnh là cấp bách.

Qua rà soát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đánh giá, các quy định của dự thảo Pháp lệnh về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã bảo đảm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm đối với từng hành vi cản trở hoạt động tố tụng cụ thể.

Một số đại biểu nêu rõ, các mức phạt tiền đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng cơ bản cân đối với mức phạt tiền quy định trong các Nghị định của Chính phủ đối với hành vi có tính chất tương đồng, nhất là quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 182/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Nghị định 119/2020/NĐ-CP xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Bên cạnh đó, các mức phạt cụ thể cũng bảo đảm phù hợp giữa thẩm quyền xử phạt với tính khả thi trong thực tiễn áp dụng. Ví dụ, dự thảo Pháp lệnh quy định phần lớn các hành vi vi phạm nội quy phiên tòa bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, bảo đảm phù hợp với thẩm quyền xử phạt của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, đáp ứng yêu cầu ngăn chặn hoặc xử lý ngay các hành vi vi phạm tại phiên tòa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu  của Ủy ban Tư pháp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Phiên họp toàn thể lần thứ Sáu của Ủy ban Tư pháp

Có quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp?

Có nên quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng không? Đây là nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Pháp lệnh.

Các thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng tác động trực tiếp đến việc giải quyết vụ án, vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Do đó, việc quy định chỉ các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xử phạt là phù hợp và bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, lĩnh vực tố tụng là lĩnh vực đặc thù, khác với lĩnh vực quản lý nhà nước của UBND. Do đó, nếu quy định Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng sẽ không phù hợp với nguyên tắc tại khoản 3, Điều 52, Luật Xử lý vi phạm hành chính “Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương”.

Trên thực tế, trong vụ án hành chính hoặc các vụ án có liên quan, Chủ tịch UBND các cấp có thể là đương sự tham gia tố tụng và nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì cũng là đối tượng bị xử phạt, do đó, nếu giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND các cấp có thể dẫn đến mâu thuẫn, không thể hoặc không ra quyết định xử phạt đối với chính mình.

Một số đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung cho Chủ tịch UBND các cấp thẩm quyền xử phạt hành chính đối với một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng, bởi các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng như đưa tin sai sự thật, sử dụng vũ lực ngăn cản người làm chứng tham gia tố tụng, xúc phạm danh dự, uy tín của người tiến hành tố tụng… tuy tác động đến hoạt động tố tụng của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, nhưng xét về bản chất những hành vi này đều ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý nhà nước. Do đó, nhiều hành vi tương tự trong dự thảo Pháp lệnh hiện đang được quy định xử phạt tại Nghị định của Chính phủ và các Nghị định này đều giao cho nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt, trong đó có Chủ tịch UBND các cấp.

Bên cạnh đó, nếu không đồng thời giao thẩm quyền xử phạt cho Chủ tịch UBND sẽ dẫn đến một số hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các địa phương trong giai đoạn điều tra, truy tố có mức phạt tiền trên 20 triệu đồng đều phải chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an (vì Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền phạt đến 20 triệu đồng), rất bất cập để bảo đảm thời hạn chuyển biên bản (trong 24 giờ), thời hạn ra quyết định xử phạt (10 ngày) theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời gây khó khăn cho đối tượng bị xử phạt trong việc thực hiện các quyền giải trình, khiếu nại, tố cáo cũng như thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Dự thảo Pháp lệnh được xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thời gian gấp rút, Thường trực Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với Tòa án Nhân dân tối cao để tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Tư pháp, bảo đảm nhiều nội dung lớn của dự thảo Pháp lệnh đều được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc