Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng

- Thứ Năm, 09/12/2021, 07:02 - Chia sẻ
Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1.11.2011 về những điều đảng viên không được làm, Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII đã quyết định chuyển nội dung một số điều của Quy định này vào nội dung các điều khác cho phù hợp và đầy đủ hơn. Từ đó, sắp xếp lại thứ tự các điều, bổ sung hai điều mới và ban hành Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25.10.2021 thay thế Quy định số 47-QĐ/TW.

Đã là đảng viên phải tuyệt đối trung thành với Đảng

Theo đó, Điều 3 (mới): Đảng viên không được “Phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi, “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”. Nội dung Điều này gồm 4 nhóm vấn đề: nhóm nền tảng tư tưởng của Đảng; nhóm vai trò, trách nhiệm của đảng viên, người đứng đầu; nhóm khuyết tật của cán bộ, đảng viên trong hoạt động; và nhóm tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên trong quá trình làm việc.

Nhóm nào cũng quan trọng, trong đó nhóm thứ nhất - nền tảng tư tưởng của Đảng, Điều lệ Đảng đã khẳng định, “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động...”. Đây là nhóm vấn đề mà các thế lực thù địch liên tiếp phủ nhận, bài xích và chống phá suốt từ khi chủ nghĩa Mác mới ra đời và từ khi Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển, bổ sung và tổ chức thực hiện trong thực tiễn đem lại thắng lợi vĩ đại, vang dội. Đó là sự ra đời và phát triển của một hình thái xã hội mới: xã hội XHCN. Các thế lực thù địch đã cấu kết trên phạm vi toàn thế giới và chi ra trên 5 nghìn tỷ USD(1) để làm tan rã Liên Xô và Đông Âu. Nay họ vẫn tiếp tục ra tay công phá với sự thâm thù, xảo quyệt hơn. Ở nước ta, chúng chống phá trên mọi phương diện. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi nhất: Phủ định sạch trơn thành quả to lớn của cách mạng XHCN; tiếp tục phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; và phủ nhận vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng... Trước thực tại diễn biến khó lường của thế giới và thời cuộc có những khó khăn, không phải là không có những người dao động, thậm chí “trở cờ”.

Do đó, Điều 3 của Quy định này như một nguyên tắc, đã là đảng viên thì vô luận, bất cứ ở đâu, bao giờ cũng phải giữ vững lới hứa khi được kết nạp vào Đảng: Luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyệt đối trung thành với Đảng. Nếu phản bác, xuyên tạc, phủ nhận có nghĩa là đã phản bội lời hứa, bội tín với Đảng. Và như thế thì không còn gì xứng đáng là đảng viên của Đảng. Bởi vậy, việc bổ sung Điều 3 vào những điều đảng viên không được làm là rất kịp thời, đúng lúc và chắc chắn sẽ có hiệu ứng tích cực.

Ba nhóm sau, có những việc mới được quy định gần đây (trách nhiệm nêu gương), có những việc xuất hiện chưa lâu (“tư duy nhiệm kỳ”), nhưng đều thuộc trách nhiệm, tính trung thực và bản lĩnh của đảng viên, nhất là người lãnh đạo. Nếu không thực hiện nêu gương sẽ gây tác hại lớn đến cơ quan, đơn vị, địa phương. Đảng viên, người đứng đầu mà không nêu gương tốt, làm việc tắc trách “nước chảy, bèo trôi”, và nếu có những hành vi xấu, sinh hoạt bê tha... thì chẳng những cơ quan, đơn vị không có nhuệ khí thực thi có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, mà còn có thể quần chúng và cấp dưới cũng hùa theo, học theo cái xấu, rất tai hại. Còn “tư duy nhiệm kỳ”, muốn để lại “dấu ấn” của nhiệm kỳ thì rất có thể bất chấp, bằng mọi cách để xây dựng những công trình “hoành tráng” (tượng đài, trụ sở, khu vui chơi, giải trí...), những thứ chưa mấy thiết thực; mặc cho các nhiệm kỳ sau gánh chịu hậu quả. Bởi vậy, nội dung Điều này vừa thúc đẩy nâng tầm trách nhiệm của đảng viên, người đứng đầu, vừa góp phần ngăn ngừa được những hành vi vi phạm pháp luật do “bệnh thành tích” gây nên...

