Hoàn thiện khung pháp lý để chuyển hóa nhanh nguồn lực thực hiện
Tham gia thảo luận bàn tròn tại Phiên chuyên đề 1 - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 chiều nay, 5.12, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong triển khai các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế cần quán triệt nguyên tắc bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách phải thông báo nhanh chóng với thị trường. Nếu tình hình thực tế có thay đổi cần cho phép chuyển hóa nguồn lực thực hiện.

So sánh giữa dư địa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, TS Võ Trí Thành nhận thấy, "dư địa chính sách tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều khi xét trên các chỉ số nợ công, thâm hụt ngân sách, cũng như sự thuận lợi trong huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Song, dư địa của chính sách tiền tệ có nhiều giới hạn khi bị giới hạn bởi tỷ lệ nợ tín dụng/GDP, lạm phát vẫn là "bóng ma", nguy cơ tăng nợ xấu. Do vậy, trong thời gian tới nên tập trung thực hiện các chính sách tài khóa.
Trong thời gian qua, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, độ trễ trong của chính sách tài khóa đã được cải thiện phần nào. Nhưng, TS Võ Trí Thành cho rằng, sự đồng hành của Quốc hội nên thể hiện qua các kỳ họp bất thường, thay vì hai kỳ họp đầu và cuối năm thực hiện theo Luật Tổ chức Quốc hội. Việc tổ chức kỳ họp bất thường, theo ông Võ Trí Thành, có thể sẽ phải được Quốc hội thực hiện ít nhất trong 5 năm tới, do tình hình thế giới còn bất định, nhiều bất ổn và rủi ro hiện nay.
Do quá trình thực hiện phải tuân thủ quy trình, thủ tục được luật định nên việc chuẩn bị và thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội phải rất nhanh. Nhưng, "đáng tiếc là Chương trình phục hồi tổng thể này được nghĩ đến từ cách đây một năm, song đến nay mới được đưa ra xem xét, quyết định", TS Võ Trí Thành nói.
Nhấn mạnh đặc điểm độ trễ trong và độ trễ ngoài khi triển khai thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ ở nước ta đều dài. Chính sách tài chính và ngân hàng đều mất từ 6 - 8 tháng mới có thể triển khai. Do vậy, TS Võ Trí Thành đề nghị, cần có khung pháp lý để hệ thống ngân hàng thương mại "có thể và dám làm việc hỗ trợ lãi suất". Tất nhiên, sự hỗ trợ lãi suất này phải trên cơ sở sự tường minh trách nhiệm giữa Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Ngân hàng Nhà nước. Bởi, thực tế triển khai gói hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn có ngân hàng thương mại chưa quyết toán được.
Chỉ rõ về độ nhạy của các thị trường, thu nhập và tiêu dùng của người dân mỗi khi chính sách mới được ban hành, TS Võ Trí Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và theo dõi tình hình để nhanh chóng điều chỉnh chính sách. Các nguồn lực để hỗ trợ phục hồi kinh tế nếu có thay đổi trong quá trình thực hiện cần cho phép được chuyển hóa. Quốc hội xây dựng khung để Chính phủ chuyển hóa nhanh trong quá trình thực hiện. “Bám sát tình hình, tường minh, rõ ràng, nếu cần điều chỉnh chính sách cũng thông báo nhanh chóng với thị trường”, TS Võ Trí Thành nêu rõ.
Thực tế cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát.
Phân tích trên bối cảnh hiện nay của Việt Nam, TS Võ Trí Thành lưu ý, điều chỉnh chính sách tài khóa tác động đến lạm phát không nhiều, song sẽ ảnh hưởng ngay đến lãi suất cho vay. Điều này cũng phù hợp với việc các quốc gia trên thế giới sẽ thu hẹp việc nới lỏng tiền tệ, gói hỗ trợ. Do vậy, để thu hút nguồn lực thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế (như cho các định chế tài chính mua trái phiếu), TS Võ Trí Thành tán thành với việc "có thể suy nghĩ nới các chỉ tiêu bội chi, nợ công".

