Hệ thống thú y Việt Nam được đánh giá cao
Ngành Thú y nước ta có lịch sử hình thành và phát triển trên 70 năm, với dấu mốc đầu tiên từ năm 1950. Tại thời điểm đó, trước tình hình cấp bách do dịch bệnh, ngày 11.7.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh 125 về thi hành luật lệ bài trừ dịch bệnh gia súc. Sắc lệnh là văn bản mang tính pháp lý đầu tiên về công tác thú y của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sau khi Sắc lệnh 125 được ban hành, hệ thống cơ quan thú y từ Trung ương đến địa phương (ở địa phương được tổ chức thành ba cấp) đã được hình thành và vận hành. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, ngành thú y đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển ngành chăn nuôi nói riêng, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn nói chung, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Hệ thống cơ quan thú y Việt Nam đã có bề dày hoạt động hơn 70 năm từ cấp Trung ương tới địa phương, với mô hình tổ chức về cơ bản tương tự như ở các quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển. Trong những năm qua, công tác thú y luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành. Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành Luật Thú y năm 2015, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành này.
Việc tổ chức hệ thống cơ quan thú y xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương như thời gian trước ở nước ta trên thực tế cũng phù hợp với khuyến cáo về hệ thống cơ quan này của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) mà Việt Nam là thành viên từ năm 1951. Theo khuyến cáo của OIE, các nước thành viên cần có tổ chức thú y xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; dành nguồn lực tài chính đầy đủ; thực hiện hiệu quả các biện pháp thú y; có hệ thống giám sát, cảnh báo, ứng phó có hiệu quả đối với các loại dịch bệnh. trong giai đoạn 2006 - 2015, Việt Nam đều được OIE đánh giá cao khi thiết lập hệ thống thú y từ Trung ương đến cấp huyện, xã và có mạng lưới thú y cơ sở.
Cần có quyết định rõ ràng
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có trên 75% loại dịch bệnh nguy hiểm ở người có nguồn gốc từ động vật, như cúm gia cầm, dại, bò điên, liên cầu khuẩn, lao bò, và hiện nay là Covid-19…, gây tổn hại lớn cả về kinh tế và con người. Đơn cử, ngay dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 đã gây thiệt hại trực tiếp khoảng 20 nghìn tỷ đồng, tác động lớn đến chỉ số CPI.
Rõ ràng, với một ngành nghề không chỉ tác động đến kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân, thì sự lúng túng của một số địa phương trong thực hiện phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh thời gian qua cần sớm được chấn chỉnh. Tương tự, tình trạng thiếu nhân lực để thực hiện kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ, đứt đoạn trong quản lý thú y, chậm trễ trong phát hiện, báo cáo dịch bệnh… cũng cần được nhanh chóng khắc phục.
Và cũng không khó để thấy những hạn chế, tồn tại của ngành này trong thời gian qua có nguyên nhân từ việc triển khai sắp xếp, kiện toàn các cơ quan thú y tại các địa phương. Từ thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, căn cứ Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu với Chính phủ củng cố kiện toàn hệ thống thú y để tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương, góp phần bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và có chế độ, chính sách phù hợp (nhất là hệ thống thú y xã, phường, thị trấn) đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển chăn nuôi, thủy sản cũng như phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới hiện nay.
Về việc kiện toàn lại hệ thống thú y, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định Hoàng Thị Tố Nga đề nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn kiện toàn lại hệ thống thú y theo Luật Thú y thống nhất trong toàn quốc.
Đặt vấn đề nếu không tái lập Trạm Chăn nuôi và Thú y, bà Hoàng Thị Tố Nga đề nghị, Bộ Nội vụ có Thông tư hướng dẫn quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố. Vì theo Nghị quyết 19-NQ/TW, thì chức năng quản lý nhà nước của Trạm chăn nuôi và thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật được chuyển về Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, nhưng hiện chưa có thông tư hướng dẫn quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy các cơ quan này. Đồng thời, quy định rõ số lượng cán bộ có chuyên môn chăn nuôi thú y tại Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để bảo đảm đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Từ thực tiễn thực hiện việc sáp nhập các tổ chức cơ quan thú ý thời gian qua, nhiều địa phương và chuyên gia đều kỳ vọng, trong Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thú y của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ đưa ra được đánh giá khách quan, công tâm và bao quát về những vấn đề đang đặt ra, trong đó có tổ chức hệ thống cơ quan thú y. Đồng thời, có kiến nghị, đề xuất cụ thể các giải pháp nhằm tăng cường năng lực hệ thống cơ quan này.
Trong Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội có nêu yêu cầu Chính phủ cần sớm ban hành Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030. Để thực hiện yêu cầu này, chắc chắn Chính phủ sẽ phải đưa ra đánh giá chính xác và khách quan về mô hình tổ chức, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan thú y. Từ đó, có quyết định rõ ràng về tổ chức hệ thống cơ quan này, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước với lĩnh vực thú ý, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thực sự của công tác phòng, chống, kiểm soát các loại dịch bệnh từ động vật, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước nói chung, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.