Ts. Bùi Ngọc Thanh
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Lời hiệu triệu thiêng liêng
Khoảng 10 giờ[1], Đại đoàn Quân tiên phong đã tới Đền Giếng, Đại đoàn phó Vũ Yên nhanh chóng tập hợp bộ đội. Cửa Đền được mở, Bác Hồ từ bên trong bước ra. Muôn người đều reo vui: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người dồn lên phía trước, ngồi quanh Bác. Bác ngồi ngay bậc cửa ngôi Đền. Bên phải Bác là Chính ủy Song Hào, bên trái Bác là đồng chí Thanh Quảng - Phó Văn phòng Chính ủy...

Bác ân cần thăm hỏi sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và khen ngợi chiến công của Đại đoàn trong chiến đấu. Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ: Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là nhiệm vụ rất quan trọng không những đối với nước ta mà còn có ý nghĩa đối với cả thế giới. Cán bộ, chiến sĩ phải cảnh giác với “viên đạn bọc đường”, vì nó làm hại mình mà mình không biết; không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng, phải ra sức học tập chính trị, quân sự, phải giữ nghiêm kỷ luật, phải đoàn kết rộng rãi, phải bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, phòng chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu đến người dân; làm sao cho từ cụ già đến em nhỏ đều quý mến, tin tưởng bộ đội. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Không sa ngã, không bắt chước lối sống thiếu lành mạnh, không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết chặt chẽ quân dân.
Hôm nay Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa các Vua Hùng là người có công dựng nước ta. Như vậy, Vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ tổ tiên. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước...
Sau đó không lâu, trước cửa Đền Giếng, một tấm bia đã được dựng lên ghi dấu tích một sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc. Tại nơi đây lời nói của Bác như một lời hiệu triệu thiêng liêng của non sông đất nước vang vọng trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền Tổ quốc, ở muôn nơi có người Việt sinh sống.
Ngày 19.8.1962, một lần nữa Khu Di tích lịch sử Đền Hùng lại được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm. Trong hồ sơ lưu niệm của Bác tại Khu Di tích còn ghi lời căn dặn của Người, “Đã đi là phải tới đích, leo núi là phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng”. Người còn chỉ bảo, “Chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để xây dựng đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này tới thăm viếng”.
Khắc ghi lời dạy của Bác, nhiều năm qua, bằng nhiều nguồn kinh phí (đầu tư lớn của Nhà nước, các nguồn xã hội hóa do các tổ chức, cá nhân đóng góp), Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã xây dựng, tu bổ, tôn tạo khang trang, ngày càng xứng tầm với vị thế Di tích Quốc gia Đặc biệt, làm cho diện mạo Di tích ngày càng uy linh, xanh, sạch, đẹp. Toàn bộ các công trình kiến trúc cổ trên núi Hùng như Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Trung, Đền Hạ, Chùa Thiền Quang, Gác Chuông, Bảo Tháp, Cột đá thề, Đền Giếng và rừng nguyên sinh đều được giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt và được tu bổ đồng bộ, khang trang mà vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc cổ kính. Hệ thống khuôn viên các đền được cải tạo, trục đường hành hương, bậc lên xuống các đền được sửa chữa nâng cấp; nhiều loại cây bản địa được trồng bổ sung và các lớp thảm thực vật mịn màng tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và trang nghiêm.
Trải qua hàng nghìn năm, Đền Hùng vẫn bảo tồn được những nét cổ kính và không gian lễ hội đặc sắc, cùng với đó nhiều hạng mục công trình văn hóa mới được xây thêm. Nổi bật là khu ngã 5 Đền Giếng, các cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của đông đảo du khách muôn phương về bái Tổ, thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đúng như lời Bác căn dặn.
Đoàn kết đồng lòng, cụ thể hóa lời dạy của Bác
Tỉnh Phú Thọ - nơi có Khu Di tích cấp quốc gia đặc biệt này, gần 70 năm qua cùng với việc chăm sóc, gìn giữ, bảo trì, tôn tạo, xây dựng và phát huy các giá trị lớn lao của Khu Di tích, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đoàn kết đồng lòng, cụ thể hóa lời dạy của Bác trong từng nhiệm vụ chính trị cụ thể, nỗ lực phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Về kinh tế, năm 2021 mặc dù đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành, tác động sâu rộng đến toàn bộ nền kinh tế - xã hội khắp các huyện thị, thành, nhưng quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành ước tính vẫn đạt 80.764 tỷ đồng, đứng thứ 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,28% so với năm 2020, đứng thứ 21 cả nước và thứ 5 so với vùng trung du, miền núi phía Bắc; trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,59%, khu vực dịch vụ tăng 3,04%, khu vực nông lâm thủy sản tăng 3,23%.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu giá trị tăng thêm) đúng hướng, khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 21,6% (năm 2020 đạt 23,1%), khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 39% (năm 2020 đạt 36,5%), khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 39,4% (năm 2020 đạt 40,4%).
Về an sinh xã hội, tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân ước đạt 847,2 nghìn người, tăng 4,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực nông lâm, thủy sản chiếm 41,2% tổng số, giảm 5,8 nghìn người; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2%, tăng 7,1 nghìn người; khu vực dịch vụ chiếm 27,6%, tăng 3,2 nghìn người. Về cơ bản đời sống của người dân được bảo đảm; thu nhập bình quân đầu người của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động đạt 7,2 triệu đồng/tháng... Dù khó khăn lớn do đại dịch Covid-19 song giáo dục và đào tạo vẫn thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bảo đảm dạy và học không bị gián đoạn thông qua một loạt các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà, tổ chức dạy học trên sóng Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh...
Năm tháng trôi qua, các sự kiện nối tiếp nhau theo dòng chảy của lịch sử, song lời dạy của Bác tại Đền Hùng mùa thu năm 1954 vẫn vang vọng muôn phương như tiếng đất trời. Cùng với cả nước, các thế hệ cán bộ và nhân dân Phú Thọ đã và đang thực hiện với hiệu quả cao nhất những lời Bác dạy, nhằm giữ vững mục tiêu là một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du, miền núi Bắc bộ; vững bước trên con đường mà Đảng, Bác và Nhân dân ta đã lựa chọn, góp phần xứng đáng vào việc thực hiện mục tiêu của cả nước: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
_________
[1] Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ năm 2019 và năm 2022.