Những ánh sao khuê

Bác sĩ Lê Đình Thám - một đời vì dân tộc và đạo pháp

- Chủ Nhật, 02/10/2022, 06:12 - Chia sẻ

NGUYỄN TÚC - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cụ Lê Đình Thám là Phó Chủ tịch Ủy ban Liên Việt toàn quốc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, Chủ tịch đầu tiên Ủy ban phong trào hòa bình thế giới của Việt Nam - Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam.

Nêu một tấm gương sáng về y đức

Lê Đình Thám sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đông Mỹ, tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình quý tộc. Cụ thân sinh ra ông là Binh bộ Thượng thư Lê Đình ở triều Tự Đức. Thuở nhỏ, ông cùng anh cả là Lê Đình Dương được thân phụ trực tiếp dạy chữ nho. Cả hai đều thông minh, học giỏi. Riêng Lê Đình Thám từ nhỏ đã thể hiện rõ khiếu văn chương. Trong những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, dù học ở bậc tiểu học, trung học hoặc đại học, ông luôn giành vị trí thủ khoa trong các kỳ thi, được các thầy yêu, các bạn mến và kính trọng.

Năm 1916, ông tốt nghiệp Thủ khoa Trường Y sĩ Đông Dương. Chính vào thời gian này, ngoài nâng cao trình độ chuyên môn, ông đi sâu nghiên cứu triết học Phương Đông như: Đạo Khổng, Đạo Lão và Phật giáo. Năm 1926, nhân việc cụ Phan Chu Trinh mất, cũng như mọi người dân yêu nước, ông đứng ra tổ chức Lễ truy điệu cụ tại ngay nơi làm việc của mình. Mật thám Pháp biết việc đó, chúng yêu cầu nhà chức trách chuyển ông ra Hà Tĩnh. Năm 1928, chúng chuyển ông trở lại Huế, ở Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur. Tại đây, ông nghiên cứu và phát minh ra Sérium Normet - một dược phẩm cực quý và cấp thiết với dân ta thời đó. Cũng năm 1928 tại Huế, ông lên chùa Trúc Lâm để phát nguyện quy y Tam Bảo, nghiên cứu kinh điển Phật giáo để hoằng pháp giúp đời. Năm 1930, ông ra Hà Nội thi bằng bác sĩ y khoa ngạch Pháp. Trở về Huế ông vừa làm nghề y, vừa theo Phật học. Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm. Và ông được cử làm Hội trưởng và Hội bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức.

Trong suốt thời gian từ 1934 đến 1945 dưới sự điều hành của Hội trưởng Lê Đình Thám là những năm hoàn chỉnh các tổ chức phật giáo và hệ thống đào tạo tăng ni ở miền Trung.

Tháng 3.1945, Chính phủ Trần Trọng Kim mời ông giữ chức Giám đốc y tế Trung phần kiêm Giám đốc bệnh viện Huế.

Là bác sĩ chuyên môn giỏi, với tâm Phật, tận tụy với nghề, không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ nghiệp vụ, ông được bạn bè đồng nghiệp kính nể, khâm phục tài và đức của vị giám đốc bệnh viện lớn nhất Trung phần, một thầy thuốc quên mình vì bệnh nhân. Ông thường tâm sự với đồng nghiệp: “Chúng ta được sinh ra để “cứu nhân, độ thế”, chữa bệnh cứu người. Và đã là con bệnh phải được chăm sóc như nhau, không phân biệt giàu nghèo, cấp bậc, địa vị xã hội”. Với cách đối xử như vậy, bác sĩ Lê Đình Thám đã nêu một tấm gương sáng về y đức, được xã hội đương thời khâm phục, báo chí ca ngợi và bệnh nhân mang ơn.

Nhà khoa học, nhân sĩ cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc

Năm 1946, ông từ bỏ mọi chức vụ mà Chính phủ Trần Trọng Kim đã bổ nhiệm, đưa gia đình tản cư về Quảng Nam. Với tư cách Hội trưởng Hội An Nam Phật giáo, ông tuyên truyền, vận động, tổ chức phật tử ở nhiều địa phương vào phong trào “Phật tử và Dân chủ mới”, tham gia Mặt trận Liên Việt để đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, bảo vệ chính quyền non trẻ mà Nhân dân ta vừa giành được.

Đầu năm 1947, ông được phân công tổ chức Viện quân y đầu tiên của Quảng Nam cũng là Viện quân y đầu tiên của miền Nam Trung Bộ. Sau đó, ông được cử làm Giám đốc Sở Thương binh và Cựu binh. Cuối năm 1947, thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ trương tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất, phê phán gay gắt bệnh hẹp hòi, chủ quan khép kín, tăng cường cán bộ Việt Minh, Liên Việt có đức có tài, có tín nhiệm với dân giữ vai trò chủ chốt trong bộ máy chính quyền các cấp, ông được Chính phủ bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính miền Nam Trung Bộ và được Ủy ban Liên Việt toàn quốc cử làm Chủ tịch Hội Liên Việt Liên Khu V.

Năm 1949, ông dẫn đầu Đoàn đại biểu Nam Trung Bộ ra dự Hội nghị kháng chiến toàn quốc được tổ chức tại Việt Bắc và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón ân cần. Thay mặt Đoàn đại biểu kháng chiến - hành chính Nam Trung Bộ, Chủ tịch Lê Đình Thám bày tỏ lòng ngưỡng mộ của đồng bào miền Nam với Hồ Chủ tịch và tỏ lòng tin tưởng ở sự lãnh đạo của Người và Chính phủ.

