Lời chúc năm Dần

- Thứ Hai, 31/01/2022, 06:56 - Chia sẻ

                                                           Ts. Bùi Ngọc Thanh 
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 

Năm 1986 là thời gian cuối cùng của cơ chế quan liêu, bao cấp - kế hoạch hóa chỉ huy. Sản xuất phát triển chậm, hàng hóa tiêu dùng thiếu thốn, “phân phối lưu thông rối ren kéo dài”[1]. “Một số người và cơ sở đã lợi dụng sơ hở của cơ chế quản lý để mưu lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ”[2], móc ngoặc trong phân phối hàng hóa, phân chia chỉ tiêu kế hoạch; tệ quan liêu, cửa quyền lộng hành... Vì thế phải “lập lại kỷ cương, củng cố kỷ luật trong Đảng và bộ máy nhà nước”[3].

Trên các sạp báo Tết ở Thủ đô năm Bính Dần (1986), có một tờ báo được bán hết veo trong chốc lát vì báo được trình bày cảnh xuân bắt mắt và có “bài đinh”, “đánh” đúng tâm can, nói trúng ý bạn đọc. Đó là bài “Năm mới, chúc tết anh đầy tớ” của tác giả “Người làm chủ”, nội dung như sau:

“Theo phong tục Việt Nam, ngày tết chúng ta nói với nhau những điều tốt đẹp. Nhưng tôi không khai xuân bằng lời chúc “đắc tài, sai lộc”, không chúc anh đầy tớ “giàu sang” bằng năm, bằng mười năm cũ. Chúc như vậy thì như thi hào Nguyễn Du đã nói, yêu nhau nhưng lại bằng mười phụ nhau.

Tôi cũng không chúc thọ theo kiểu ngày xưa “chúc anh trăm tuổi bạc đầu râu” để người ta nhớ lại câu thơ của Tú Xương: Phen này ông quyết đi buôn cối!

Trước hết tôi chúc anh làm quan mà không phát tài, bởi lẽ làm quan thời nay là làm đầy tớ.

Tôi muốn ưu tiên dành lời chúc tết này cho những anh “đầy tớ” ở những ngành nắm chỉ tiêu, nắm tiền, hàng của Nhà nước. Từ ngữ của bọn láu cá không có trong từ điển bách khoa làm cho ta phải suy nghĩ. Khi chạy chọt được thêm chỉ tiêu, thêm tiền, thêm vốn theo kiểu “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai” là họ đã mừng rỡ reo lên: “trúng quả rồi”. Anh là thủ trưởng hay nhân viên, sang năm mới anh phải 365 ngày đêm đề cao cảnh giác. Nếu anh quên mất bài học vỡ lòng của người cách mạng, quên lời thề long trọng dưới cờ khi tự nguyện mang danh hiệu cao quý đảng viên hay đoàn viên thì nguy hiểm biết bao. Anh có thể làm cho tài sản Nhà nước hao mòn, phẩm chất của anh bị rách nát. Anh có thể lên diễn đàn trổ tài hùng biện, chém mạnh cả hai bàn tay vào không khí, ra lệnh cho cấp dưới phải thế này, thế nọ, không được khoan nhượng với kẻ làm giàu bất chính, kiên quyết truy ra những tài sản bất minh. Song mọi lời hùng biện và tinh thần cách mạng triệt để chỉ có giá trị và hiệu lực khi nó được biến thành hành động thực tiễn và được phát ra từ cửa miệng những con người đạo cao đức trọng “gần tiền mà chẳng hôi tanh mùi tiền”.

Thứ hai, tôi thành tâm chúc anh “thăng quan tiến chức” với ý nghĩa rất lành mạnh của bốn chữ này. Với năng lực và phẩm chất đã được tỏ rõ trong thực tiễn, mong cho anh được đặt vào vị trí cao hơn trong bộ máy “làm đầy tớ”. Nhưng một khi có quyền cao chức trọng, anh nên chăm sóc và giữ gìn hai con mắt và hai cái lỗ tai. Người ta đã từng gặp một vài anh “đầy tớ” mắc một cái bệnh rất lạ, sách y học thế giới chưa nói đến bao giờ, đó là căn bệnh vừa viễn thị, vừa cận thị. Anh ta có thể nhìn thấy cấp trên từ khoảng cách rất xa để nhanh chóng cúi chào, nhưng với cấp dưới thì giáp vào tận mặt mà cũng không nhìn thấy! Giữ gìn đôi mắt khi có chức có quyền còn để những kẻ bất tài và gian dối không dễ gì lọt vào mắt xanh của thủ trưởng. Giữ gìn đôi tai để những lời “tán pho mát” rất rẻ tiền như “thấm thía” như “sáng ra”... của những tên xu nịnh “mặt mốc râu ria” của đời nay không thể chiếm hết chỗ trong lỗ nhĩ, làm cho những ý kiến trung thực của Nhân dân, của cấp dưới không bị văng bật ra ngoài. Anh có thừa thông minh để biết rằng chung quanh ta, có biết bao nhiêu người tốt nhưng nói năng không được ngọt ngào lắm, trong khi đó vẫn tồn tại những con rối sẵn sàng làm cho thủ trưởng có tai như điếc, có mắt như lòa. Thanh gươm quyền lực dù lớn hay nhỏ mà nhân dân giao phó, anh phải dùng để chém đứt đầu cái bọn đầy âm mưu xảo trá!

