Xem xét kỹ lưỡng quy định về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng
Kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, khoản 1 Điều 20 của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hiện đang quy định “Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Các thành viên hợp danh có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề của văn phòng công chứng”.
Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí việc kế thừa quy định về loại hình tổ chức của văn phòng công chứng như dự thảo luật nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này, phù hợp với tính chất của dịch vụ công chứng không chỉ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà còn là hoạt động bổ trợ tư pháp, công chứng viên là người phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện.
Tán thành quy định như dự thảo luật hiện nay, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ, công chứng viên hợp danh có trách nhiệm pháp lý với văn phòng công chứng, có trách nhiệm với các cơ quan, tổ chức và khách hàng của văn phòng công chứng. Trường hợp cho phép văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ và được thuê công chứng viên hợp đồng thì các công chứng viên hợp đồng chỉ chịu trách nhiệm với giao dịch do họ công chứng. Khi đó, nếu công chứng viên qua đời, bị tạm định chỉ hành nghề, bị khởi tố hay có lý do cá nhân không thể hành nghề công chứng… thì công chứng viên hợp đồng không thể giải quyết vấn đề liên quan đến văn phòng công chứng, không bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định của tổ chức hành nghề công chứng.
“Việc cho phép thuê công chứng viên hợp đồng cũng sẽ không giải quyết được những vấn đề phát sinh nếu cho phép văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ. Do đó, cần kế thừa quy định hiện hành về mô hình hoạt động của văn phòng công chứng”, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương), trong cả nước, ngoài hai đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì tại các địa phương khác, các văn phòng công chứng chủ yếu do một công chứng viên hoạt động, công chứng viên còn lại chủ yếu là hình thức. Do đó, nếu tiếp tục giữ như hiện hành thì các văn phòng công chứng có thể sẽ hoạt động không thực chất. Vì vậy, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị nên quy định mở theo hướng văn phòng công chứng có thể tổ chức hoạt động theo mô hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, có thể quy định cụ thể thêm những điều kiện nhất định để được mở văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân để bảo đảm tính chặt chẽ.
Cũng cho rằng quy định cứng văn phòng công chứng phải là công ty hợp danh, có từ 2 công chứng viên trở lên trên thực tế đã cho thấy cũng có những bất cập nhất định, tạo ra tính hình thức trong hoạt động, song, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phân tích, nếu văn phòng công chứng không còn công chứng viên để hoạt động cũng sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. Điều quan trọng là chế độ, trách nhiệm phải được quy định rõ ràng, hồ sơ công chứng phải được lưu trữ và có cơ chế để giải quyết những vấn đề phát sinh sau khi tổ chức hành nghề công chứng chấm dứt hoạt động hay chuyển đổi hình thức hoạt động.
Quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên là cần thiết
Để nâng cao chất lượng công chứng, dự thảo luật đã bổ sung quy định về độ tuổi bổ nhiệm, hành nghề của công chứng viên là không quá 70 tuổi (khoản 1 Điều 8, khoản 2 Điều 14). Đối với các công chứng viên đang hành nghề mà gần 70 tuổi hoặc quá 70 tuổi, dự thảo luật bổ sung quy định chuyển tiếp, theo đó những công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi tại thời điểm luật có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi; công chứng viên đã được bổ nhiệm trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà đã trên 70 tuổi thì sẽ có thời gian hành nghề thêm tối đa là 2 năm. Các đại biểu cho rằng, quy định này nhằm tránh tình trạng giảm đột ngột số lượng công chứng viên hành nghề, bảo đảm có thời gian chuyển tiếp để bổ nhiệm công chứng viên thay thế.
Bày tỏ đồng tình việc quy định độ tuổi của công chứng viên góp phần bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, thời gian qua, do thiếu quy định về độ tuổi hành nghề nên còn tình trạng các công chứng viên quá cao tuổi, không bảo đảm sức khỏe để hành nghề, dẫn đến việc thực hiện hoạt động công chứng còn mang tính hình thức.
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho biết, qua giám sát và làm việc với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã nhận được các ý kiến đề nghị quy định độ tuổi hành nghề công chứng, thậm chí có ý kiến đề nghị quy định giới hạn độ tuổi thấp hơn. Đại biểu cũng cho rằng, việc các công chứng viên nhiều tuổi vẫn phải hoạt động một phần nguyên nhân là số lượng công chứng viên còn hạn chế, do đó, cần có quy định về việc tổ chức thi định kỳ hàng năm để bảo đảm nguồn công chứng viên. Một khi số lượng công chứng viên dồi dào thì các văn phòng công chứng có thêm cơ hội để sàng lọc và lựa chọn những người có đủ năng lực hoạt động, trực tiếp làm việc thay vì thuê công chứng viên một cách hình thức.
Bên cạnh đó, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, công chứng viên cao tuổi có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng hành nghề công chứng. Việc dự thảo luật giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng là 70 tuổi sẽ gây lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, để bảo đảm phù hợp với sự phát triển của y học hiện nay, đề nghị không nên giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên mà nên quy định điều kiện bảo đảm sức khỏe như đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh hoặc giới hạn một độ tuổi hành nghề cao hơn 70 tuổi.