Báo cáo với Hồ Chủ tịch và Quốc hội về tình hình phát triển Hội Liên Việt và việc thực hiện chính sách Mặt trận ở Nam Trung Bộ, ông nêu rõ: Từ tháng 8 năm 1946, Hội Liên Việt đã được xây dựng ở miền Nam Trung Bộ, nhưng vì hẹp hòi, cục bộ địa phương nên chưa phát triển được. Từ tháng 12.1946 đến nay phát triển khá. Tổ chức các tỉnh hội đến chi hội, phân hội đã dần dần thu phục các tôn giáo, các giới, các đảng phái. Từ củng cố Liên Việt ở vùng trung châu, đến phát triển Liên Việt vùng Thượng du nay đã trở thành khối Mặt trận Dân tộc chặt chẽ.

Đã thành lập tỉnh hội, chi hội, phân hội Liên Việt khắp các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, Khánh, Hòa, thu hút gần hai phần ba dân. Các châu thượng du ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tổ chức được 7 chi hội. Ban Chấp hành miền Nam Trung Bộ đã được thành lập gồm các nhân sĩ có uy tín, các đại biểu thượng du, tôn giáo và các đoàn thể.

Việc cải tổ các cấp Ủy ban Kháng chiến - Hành chính, các đại biểu Liên Việt được cử giữ các chức vụ quan trọng.

Liên Việt miền Nam Trung Bộ đã lập một cơ quan ngôn luận - tờ Đoàn kết kháng chiến. Mỗi tỉnh có một tờ Liên Việt[1].

Hồ Chủ tịch và Quốc hội rất vui mừng trước bước phát triển nhanh chóng của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc cũng như sự mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc của Nam Trung Bộ, đánh giá cao sự đóng góp của bác sĩ Lê Đình Thám. Người tiêu biểu cho sự gắn kết giữa đạo pháp với dân tộc.

Sau Hội nghị kháng chiến toàn quốc, bác sĩ Lê Đình Thám được Chính phủ điều động ở lại Việt Bắc và được bổ nhiệm làm Chủ tịch phong trào hòa bình thế giới của Việt Nam, được Hội đồng hòa bình thế giới công nhận là Ủy viên. Môi trường mới, hoàn cảnh mới, công việc nhiều, bác sĩ đã ra sức nghiên cứu, vận dụng, phát triển đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta vào cuộc đấu tranh chung của Nhân dân thế giới và vận động Nhân dân thế giới nhiệt tình ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của Nhân dân ta chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Bác sĩ Lê Đình Thám được thế giới đánh giá là một trong những chiến sĩ lão thành trong phong trào Nhân dân thế giới đấu tranh cho hòa bình, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân mới. Đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo nước nhà, tại miền Trung, bác sĩ Lê Đình Thám đã có những cống hiến xuất sắc đưa Phật giáo miền Trung phát triển chắc và sâu rộng.

Ông không chỉ có công chấn hưng Phật giáo nước nhà, mà còn là người đi tiên phong trong việc thành lập các tổ chức giáo dục thanh, thiếu niên Phật giáo. Nhờ vậy gia đình Phật tử có điều kiện ra đời và phát triển như ngày hôm nay.

Đối với Phật giáo quốc tế, năm 1956 với tư cách Phó Chủ tịch Hội Phật tôn giáo Việt Nam - Chủ tịch Ủy ban phong trào hòa bình thế giới của Việt Nam, ông được Nhà nước cử cùng Hòa thượng Thích Tứ Độ đi dự Hội nghị Phật giáo thế giới họp tại Ấn Độ. Chuyến xuất ngoại đầu tiên với cương vị người lãnh đạo chủ chốt của giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đặt nền móng cho sự hình thành, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giới thế giới theo tinh thần Đạo pháp và Dân tộc.

Những cán bộ cao tuổi công tác lâu năm ở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là cán bộ làm công tác tôn giáo vẫn không thể nào quên vào những năm 60 của thế kỷ XX có một cụ già, ngoài giờ làm việc, tôi tối đến chùa Quán Sứ để dịch thơ và giảng kinh, hướng dẫn việc tu học, giúp chùa đào tạo, giáo dưỡng tăng ni, phật tử. Đó chính là bác sĩ Lê Đình Thám.

Và đến năm 1961 toàn bộ kinh Lăng Nghiêm do ông dày công phiên dịch và chú giải đã lần lượt được đăng trên báo Viên Âm. Sau này, được ông hiệu chỉnh và xuất bản tại chùa Quán Sứ Hà Nội. Đến nay được tái bản và lưu hành rộng rãi.

Sưu tầm, nghiên cứu, tái hiện những hoạt động sôi nổi, phong phú, đa dạng của bác sĩ Lê Đình Thám cho độc lập dân tộc, đấu tranh cho hòa bình thế giới với tấm lòng bác ái, nhân hậu cũng là cách để bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chúng ta đối với một nhà khoa học, nhà nghiên cứu xã hội uyên thâm, một nhân sĩ đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.

________

[1] Tài liệu của Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Bản sao lưu tại Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.