Thứ ba, tôi chúc anh mạnh khỏe sống lâu với một nội dung rất khoa học và cách mạng, vì những người có ích cho dân, cho nước như anh thật xứng đáng sống khỏe, sống đẹp để cống hiến đến trọn đời. Trên thế giới và trong nước ta, đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về giữ gìn sức khỏe, về kéo dài tuổi thọ con người. Những công trình ấy cần dành cho những người xứng đáng như anh. Từ xưa đến nay, loài người vẫn đặt ra cho mình một câu hỏi “sống để làm gì”. Và khi tuổi thọ của con người đã thật sự tăng lên, người ta lại bàn về “chất lượng của cuộc sống”. Thực tiễn đã cho thấy có biết bao con người cao quý, đời sống không dài nhưng đã để lại cho đời những chiến công lớn lao, những công trình khoa học, nghệ thuật vô giá, những gương sống đẹp tuyệt vời. Anh thợ trẻ Nguyễn Văn Trỗi cũng như bao nhiêu người khác thuộc nhiều thế hệ của đất nước ta, đã nêu cao giá trị cuộc sống có chất lượng của mình:

“Có những phút làm nên lịch sử

 Có cái chết hóa thành bất tử

 Có những lời hơn mọi bài ca

 Có con người như chân lý sinh ra...”

Nhưng bên cạnh những Con Người viết hoa ấy, còn có những con người tầm thường đang ra sức bằng mọi giá ăn ngon, mặc đẹp, kéo dài tuổi thọ mà trong cái đầu rất nặng nề cắm trên thân mình mập mạp của họ không có chỗ cho một câu hỏi: “sống để làm gì?”. Bên cạnh những Con Người như chân lý sinh ra vẫn tồn tại những con người như vô lý sinh ra, anh ạ.

Vì vậy, trên đất nước ta giữa độ xuân sang, tôi thấy càng quý giá biết bao những con người đẹp trong nhân dân, những người đầy tớ tốt như anh mà tôi rất kính trọng. Tôi gửi tới anh những lời chúc tết như trên, chúc anh tiếp tục phát huy năng lực và phẩm chất của mình, cùng nhau “tống cựu nghênh tân”, đẩy lùi những cái xấu xa nhơ bẩn vào quá khứ, mở rộng cửa đón những sự tốt lành, xây dựng nên mùa xuân mới, cho hôm nay và cho muôn vàn thế hệ mai sau...”[4].

Tiếp sau mấy giáp, các tết xuân Mậu Dần (1998), Canh Dần (2010) như anh đã biết, anh vẫn nhận được ba lời chúc thân tình đó để gắng sức làm cho được. Nhưng xuân nay Xuân Nhâm Dần (2022), tình hình mới, nhiệm vụ mới, “Người làm chủ thời nay” xin được gửi tới anh lời chúc thứ tư: lời chúc không được làm để anh sáng suốt lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị. Anh thấy rồi đấy, bài học nhãn tiền còn đó: mấy năm vừa rồi, đội ngũ cán bộ vẫn giỏi giang, phong độ, nhưng không hiểu tại sao lãnh đạo lại có “có vấn đề”. Anh em phàn nàn lãnh đạo làm những việc lạ kỳ: để ý xem vị nào dám chê bai mình lãnh đạo yếu, quản lý xoàng, thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà chẳng biết gì công nghệ thông tin; dám nói mát mình chỉ nhận “quà tình cảm” chứ đâu phải của hối lộ... thì phải trị cho một trận nên thân; người thạo việc, giỏi chuyên môn nhưng hay có ý kiến, xin đi, anh cho đi hết; việc ứ lại nơi thủ trưởng, anh em ngán ngẩm ngồi chơi, xơi nước, trà lá, uể oải, ngáp vặt và nhiều sự việc khác... Vậy là “tan đàn xẻ nghé” cả một đội ngũ! Xem ra “sếp” đã vi phạm Điều 3 (trách nhiệm nêu gương), Điều 6 (trù dập, trả thù người phê bình, góp ý), Điều 11 (vi phạm đạo đức công vụ, vụ lợi, tham nhũng) và khá nhiều điều khác trong 19 điều đảng viên không được làm rồi đấy “sếp” ạ...

Anh đừng vội vàng xua tay rối rít cho rằng, được làm, phải làm mới khó chứ không được làm thì dễ ợt. Không đâu anh ơi! Thực ra 19 điều là 19 nhóm vấn đề, gồm vô số việc cụ thể, nếu có việc nào dễ thì chỉ dễ với những ai luôn “tu nhân, tích đức”, còn đối với những người “chỉ sáng lên một thời” rồi hình như đang “tự diễn biến” lịm dần đi như “sếp” thì không dễ chút nào đâu. Xin chân thành chúc anh: Nhâm Dần - năm con hổ, con dũng mãnh nhất trong 12 con giáp, đừng để nó vồ - gắng sức (dù khá chật vật đấy) thực thi nghiêm chỉnh 19 điều đảng viên không được làm, ngõ hầu từng bước lấy lại khí thế, đi lên vững chắc anh nhé.

Kính anh.

__________

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 47 (1986), các trang 482. 358, 470, Nxb CTQG, Hà Nội 2006.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 47 (1986), các trang 482. 358, 470, Nxb CTQG, Hà Nội 2006.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 47 (1986), các trang 482. 358, 470, Nxb CTQG, Hà Nội 2006.

[4] Báo Đại Đoàn Kết, số xuân Bính Dần 1986.