Quốc hội và từ khóa “công nghệ số”, “kinh tế số”

- Thứ Ba, 01/02/2022, 06:21 - Chia sẻ

Trên diễn đàn Quốc hội cũng như trong nhiều hoạt động xuyên suốt năm đầu tiên của Khóa XV, người đứng đầu Quốc hội nhiều lần ghi nhận và hối thúc Việt Nam sớm tạo lập các khuôn khổ chính sách và pháp lý cởi mở thúc đẩy khu vực kinh tế quan trọng này.

Trong một năm đầy khó khăn vì Covid-19, công nghệ số và kinh tế số là điểm sáng, góp phần quan trọng giúp đời sống kinh tế, xã hội của đất nước vận hành liên tục, giảm nhẹ đáng kể những cú sốc do phong tỏa, cách ly chống dịch gây ra. Năm 2021 cũng là dấu mốc quan trọng khi về mặt định hướng chính sách, vai trò động lực phát triển của công nghệ số, kinh tế số được thừa nhận rộng rãi. Trên diễn đàn Quốc hội cũng như trong nhiều hoạt động xuyên suốt năm đầu tiên của Quốc hội Khóa XV, người đứng đầu Quốc hội nhiều lần ghi nhận và hối thúc Việt Nam sớm tạo lập các khuôn khổ chính sách và pháp lý cởi mở thúc đẩy khu vực kinh tế quan trọng này.

Nhìn về năm 2022, khi “seo” (sale - giảm giá, khuyến mãi), “chốt đơn”, “shíp pơ” (shipper); khi “gờ ráp” (Grab), “bắt tren” (trend - xu thế)… đã trở thành từ vựng tiếng Việt bình thường trong đời sống, thì chính sách, một lần nữa bị đặt trước áp lực “bắt tren” để theo kịp với diễn biến kinh tế số, và xa hơn, tạo một môi trường tốt nhất cho Việt Nam phát triển trong cuộc đua công nghệ và kinh tế với toàn cầu.

Công nghệ số, kinh tế số “chiếm sóng” nghị trường

Công nghệ số và kinh tế số, sau một thập kỷ phát triển bùng nổ, trở thành trung tâm trong các chủ đề nghị sự và kế hoạch hành động của Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) lần thứ 42 diễn ra vào tháng 8.2021. Thông cáo chung được lãnh đạo nghị viện các nước thành viên ASEAN ký nêu rõ chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới cộng đồng ASEAN năm 2025” mang tính bao quát, thúc đẩy và tạo điều kiện cho kỹ thuật số bao trùm để tiếp tục phát triển hợp tác nghị viện trong bối cảnh đại dịch; nhấn mạnh vai trò của các nghị sĩ trong việc hỗ trợ tầm nhìn ASEAN năm 2025 hướng tới một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội.

Rõ ràng, trong “bão Covid” càn quét toàn cầu, càn quét tất cả các quốc gia trong khu vực, công nghệ được nhìn nhận như một “lực lượng” trọng yếu giúp các quốc gia không chỉ chống đỡ trong đại dịch, mà quan trọng hơn là phục hồi và phát triển bền vững trong tương lai. Trên bình diện toàn khu vực, riêng trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế số ở 6 quốc gia nhóm đầu (Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) đều ở mức 2 con số[1]. Số người dùng internet mới ở 6 quốc gia này trong năm qua là hơn 40 triệu người, đưa tỷ lệ sử dụng internet lên mức 75% dân số. Với một tiềm năng lớn lao như vậy, khai thác được động lực kinh tế số để hiện thực hóa cơ hội vàng mà công nghệ số mang lại nhằm tạo lập phồn vinh và thịnh vượng cho khu vực được xem là mệnh lệnh bắt buộc.

Tiếp đó, Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF - 29) dành một phiên toàn thể cho chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực’’. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tiếp tục dành ưu tiên cá nhân của ông để đề xuất tầm nhìn toàn cầu và các khung khổ chính sách toàn diện cho kinh tế số. Bài phát biểu với chủ đề “Vai trò của Nghị viện thúc đẩy kinh tế số trong khu vực” của APPF-29 của ông đã đề cập đến một loạt vấn đề pháp lý, thể chế quốc gia lẫn các thể chế khu vực từ đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng số, tăng cường kết nối, thương mại và dịch vụ số, thanh toán điện tử; bảo mật thông tin giao dịch, bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn mạng, củng cố niềm tin số…

Tầm nhìn và yêu cầu của người đứng đầu Quốc hội cũng lan tỏa và trở thành hành động ở các cấp thực thi, khi các Ủy ban của Quốc hội bắt tay vào nghiên cứu, đề xuất các kế hoạch cụ thể. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có báo cáo về chuyển đổi số, các vấn đề hoàn thiện khung pháp lý - chính sách và đề xuất các sáng kiến “sandbox”. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có kế hoạch giám sát chuyên đề về thông tin trên môi trường số. Các vấn đề cụ thể về pháp lý cho kinh tế số được cụ thể hóa trong thảo luận về Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi (về bản quyền nội dung số); Luật Điện ảnh (về phát triển công nghiệp phim và video theo yêu cầu phân phối trên môi trường số (VOD); và sắp tới là các hồ sơ luật đụng chạm sát sườn với công nghệ số như Luật Giao dịch điện tử, Luật Doanh nghiệp công nghệ số, Luật Chính phủ số…

Đại biểu Quốc hội biểu quyết trực tuyến tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Ảnh: Quang Quyết

Con đường không bằng phẳng

Dù có tiềm năng rất lớn để tận dụng cơ hội phát triển kinh tế số, con đường phía trước của Việt Nam vẫn đầy thách thức.