Tham gia thảo luận bàn tròn về chủ đề “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước đánh giá, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt vai trò của mình. Phân tích những điểm nhanh nhạy của Ngân hàng Nhà nước, song ông Trương Văn Phước cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại đang có một rủi ro rình rập khi nợ xấu tăng lên. Trước rủi ro này, từ năm 2008 - 2016, chính các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng rủi ro, giảm cổ tức, lợi nhuận - đây là “cái giá phải trả”. Do đó, ông Trương Văn Phước đề xuất, tiếp tục cơ cấu nợ theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN “ít nhất đến cuối năm 2022, vì đây là chính sách rất tốt, rất khả thi và hiện thực”. Theo ông Trương Văn Phước, điều quan trọng là “sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ”, vì suy cho cùng, “tiền đâu đi chăng nữa trong nền kinh tế này đều phải nằm trong khái niệm, đó là cung ứng tiền của Ngân hàng trung ương”. Và đến giờ phút này, “Ngân hàng Nhà nước cung ứng khoảng 6,6% GDP cho mức tăng cung tiền của năm 2021; năm 2020, vào thời điểm này chúng ta đạt cung ứng đến 6,85% - đây là một trong những dư địa về chính sách tiền tệ”, ông Trương Văn Phước chỉ rõ.
Theo ông Trương Văn Phước, tuy có áp lực từ lạm phát bên ngoài, nhưng vì sự bùng phát dịch của chúng ta chậm hơn, cho nên phục hồi kinh tế của thế giới nhanh hơn và họ phải chứng kiến một giai đoạn mất cân đối cung cầu; chắc chắn chúng ta đi sau sẽ học được kinh nghiệm vừa kích cầu, vừa kích cung”. Suy cho cùng, “lạm phát mà làm ra tiền thì tốt”. Bày tỏ quan điểm này, ông Trương Văn Phước cho rằng, “nếu kích cung tốt thì lạm phát Việt Nam sẽ không có”... Đề xuất thể chế liên quan đến đánh giá lạm phát của Việt Nam, ông Trương Văn Phước nêu rõ, hiện nay, các nước đang đi theo xu hướng không dùng lạm phát bình quân từng năm để đánh giá chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà họ đánh giá một chu kỳ. Ví dụ Việt Nam sẽ lấy lấy lạm phát của 4 năm là 2021-2024 và bình quân chia đều cho 4 năm bảo đảm thấp hơn 4%/năm là ổn. Điều này trả lời cho câu hỏi của đại biểu nêu tại Diễn đàn, đó là: “điều gì sẽ xảy ra nếu CPI Việt Nam sang năm tới vượt 4%? Nếu như CPI trong một tháng nào đó đột ngột lên tới 4% thì coi như hết dư địa trong việc điều hành chính sách? Vì sao chúng ta không chấp nhận lạm phát của Việt Nam sang năm là 4,5%, năm 2023 là 3,6%, năm 2024 thì chỉ có 2,8%...? Điều này sẽ tạo ra khuôn khổ vô cùng linh hoạt cho Ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước có thể mua trái phiếu của Chính phủ một cách trực tiếp hoặc một cách gián tiếp? “Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước có thể mua trái phiếu trực tiếp trên thị trường sơ cấp. Điều quan trọng hơn đó là Ngân hàng Nhà nước thao tác trên thị trường thứ cấp thông qua Nghiệp vụ thị trường mở (OMO)”. Theo đó, thứ nhất, hỗ trợ ngân sách phát hành thành công trái phiếu. Thứ hai, bơm thanh khoản vào thị trường và có thể giúp cho các tổ chức tín dụng mua vào bán ra. Thứ ba, có thể kiểm soát nguồn cung tiền một cách rất tinh vi, chính xác, kịp thời và nhờ đó kiềm chế được lạm phát. Về lãi suất, đồng tình với đề xuất mà Nhóm chuyên gia của Ủy ban Kinh tế nêu tại Diễn đàn (nên giảm lãi suất 0,5-1%), song công Trương Văn Phước cũng nêu rõ, “vận động các tổ chức tín dụng để giảm chi phí không phải là yếu tố quan trọng để giải quyết”, mà “Ngân hàng Nhà nước phải giảm lãi suất bằng bộ chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ của mình. Bởi đâu đó vẫn còn một số lãi suất có thời hạn trên quan điểm là lãi suất thực dương của bộ lãi suất điều hành này; so với lạm phát ước tính năm nay khoảng 2%, chưa kể lãi suất thực dương của tiền gửi cũng như tiền vay so với lạm phát, thì vẫn còn rất lớn”. Đây mới là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc hạ lãi suất. Điều quan trọng là tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại là nhân tố chính để giảm lãi suất.