Cơ chế tham vấn hữu ích
Đánh giá về kết quả Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, nhiều đại biểu quốc tế khẳng định, thông qua diễn đàn, nhiều thông tin hữu ích với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, các tổ chức quốc tế đã được chia sẻ. Đây là cơ chế tham vấn tuyệt vời. Trên cơ sở những thông tin, đề xuất, gợi mở chính sách, giải pháp tại Diễn đàn, nhiều đại biểu quốc tế tin tưởng, Việt Nam sẽ có chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp, hiệu quả để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững.
Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Jonathan Pincus: Tham vấn càng nhiều, nghiên cứu càng sâu, chất lượng và hiệu quả của chính sách càng tốt

Chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" của diễn đàn rất phù hợp với bối cảnh hiện nay và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong tìm kiếm các giải pháp giải quyết các vấn đề cấp bách mà đại dịch Covid-19 đặt ra, đồng thời có những chính sách mới nhằm đưa nền kinh tế trở lại đà phục hồi và phát triển trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Thời gian qua, Việt Nam đã đi đúng hướng trong chiến lược ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thách thức đặt ra hiện nay là làm thế nào để Việt Nam có thể vượt qua được những khó khăn vô cùng lớn để bứt phá trong tăng trưởng. Điều này đòi hỏi các nhà chức trách và các nhà hoạch định chính sách phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, sâu sắc để có những giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là một trong những cơ hội tuyệt vời để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hình thành mạng lưới chuyên gia tham vấn, tham mưu cho Quốc hội trong quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định. Quan điểm của UNDP là tham vấn càng nhiều, nghiên cứu càng sâu thì chất lượng và hiệu quả của chính sách càng tốt. Mục đích của các chính sách khi ban hành là cần sát với thực tiễn, đi vào cuộc sống và đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của xã hội. Quốc hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật.
Đặc biệt là cơ quan đại diện của cử tri, nhân dân cả nước, Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng Chính phủ định hình các chính sách, tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề cấp bách đặt ra với đất nước, được cử tri quan tâm; bảo đảm các mối quan tâm, các đòi hỏi của cử tri đều được cân nhắc, tính đến trong quá trình ra quyết định của Nhà nước. Do vậy, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 thể hiện sự tích cực, chủ động vào cuộc của các cơ quan của Quốc hội trong giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước.
Phó đại diện Thương mại, Cơ quan đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam Yanchenko Sergey: Chủ đề thảo luận hấp dẫn, sát thực tiễn, hữu ích

“Phục hồi và phát triển bền vững” là một trong những chủ đề quan trọng và được quan tâm hàng đầu hiện nay, bởi đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Mọi quốc gia đều đang phải gánh chịu hậu quả do đại dịch gây ra, kể cả về y tế và kinh tế - xã hội. Mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời trong kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế, song các làn sóng bùng phát dịch trong năm qua đã khiến những nỗ lực này càng trở nên khó khăn hơn.
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Phục hồi và phát triển bền vững" là rất phù hợp với yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay, nhằm tìm kiếm giải pháp phục hồi kinh tế, giải quyết các vấn đề tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững trong thời gian tới. Các chủ đề và nội dung thảo luận tại phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao và hai phiên chuyên đề rất hấp dẫn, phản ánh sát thực tiễn, đưa ra được rất nhiều khuyến nghị, hàm ý chính sách hay cho Việt Nam.
Đây cũng là một trong những diễn đàn hiếm hoi nhằm thảo luận, đối thoại, tham vấn chính sách về kinh tế - xã hội được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; chia sẻ, cung cấp thông tin hữu ích cho cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, địa phương, các tổ chức quốc tế. Thời gian qua, một số ít diễn đàn về chủ đề kinh tế - xã hội đã được tổ chức nhưng theo hình thức trực tuyến, vì vậy có hạn chế nhất định trong việc tương tác giữa các diễn giả, nhằm trao đổi quan điểm, thảo luận về các chủ đề cùng quan tâm. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao việc Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với một số cơ quan tổ chức được diễn đàn hữu ích này.
Với sự tham gia của đa dạng các thành phần đại biểu, trong đó có nhiều chuyên gia trong nước, đại diện các tổ chức quốc tế và các diễn giả có kiến thức chuyên sâu về tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm... từ các điểm cầu ở nước ngoài, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cơ chế, công cụ hữu ích không biên giới, giúp các cơ quan của Quốc hội tham vấn, tham mưu, phục vụ cho hoạt động của Quốc hội.
Đây không phải lần đầu tiên các cơ quan của Quốc hội, trong đó có Ủy ban Kinh tế sử dụng công cụ tham vấn này, song việc tổ chức một diễn đàn đa chiều như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cách làm rất hay để tập hợp các sáng kiến từ các bên, đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách của Việt Nam.
Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Jacques Morisset: Cơ hội cùng tìm ra giải pháp mới để phục hồi sau đại dịch

2021 là năm rất khó khăn với Việt Nam. Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5 - 5,5%, Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2 - 2,5%.
Để đạt được sự bứt phá về tăng trưởng, cần có những chính sách thuế tốt để không chỉ bảo đảm nguồn lực cho ngân sách Nhà nước mà còn giúp bảo vệ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và phục hồi kinh tế trong khủng hoảng, đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Trên thế giới, nhiều nước đã áp dụng chính sách thuế để tăng thu ngân sách nhà nước, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong khủng hoảng, cải thiện công bằng xã hội, đầu tư cho y tế, bảo vệ sức khỏe của người dân và phát triển xanh. Các nước hiện đang áp dụng nhiều công cụ khác nhau trong chính sách thuế. Thời gian qua, Việt Nam mới chủ yếu sử dụng chính sách tiền tệ và còn nhiều dư địa để sử dụng chính sách tài khóa cho phục hồi kinh tế.
Bối cảnh mới đòi hỏi cần có giải pháp mới. Do đó, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là dịp để các bên trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp mới để phục hồi sau đại dịch. Đây là ưu tiên hàng đầu hiện nay, vì vậy, cần hành động nhanh để kích thích tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tại diễn đàn, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra những khuyến nghị chính sách về thuế cho Việt Nam, như cần thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi; tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ; tăng cường các quy định chống chuyển dịch lợi nhuận; áp dụng hoặc tăng cường đánh thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số; giảm danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng hoặc hưởng thuế suất 5%…
Với những cơ sở lý luận và thực tiễn được các đại biểu nêu ra tại Diễn đàn lần này, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có những chính sách phù hợp, hiệu quả để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong thời gian tới.