Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thực thi các cam kết của Việt Nam theo Hiệp định CPTPP và EVFTA

Bài 1: Lồng ghép trong tổng thể các hoạt động giám sát

- Thứ Sáu, 25/11/2022, 06:10 - Chia sẻ

T.S HOÀNG THỊ LAN - Vụ công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội

Theo quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, vai trò, trách nhiệm giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi các cam kết quốc tế rất khó nhận diện độc lập mà thường được lồng ghép trong tổng thể các hoạt động giám sát do các chủ thể có thẩm quyền giám sát thực hiện. Vì vậy, khi đánh giá về vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế, thường được nhìn nhận thông qua hoạt động giám sát chuyên đề về việc thực thi các điều ước quốc tế do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thực hiện.

Việc gia nhập và thực hiện các cam kết theo Hiệp định CPTTP và EVFTA thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Việc gia nhập và thực hiện các cam kết theo Hiệp định CPTTP và EVFTA thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Xét về vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát thực thi các điều ước quốc tế sẽ thấy đây là hoạt động bảo đảm đồng thời hai chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước Việt Nam. Về mặt đối nội, khẳng định vai trò, trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội, với công dân quốc gia; về mặt đối ngoại, là hoạt động ngoại giao khẳng định vị thế, tiềm năng, tiềm lực của Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Góp phần tích cực nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam

CPTTP và EVFTA là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia, không chỉ bó hẹp trong thương mại và đầu tư như các FTA truyền thống mà còn bao gồm các vấn đề như môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động… Đây cũng là hai hiệp định Việt Nam tham gia với tư cách độc lập (không phải ký kết với tư cách là quốc gia thành viên trong cộng đồng ASEAN). Theo đó, CPTTP bao gồm 11 thành viên và EVFTA có 28 thành viên.

Chính vì ý nghĩa quan trọng đó, việc gia nhập và thực hiện các cam kết theo Hiệp định CPTTP và EVFTA có tác động và thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việc tham gia và thực hiện CPTPP đã góp phần tích cực nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam về mặt chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Khẳng định quyết tâm và sự nhất quán với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa; tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Cam kết và thực thi CPTTP và FTA cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường tiêu chuẩn cao; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế vĩ mô ổn định và ngày càng được củng cố; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, đưa công nghệ hiện đại, phương thức quản trị tiên tiến vào Việt Nam; người dân được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao từ các nước đối tác; tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh, thay đổi văn hóa kinh doanh để hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập; nâng cao đời sống của người dân.

Bên cạnh những cơ hội và tác động tích cực, việc thực hiện CPTTP và EVFTA cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhất là áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước; yêu cầu phải nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, định hướng dòng vốn đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp; đòi hỏi sẵn sàng ứng phó với việc áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới như lao động, công đoàn, môi trường; thách thức về đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển dịch lao động và đặc biệt là giải quyết các tranh chấp trong quá trình thực hiện.

Nhìn nhận thông qua các hoạt động giám sát chuyên đề

Tại 3 nghị quyết của Quốc hội khi phê chuẩn hai Hiệp định CPTTP và EVFTA đều quy định về thẩm quyền giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các cam kết theo Hiệp định CPTTP và EVFTA. Theo đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và các ĐBQH trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện các nghị quyết về việc phê chuẩn.

Tuy nhiên, theo quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, vai trò, trách nhiệm giám sát của Quốc hội đối với việc thực thi các cam kết quốc tế rất khó nhận diện một cách độc lập mà thường được lồng ghép trong tổng thể các hoạt động giám sát do tất cả các chủ thể có thẩm quyền giám sát thực hiện. Vì vậy, khi đánh giá vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong giám sát việc thực thi các điều ước quốc tế, sẽ khó có sự bao quát tổng thể mà thường chỉ được nhìn nhận thông qua hoạt động giám sát chuyên đề về việc thực thi các điều ước quốc tế do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thực hiện.

Đối với hoạt động giám sát việc thực thi các FTA nói chung và CPTTP, EVFTA nói riêng đến nay có thể kể đến giám sát chuyên đề về: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”. Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về chủ đề này sau 25 năm Việt Nam tham gia và thực thi các FTA đầu tiên. Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá: Về cơ bản, các văn bản pháp luật được ban hành kịp thời để “nội luật hóa” cam kết của CPTTP, bảo đảm tính minh bạch, phù hợp, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Công tác triển khai thực hiện được chú trọng. Tuy nhiên, một số văn bản quy phạm pháp luật để triển khai FTA thế hệ mới còn chậm tiến độ, các biện pháp tổ chức thực hiện FTA còn chưa đạt hiệu quả mong muốn, nhất là công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết.

Bên cạnh những nhận xét tổng thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện các CPTTP trên từng lĩnh vực; đánh giá tác động của CPTTP đối với các ngành sản xuất trong nước, cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, ngân sách nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và có những đề xuất, kiến nghị xác đáng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực hiện, từ đó tận dụng tối đa lợi ích và sẵn sàng ứng phó với thách thức CPTPP mang lại.

Đối với Hiệp định EVFTA, do mới được phê chuẩn chưa được hai năm nên chưa có hoạt động giám sát độc lập của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại về việc thực hiện các cam kết theo EVFTA. Tháng 11.2021, Ủy ban Đối ngoại khảo sát tác động của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên tới các doanh nghiệp và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới việc triển khai các FTA giai đoạn 2019-2021. Trong phạm vi khảo sát, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã tiếp nhận được những ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc, rào cản liên quan đến chính sách đang cản trở các doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi mà các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới đem lại…