Những ngày này, người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây xứ Nghệ đang phấn khởi, hồ hởi tay trong tay trong ngày hội kết đoàn… Về chung vui ngày hội lớn ấy, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã có cơ hội cùng với bà con các địa phương ôn lại chặng đường 92 năm lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
“Tinh thần đoàn kết sẽ còn mãi”
Trở lại Hòa Sơn sau hơn một tháng ngày cơn lũ lịch sử tràn qua xã Tà Cạ và một phần thị trấn Mường Xén của huyện Kỳ Sơn. Cuộc sống của cả bản 224 hộ dân với hơn 80 % đồng bào dân tộc Thái nơi đây vẫn chưa thể bình thường trở lại. Chia sẻ với phóng viên, Trưởng bản Hoà Sơn Vi Văn Truyền cho biết: Sau lũ, bản làng hoàn toàn bị biến dạng. Từ trường mầm non đến nhà văn hoá cộng đồng, và rất nhiều công trình hạ tầng khác đều bị bùn đất vây quanh… “Sẽ không bao giờ bản làng trở lại như xưa được nữa. Vì tới đây, có 138 hộ dân phải tái định cư đến nơi ở mới theo quy hoạch của huyện”, ông Truyền chia sẻ.
Khó khăn là vậy, nỗi buồn vẫn còn đó nhưng hôm nay bà con Hòa Sơn vẫn phấn chấn, cùng nhau tập trung về khu vực trước nhà văn hoá cộng đồng để chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với TXCT của các ĐBQH tỉnh... “Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và tấm lòng của các cơ quan, ban ngành. Nếu không có sự giúp đỡ kịp thời thì không biết bà con lấy gì mà sống đến hôm nay. Ngày Đại đoàn kết, MTTQ tỉnh cùng với các ĐBQH lại về với bản Hòa Sơn tổ chức nhiều hoạt động ấm áp, chúng tôi phấn chấn lắm", bà Ngân Thị Tâm (bản Hòa Sơn) chia sẻ.
Chia sẻ với những mất mát, khó khăn mà người dân bản Hoà Sơn và xã Tà Cạ đã trải qua, nhân dịp này, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An gồm Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu và ĐBQH chuyên trách Trần Nhật Minh đã cùng với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm lễ khởi công xây dựng 2 cây cầu dân sinh cho bản Hoà Sơn, Na Nhu (mỗi cầu trị giá 65 triệu đồng); tặng 1 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo (trị giá 60 triệu đồng); hỗ trợ bản Hoà Sơn 60 triệu đồng để mua sắm thiết chế văn hóa cho Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng…
Như chia sẻ của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Võ Thị Minh Sinh với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trước đó: Ngày hội Đại đoàn kết được Uỷ ban MTTQ tỉnh Nghệ An lựa chọn tổ chức trang trọng, ấm áp tại bản Hoà Sơn là nhằm sẻ chia, làm vợi bớt những khó khăn, vất vả mà bà con đã trải qua sau cơn lũ lịch sử ngày 2.10. Bên cạnh sự tham gia của các ĐBQH tỉnh, lãnh đạo MTTQ tỉnh, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương… còn có sự tham gia của một số đơn vị thiện nguyện. “Có thể trong tương lai không còn một bản Hoà Sơn yên bình nằm nép mình bên dòng Huồi Giảng như bao đời này nữa, nhưng hơi ấm về tình người, tinh thần đoàn kết sẽ còn nồng ấm mãi”, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh.
Rời Kỳ Sơn, xuôi về bản Xốp Kha, xã Yên Hòa thuộc huyện rẻo cao Tương Dương. Con đường dẫn đến nhà văn hóa bản Xốp Kha ngập sắc cờ đỏ, sạch sẽ, khang trang, mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội lớn đều do chính bà con nhân dân tự tay chuẩn bị kỹ lưỡng. Tất cả đã tạo nên không khí phấn khởi và rộn ràng lan tỏa đến từng cá nhân, hộ gia đình trong khu dân cư, mỗi người đều mang một nét vui tươi, hào hứng đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo báo cáo của bản Xốp Kha, toàn bản hiện có 85 hộ với 402 khẩu, hộ nghèo có 64 hộ, chiếm 75,3%, cận nghèo 13 hộ, chiếm 15,3%. Đồng bào nơi đây chủ yếu là dân tộc Khơ Mú với 10 dòng họ cùng chung sống, đoàn kết và gắn bó mật thiết với nhau… “Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết của cán bộ và nhân dân bản Xốp Kha đã nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới”; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện và nâng lên, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự ổn định, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở khu dân cư được củng cố kiện toàn và đi vào hoạt động có nề nếp, hiệu quả”, lãnh đại UBND xã Yên Hòa đánh giá.
Bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước những kết quả mà cán bộ và Nhân dân bản Xốp Kha đã đoàn kết, nỗ lực đạt được, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh: Thời gian tới, cán bộ và nhân dân bản Xốp Kha cần tiếp tục đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội xây dựng nông thôn mới… “Cùng với đó, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, tinh thần tương thân tương ái, các hoạt động chung tay vì người nghèo; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, quy ước, hương ước cộng đồng, nhất là thực hiện Luật Dân chủ ở cơ sở mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV”, ĐBQH Hoàng Minh Hiếu mong muốn.
Tiếp tục chăm lo sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc
Báo cáo của nhiều địa phương tại các buổi TXCT gắn với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc do Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tổ chức cũng cho thấy, cuộc sống của bà con nơi miền Tây xứ Nghệ đã có nhiều khởi sắc. Đơn cử như bản Phục (xã Đôn Phục, huyện Con Cuông), toàn bản cơ bản đã có nhà kiên cố, 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, phương tiện giao thông phát triển, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, không có học sinh bỏ học…
Hay như, bản Choọng Bùng (xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp) đã phát huy tốt vai trò các tổ hòa giải, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, bất hòa trong nội bộ nhân dân, tạo không khí hòa thuận ở khu dân cư. được huyện chọn xây dựng là bản du lịch cộng đồng trên địa bàn…
Bản Chà Lấu (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong) đến nay đã đạt 7/13 tiêu chí NTM. Trong năm 2022, Ban công tác Mặt trận bản Chà Lấu đã phối hợp tổ chức 3 cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp. Có nhiều mô hình kinh tế giỏi đã trở thành những tấm gương tiêu biểu để bà con nhân dân noi theo. Địa phương đã đưa các con giống, cây trồng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Cũng như bản Chà Lấu, bản Mới (xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng đạt 9/13 tiêu chí. Ban Công tác Mặt trận bản và các chi hội, đoàn thể vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, hộ nghèo của bản giảm xuống còn 110 hộ, chiếm tỷ lệ 49,1%. Bản Mới đã được công nhận Làng Văn hóa…
Cũng thuộc miền Tây xứ Nghệ, bản Tân Lâm (xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương) hiện có 192 hộ (892 nhân khẩu), có 3 dân tộc (Thái, Kinh, Khơ mú) cùng sinh sống. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế nên đời sống của bà con từng bước được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã tu sửa, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ các vật dụng. Mức thu nhập bình quân hiện nay đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm…
Báo cáo của thôn Tân Hợp (xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn) với các ĐBQH cũng cho biết: Cả thôn có 256 hộ, 934 khẩu, trong đó có hơn 50% hộ thuộc đồng bào dân tộc, được phân bố thành 4 cụm dân cư. Những năm qua, chi bộ, ban cán sự, ban công tác Mặt trận thôn đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, về tình hình của đất nước đến với nhân dân, đặc biệt là những quan điểm, chủ trương, đường lối về đại đoàn kết dân tộc, các Nghị quyết, kế hoạch, chỉ tiêu của địa phương.
Còn với xóm Men (Nghĩa Thọ, huyện Nghĩa Đàn), thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, năm 2022 nhân dân xóm Men đã hiến hơn 1000 m đất, nhiều cây cối có giá trị, đóng góp gần 320 triệu đồng và 567 ngày công để làm đường giao thông và các công trình khác…; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xóm đạt 37,8 triệu đồng/người/năm…
Về TXCT và chung vui Ngày hội Đại đoàn kết với bà con nhân dân các địa phương nơi miền Tây xứ Nghệ, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh, các ĐBQH: Nguyễn Vân Chi, Thái Thị An Chung, Võ Thị Minh Sinh, Hoàng Minh Hiếu, Trần Đức Thuận, Đặng Xuân Phương, Trần Nhật Minh, Vi Văn Sơn… vui mừng với những kết quả các địa phương đã đạt được thời gian qua.
Biểu dương tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên, toàn thể nhân dân, các ĐBQH đều bày tỏ mong muốn, cán bộ và nhân dân các địa phương tiếp tục chăm lo sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng được nhiều mô hình, điển hình trên các lĩnh vực; tạo sự đồng thuận để giúp nhau phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…
Cùng với đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng mong muốn các thôn, bản nơi miền Tây xứ Nghệ này tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, chăm lo các gia đình chính sách và người có công với cách mạng, xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
TXCT gắn với chung vui ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại các địa phương nơi miền Tây xứ Nghệ, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan… đã trao tặng nhiều phần quà có ý nghĩa cho bà con các thôn, bản; đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: Chị Vi Thị Đoan (bản Choọng Bùng, xã Châu Lý, huyện Qùy Hợp); bà Lương Thị Khuê (xóm Men); ông Lương Văn Kháy (bản Tân Lâm, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương); hộ ông Lô Văn Hùng (ản Chà Lấu, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong); chị Lô Thị Mạo (thôn Tân Hợp, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn)…