Chặn đứng “nhóm lợi ích” tiêu cực, lạm dụng quyền lực

Điều 13 (mới) quy định: Đảng viên không được “Can thiệp, tác động vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xét đặc xá, giải quyết khiếu nại, tố cáo để bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tác động, ép buộc, mua chuộc tổ chức, cá nhân để làm giảm trách nhiệm, hình phạt cho người khác”.

Đây là những vấn đề thực tế đã diễn ra, nhất là ở những nơi đã hình thành “nhóm lợi ích” tiêu cực, lợi dụng chức trách, lạm dụng quyền lực gây nên tác hại nhiều mặt. Những hoạt động tiêu cực đó làm cho luật pháp bị vô hiệu hóa; công lý bị bẻ cong; phải, trái đảo lộn; trắng, đen không rõ; nạn hối lộ, tham nhũng hoành hành; người dân mất niềm tin; cơ quan công quyền, đơn vị hữu trách mất cán bộ và nhiều hậu quả nguy hại khác. Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng Cộng sản, các lãnh tụ thường đặc biệt chú ý đến những hành vi lạm dụng chức tước, quyền lực để can thiệp, bao che, tác động làm sai lệch sự việc, bóp méo sự thật và xử lý không đúng người, đúng tội.

Cùng nhìn lại việc Lênin chỉ đạo xử lý tội bao che trong một vụ án: trong các tháng Giêng, Hai năm 1922 có nhiều đơn tố giác về những việc làm tiêu cực của Phòng nhà đất trung ương thuộc Xô viết Mátxcơva, vì vậy các cơ quan chức năng đã quyết định mở cuộc thanh tra. Văn phòng Hội đồng dân ủy đã cử đồng chí Đivincôpxki tham gia cuộc thanh tra này. Kết quả cuộc thanh tra đã xác nhận những tiêu cực của một số cán bộ phụ trách Phòng nhà đất trung ương và sự a tòng của đảng viên Xôvetnhicốp - Cục trưởng Cục công trình công cộng Mátxcơva. Ngày 14.3.1922, Thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ Mátxcơva đã họp có sự tham gia của Đoàn chủ tịch Xô viết Mátxcơva. Cuộc họp đã kết luận rằng, kết quả thanh tra là không có căn cứ và quyết định chuyển việc này cho một tiểu ban của Đảng để xem xét lại. Ngay lập tức, ngày 15.3.1922, đồng chí Đivincốpxki đã viết báo cáo cho đồng chí Goócbunốp để chuyển tới tất cả Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Bônsêvích Nga để biết. Đồng chí Đivincôpxki nói, quyết định của Đảng bộ Mátxcơva là “sự chôn vùi toàn bộ vụ án loại một” và lưu ý rằng quyết định đó mâu thuẫn với chỉ thị của Lênin là phải thẳng tay truy nã, trừng trị “tệ ăn cướp, quan liêu, đặc biệt nếu như cái tệ đó là do những phần tử khả nghi chui vào Đảng thực hiện”. Vì vậy đồng chí Đivincốpxki đề nghị phải hủy bỏ quyết định của Ban Thường vụ Mátxcơva và phải truy tố những kẻ phạm tội trước tòa án.

Những người tố giác có gửi cả đơn cho Lênin và khi biết tình hình trên, tuy bận nhiều việc nhưng Người đã chỉ đạo như sau:

“THƯ GỬI BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN (B) NGA

Gửi đồng chí Môlotốp để chuyển cho các ủy viên Bộ Chính trị

Ban Chấp hành Đảng bộ Mátxcơva (trong đó có cả đồng chí Dêlenxki) không phải lần đầu đã thực tế nhẹ tay với những đảng viên cộng sản phạm tội mà lẽ ra phải treo cổ.

Việc làm này là do “nhầm”. Song cái “nhầm” này hết sức nguy hiểm. Tôi đề nghị:

1. Chấp nhận đề nghị của đồng chí Đivincốpxki.

2. Tuyên bố nghiêm khắc cảnh cáo Ban Chấp hành Đảng bộ Mátxcơva về tội nhẹ tay với những đảng viên cộng sản (hình thức nhẹ tay - một ủy ban đặc biệt).

3. Khẳng định với tất cả các tỉnh ủy rằng Ban Chấp hành Trung ương sẽ khai trừ ra khỏi đảng những ai có chút mưu toan “tác động” đến tòa án nhằm “giảm nhẹ” trách nhiệm của những đảng viên cộng sản.

4. Ra thông tri báo cho Bộ dân ủy tư pháp (sao gửi cho các tỉnh ủy) biết rằng tòa án phải trừng phạt các đảng viên cộng sản một cách nghiêm khắc hơn là đối với những người không phải là đảng viên cộng sản.

Nếu không chấp hành chỉ thị này, các thẩm phán nhân dân và các ủy viên ban lãnh đạo Bộ dân ủy tư pháp sẽ bị đuổi ra khỏi cơ quan làm việc.

5. Ủy nhiệm cho Đoàn chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương các Xô viết toàn Nga quất cho Đoàn chủ tịch Xô viết Mátxcơva một đòn cảnh cáo trên báo chí.

Lênin

18-III

P.S. Thật quá ư nhục nhã và kỳ quái: một đảng cầm quyền lại bảo vệ những tên vô lại” (2).

Còn ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, “phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. Cuối năm 1945, khi giao việc cho một cán bộ phụ trách ngành công an (lúc đó còn gọi là liêm phóng), Bác đã nói: “Trung ương quyết định chú sang làm liêm phóng. Bác lưu ý chú phải “thiết diện, vô tư, bốn chữ thôi”. Rồi Người giải thích: thiết diện là mặt sắt, vô tư là không thiên vị, nghĩa là phải hết sức công minh. Chú làm cái nghề này mà không “thiết diện vô tư” thì Bác sẽ “thiết diện, vô tư” với chú (3)...

Điều 13 rất ngắn gọn nhưng liên quan đến nhiều cơ quan trong hệ thống chính trị (kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, dân vận, dân nguyện...) và có hàng chục vạn cán bộ, đảng viên làm việc trong các lĩnh vực đó nên có ý nghĩa cực kỳ lớn lao.

Việc quy định hai điều mới (3 và 13) và bổ sung nội dung một số điều khác đã làm cho Quy định 37-QĐ/TƯ - Những điều đảng viên không được làm, đầy đủ, chặt chẽ và hoàn thiện hơn. Tổ chức thực hiện nghiêm ngặt Quy định này chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và toàn Đảng mà Quy định này đã xác định. 

Quy định số 37-QĐ/TW vẫn giữ nguyên 19 điều như Quy định trước, về nội dung cơ bản kế thừa các quy định cũ, song có một số điều mới cũng như thay đổi về thứ tự, bổ sung nội dung mới, bảo đảm Quy định mới hoàn thiện hơn, nội dung của từng điều thể hiện quan điểm kiên trì, kiên quyết thực hiện đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tha hóa quyền lực; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, luôn nêu cao tính tiền phong gương mẫu.

Kết cấu của Quy định vẫn giữ nguyên như Quy định cũ, nhưng được bố cục, sắp xếp nội dung các điều một cách hệ thống, khoa học. Nội dung quy định được bố cục lần lượt theo việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, thực hiện nhiệm vụ cấp trên và trách nhiệm nêu gương, việc rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.

Quy định bổ sung một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của đảng viên để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Quy định mới đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian tới.

___________

(1) Nhà báo Mỹ Maik Davidoy: Báo “Sự Thật” Nga, bài Niềm tin bất tử vào “huyền thoại” ngày 12.5.1994.

(2) V.I.Lênin Toàn tập, Nxb CTQG, HN 2006, Tập 45, trang 64-65.

(3) Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, Bộ Tư pháp 1993, trang 214.