Các điểm yếu của Việt Nam rơi vào 3 nhóm lõi đó là hạn chế về chất lượng hạ tầng số, chất lượng nguồn nhân lực, và chất lượng thể chế. Ngay như chất lượng nguồn nhân lực vẫn có những ngộ nhận rằng người Việt Nam giỏi toán, có lực lượng nhân lực làm phần mềm đông đảo và do đó, nhân lực cho kinh tế số chắc chắn ổn. Điều đó chỉ đúng một phần, bởi kỹ năng số của lực lượng lao động mới là mấu chốt, chứ không phải chỉ giới hạn trong nhóm nhân lực là kỹ sư phần mềm, kỹ sư an ninh mạng. Ngân hàng Thế giới, trong một báo cáo công bố vào tháng 8.2021 về chuyển đổi số ở Việt Nam, cũng chỉ ra điểm yếu của Việt Nam tập trung nhiều trong mảng chất lượng nhân lực số (dựa trên khung đánh giá CHIP). Không chỉ thua kém Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam thua kém ngay các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines.

Trong khi khoảng cách về năng lực công nghệ khó đo đếm thì khoảng cách về thể chế giữa Việt Nam với các quốc gia khác rõ ràng hơn. Các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Anh, Australia; hoặc trong khu vực là Singapore, Phillipines thảo luận sớm hơn từ 5 - 10 năm và có các bước đi nhằm điều tiết các vấn đề do công nghệ đặt ra.

Cụ thể, các vấn đề đã và đang tiếp tục tranh cãi nóng bỏng là bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng trên môi trường số; vấn đề thuế với các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới; tài sản số (tiền mã hóa, NTF… tạo ra bởi công nghệ block chain); tin giả, thông tin không chính xác bùng phát trên các nền tảng mạng xã hội, vấn đề đạo đức của trí tuệ nhân tạo… Trong đó, một số vấn đề pháp lý đã hình thành và đưa vào thực thi như pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân (ví dụ Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân của EU (GDPR); các khuôn khổ liên quốc gia về chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới (ví dụ The APEC Cross-Border Privacy Rules (CBPR). Đối với những vấn đề pháp lý mới và có tính rủi ro cao như tiền kỹ thuật số, dịch vụ tài chính số (fintech), các quốc gia đều đưa vào hình thức sandbox. Trong khi ở Việt Nam, các chủ đề nêu trên đều đang dừng ở mức thảo luận. Số lượng sáng kiến sandbox đếm trên đầu ngón tay (có thể tính Mobile Money là sandbox duy nhất cho đến nay).

Điều đáng lo là trừ hạ tầng số có thể khắc phục nhanh nếu có đầu tư tài chính lớn thì chất lượng nguồn nhân lực và thể chế không phải là bài toán có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Kỹ năng số và nhân lực số liên quan đến hệ thống đào tạo, từ nhà trường phổ thông đến các trường đại học hoặc đào tạo nghề nghiệp. Trong khi đó hiện nay, khung năng lực số và định hướng đào tạo vẫn chưa được thảo luận rộng rãi để đưa vào khung chương trình. Tương tự, pháp lý cho kinh tế số là vấn đề mang tính liên ngành, cần có sự tham gia chặt chẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp; lẫn sự phối hợp quốc tế trong các vấn đề về bảo vệ dữ liệu cá nhân, điều tiết dịch vụ số (digital services)… Tuy nhiên, năng lực phối hợp chính sách của các cơ quan luôn là điểm yếu trong thời gian qua.

Kỳ vọng vai trò đầu tàu của Quốc hội

Trong bối cảnh đầy thách thức như vậy, vai trò của Quốc hội là rất quan trọng trong việc tạo lập nghị trình chính sách, thúc đẩy các sáng kiến pháp lý và điều phối sự phối hợp đa ngành. Ngoài vị thế quyền lực của cơ quan lập pháp, nguồn lực của Quốc hội còn nằm ở chỗ huy động lực lượng chuyên gia am hiểu vấn đề và độc lập về lợi ích khi góp ý chính sách. Tầm nhìn và quyết tâm của Chủ tịch Quốc hội, nỗ lực hành động - “làm” thay vì “nói” của người đứng đầu các ủy ban chủ chốt như Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục… là đặc biệt quan trọng trong tiến trình này.

_______

[1] Số liệu dẫn nguồn từ báo cáo: Kinh tế số khu vực Đông Nam Á năm 2021 do Google, Temasek, Bain&Company thực hiện.

Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông