ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội): Cần đánh giá tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thu hút đầu tư
Qua tổng hợp ý kiến từ góc độ của các nhà đầu tư là đối tượng chịu sự điều chỉnh bởi thuế tối thiểu toàn cầu, việc Việt Nam chưa nội luật hóa quy định về thuế tối thiểu toàn cầu trước thời điểm 1.1.2024 sẽ làm doanh nghiệp không rõ về khả năng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam và các nhà đầu tư có thể phải lập kế hoạch cho năm 2024 theo hướng chuyển số thuế bổ sung về kê khai và nộp tại quốc gia có “công ty mẹ”. Vì vậy, các nhà đầu tư cũng thể hiện quan điểm mong muốn Việt Nam sớm có quy định về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm sự rõ ràng về mặt pháp lý cho các nhà đầu tư khi xây dựng kế hoạch cho năm 2024.
Do đó, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết để áp dụng ngay từ 1.1.2024 là rất phù hợp và cần thiết, bảo đảm chúng ta thích ứng kịp thời với lộ trình chung của các nước trên thế giới; đồng thời trên cơ sở đó cũng cần tính đến các chính sách hỗ trợ những nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam. Chính sách hỗ trợ này cần đa dạng, điều quan trọng nhất là phải giúp các nhà đầu tư lớn được đón nhận những điều kiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi, tiết kiệm chi phí đầu vào cũng như chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi nên sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành, các tập đoàn đa quốc gia có đầu tư mới vào Việt Nam sẽ phải tuân thủ đồng thời quy định của cả Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị quyết. Theo đó, nhà đầu tư sẽ vẫn được hưởng ưu đãi miễn giảm theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, sau đó sẽ phải nộp bổ sung khoản thuế chênh lệch khi được ưu đãi. Vì vậy, đồng thời với việc ban hành Nghị quyết, Chính phủ phải có đánh giá tổng thể hệ thống chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hiện nay và cũng cần tính đến phương thức hỗ trợ theo hướng giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, hỗ trợ hạ tầng logistics, tiếp cận thị trường, tạo ra không gian phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí cho các nhà đầu tư.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh): Bảo đảm sự công bằng, bình đẳng
Về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nội dung này đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng từ tháng 6.2013, đến nay đa số các quốc gia thành viên thuộc OECD đều ủng hộ. Đối với Việt Nam, việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu như quy định của Nghị quyết trước hết sẽ bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của nước ta. Cùng đó, chúng ta sẽ thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, trong 619 tập đoàn công ty đa quốc gia thì hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên đang có mặt tại Việt Nam nằm trong diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, thể hiện sự tiến bộ, minh bạch trong hệ thống quản lý thuế; khẳng định môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiệm cận với xu thế chung của thế giới; góp phần bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Sau cùng, Việt Nam vẫn giữ nguyên được các chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết.
Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Đó là những nền tảng quan trọng giúp các nhà đầu tư yên tâm khi tham gia thị trường Việt Nam. 35 năm qua, Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Từ thứ hạng 121, đến nay nước ta đã đứng trong top 25 của các quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã thu hút được số lượng dự án rất lớn, hiện có trên 38.000 dự án còn hiệu lực. Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế của nước ta.
Vì vậy, để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bên cạnh ưu đãi về thuế, phí thì cần tiếp tục đầu tư nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia. Đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng về giao thông để góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cắt giảm thủ tục hành chính...
ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang): Quan tâm hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp bằng hành động cụ thể
Việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu sau khi Nghị quyết được thông qua theo quy trình rút gọn một kỳ họp tại Kỳ họp thứ Sáu là cần thiết, góp phần bảo đảm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Bởi, nếu không ban hành Nghị quyết, Việt Nam vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu là 15%.
Chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu không phải được thảo luận mới đây mà các nhà đầu tư nước ngoài đã được tiếp cận thông tin về chính sách này. Thực tế các doanh nghiệp phản ánh họ cũng không quá băn khoăn vì đây là xu thế chung của các quốc gia hiện nay. Về phía Việt Nam, bên cạnh ưu đãi về thuế, phí, cũng có những phương thức khác hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đơn cử như tại tỉnh Bắc Giang, trong thẩm quyền của chính quyền cấp tỉnh và hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành, Bắc Giang đã và đang tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong đó xác định sự phát triển của doanh nghiệp đồng nghĩa với sự phát triển của địa phương. Tính đến hết quý III.2023, Bắc Giang là địa phương đứng thứ 4 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tôi cho rằng, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm hiện nay là sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động cụ thể. Sau khi Nghị quyết có hiệu lực, cũng cần quan tâm đến việc nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác đối các các tập đoàn, công ty thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết.