Trong 2 ngày 25.10 và 26.10, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Diễn đàn Luật học Mùa Thu năm 2024 với chủ đề “Pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững”, quy tụ các chuyên gia uy tín của giới luật học.
Phát triển bền vững được coi là mô hình, yêu cầu, mục tiêu phát triển mới
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Trịnh Tiến Việt, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Diễn đàn Luật học Mùa Thu là sự kiện khoa học thường niên do Trường Đại học Luật sáng lập từ năm 2021; đã trở thành diễn đàn học thuật uy tín của giới luật học và các lĩnh vực khoa học liên quan. Diễn đàn nhằm thảo luận những vấn đề mới, những phát triển mới của luật học thế giới và Việt Nam.
Theo PGS.TS Trịnh Tiến Việt, phát triển bền vững xuất hiện lần đầu năm 1980 trong Chiến lược bảo tồn thế giới của Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên quốc tế, và ngày càng sử dụng phổ biến. Phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu, yêu cầu bức thiết, mà còn được mô hình phát triển mới nhằm ứng phó với một thế giới ngày càng khó đoán định, nhiều biến động và kém ổn định, vì sự sinh tồn và phát triển của nhân loại hôm nay và mai sau.
Mô hình phát triển này cũng được kỳ vọng sẽ khắc phục những nhược điểm, hạn chế của mô hình phát triển trong giai đoạn trước, khi có xu hướng thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích của cá nhân, lấy tăng trưởng kinh tế (quốc gia, dân tộc) làm thước đo cho sự phát triển, lấy công nghiệp làm phương thức thúc đẩy sự thịnh vượng.
PGS.TS Trịnh Tiến Việt nhìn nhận, trong bối cảnh phát triển bền vững được coi như là mô hình, yêu cầu, mục tiêu phát triển mới, chúng ta cần hệ thống thể chế mới, phương thức mới và nhận thức mới phù hợp hơn, có năng lực, hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề lớn của xã hội ở hiện tại và tương lai.
Vì vậy, Diễn đàn Luật học Mùa Thu năm nay được tổ chức nhằm thảo luận, làm rõ những vấn đề mới đặt ra, những yêu cầu mới, nhận thức mới về pháp luật và các lĩnh vực của nó trong bối cảnh phát triển bền vững. Đây cũng là nhiệm vụ giải pháp, kế hoạch hành động của quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó phát triển kinh tế, môi trường, xóa đói giảm nghèo và giới được ưu tiên, tập trung.
Nguyên tắc hình thành, phát triển hệ thống pháp luật phục vụ mục tiêu phát triển bền vững
Theo GS.TSKH Đào Trí Úc, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, hệ thống pháp luật phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia cần được hình thành và phát triển trên 7 nguyên tắc chủ đạo và nhất quán.
Một trong những nguyên tắc quan trọng là bảo đảm an ninh con người, an ninh cho các thế hệ con người và của các hệ sinh thái để phát triển bền vững. Theo GS.TSKH Đào Trí Úc, chỉ khi việc bảo đảm an ninh được đặt ra cùng với việc ban hành và thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thì khi đó mới có thể nói về phát triển bền vững. Hai yếu tố an ninh và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả có mối liên hệ tương tác và thúc đẩy lẫn nhau. Bảo đảm an ninh cho con người để phát triển, thông qua phát triển và bảo đảm phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội để đạt được an ninh.
Bên cạnh đó là nguyên tắc pháp quyền trong phát triển bền vững. Nguyên tắc pháp quyền với các giá trị hướng tới bảo vệ quyền con người, khẳng định chủ quyền của nhân dân, đề cao yêu cầu bảo đảm sự tôn nghiêm của Hiến pháp là tiền đề quan trọng để thúc đẩy xã hội đi vào quỹ đạo phát triển bền vững.
Hệ thống pháp luật phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia cũng cần hình thành, phát triển trên nguyên tắc công bằng; nguyên tắc kết hợp hài hòa các yếu tố phát triển về kinh tế - xã hội, sinh thái, văn hóa và quản trị; nguyên tắc về trách nhiệm của các quốc gia trong quá trình thúc đẩy phát triển bền vững; nguyên tắc về bảo vệ và gìn giữ môi trường sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Đồng thời, cần hình thành, phát triển trên nguyên tắc quản trị dân chủ và minh bạch trong phát triển bền vững.
Cần mở rộng khái niệm về phát triển bền vững
Nhìn lại lịch sử phát triển của khái niệm phát triển bền vững, GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nhìn nhận, trong hơn 70 năm qua, khái niệm này đã mở rộng dần từ hẹp đến rộng. Đến năm 1992 xuất hiện định nghĩa phát triển bền vững gồm 3 trụ cột chính: kinh tế, xã hội và môi trường, được đưa ra và sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Tuy nhiên, GS.TS Lê Minh Tâm đưa ra 3 giả định bổ sung cho khái niệm này. Giả định đầu tiên cho rằng việc chỉ xác định 3 trụ cột như trên là đúng nhưng chưa đủ. Pháp luật đóng vai trò quan trọng trong mọi quá trình phát triển, vậy liệu có nên xem pháp luật như một trụ cột chính? Và ngoài pháp luật, còn yếu tố nào khác đáng được cân nhắc như một trụ cột mới?
Giả định thứ hai là về vai trò điều chỉnh của pháp luật. Chúng ta đã có nhiều định nghĩa và quan niệm về pháp luật, bao gồm tính minh bạch, tính cụ thể và sức mạnh được đảm bảo bởi Nhà nước. Vậy trong bối cảnh phát triển mới, pháp luật có đủ khả năng để điều chỉnh những mối quan hệ mới nảy sinh trong xã hội hay không?
Giả định thứ ba xem xét các vấn đề mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, tiền điện tử,… Đây là những yếu tố có thể tạo ra giá trị mới, nhưng chúng cũng làm phát sinh các mối quan hệ mới mà pháp luật cần thích ứng. Theo GS.TS Lê Minh Tâm, nếu chúng ta vẫn tiếp cận pháp luật theo cách truyền thống thì sẽ khó đáp ứng được các thách thức từ những lĩnh vực này.
“Trong hơn 70 năm phát triển, theo tôi khái niệm phát triển bền vững vẫn còn hẹp. Tôi đề nghị cần phải mở rộng khái niệm về phát triển bền vững và coi hệ thống pháp luật là 1 trụ cột chính của phát triển bền vững. Nếu có thể mở rộng hơn nữa, các vấn đề về văn hóa và an ninh cũng nên trở thành các trụ cột quan trọng”, GS.TS Lê Minh Tâm nhấn mạnh.
Tiếp cận pháp luật từ góc độ văn hóa
GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội có những chia sẻ về vấn đề văn hóa pháp luật và xây dựng văn hóa pháp luật đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, bản thân pháp luật cũng là một hiện tượng văn hóa và thuộc phạm trù văn hóa. Hiện nay, việc tiếp cận pháp luật từ góc độ văn hóa vẫn còn khiêm tốn. Chúng ta cần mở rộng thêm cách tiếp cận pháp luật từ góc độ văn hóa, coi pháp luật như một phương tiện văn hóa, nhất là trong bối cảnh đa dạng hóa.
“Tiếp cận nguồn pháp luật từ góc độ văn hóa không chỉ dừng lại ở việc xác định đâu là nguồn chính hay nguồn bổ sung mà còn hướng đến hòa hợp, vì văn hóa truyền tải giá trị chung là chân, thiện, mỹ. Gần đây, qua nghiên cứu, tôi cho rằng cần bổ sung thêm hai giá trị là "ích" và "hòa." Một nền văn hóa bền vững không chỉ đẹp và đúng mà còn phải có ích và hòa hợp”, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế cho hay.
Cũng theo GS.TS Hoàng Thị Kim Quế, trong bối cảnh xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc, cần đặt văn hóa pháp luật vào một vị trí xứng đáng trong chiến lược phát triển văn hóa của đất nước. Trong văn hóa pháp luật nói chung, yếu tố tiên tiến và hiện đại ngày càng rõ nét, đặc biệt từ văn hóa tố tụng đến văn hóa lập pháp và hành pháp.
Tuy nhiên, khi đã hội nhập quốc tế trong khoảng 20 năm qua, yếu tố "hiện đại" dường như đang dần chiếm ưu thế. Vậy, yếu tố "đậm đà bản sắc" - điều rất cần thiết để giữ gìn văn hóa pháp luật mang bản sắc riêng cũng cần được tiếp tục nghiên cứu và thúc đẩy.
5 yêu cầu cơ bản để pháp luật phát huy vai trò đối với phát triển bền vững
Theo TS Bùi Xuân Phái, Trường Đại học Luật Hà Nội, để thực sự phát huy vai trò của mình đối với phát triển bền vững, pháp luật cần đáp ứng được 5 yêu cầu cơ bản.
Một trong những yêu cầu cơ bản là hệ thống pháp luật phải đầy đủ. Về phương diện nội dung, pháp luật được tạo ra phải đủ căn cứ pháp lý cho các hoạt động điều chỉnh quan hệ xã hội cần thiết, đặc biệt là tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động của Nhà nước với tư cách của người được xã hội trao cho quyền lực, nhân danh toàn xã hội thực hiện quyền lực trên phạm vi toàn xã hội. Điều này có nghĩa trong hệ thống pháp luật ở cấp độ chung phải có đầy đủ các ngành luật cần thiết để đảm bảo rằng các lĩnh vực cơ bản quan trọng của đời sống xã hội phải được pháp luật điều chỉnh.
Về phương diện hình thức và nguồn, pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững ngoài các nguồn mang tính truyền thống như văn bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp, tiền lệ pháp, cần phải thừa nhận sự có mặt và vai trò ngày càng mở rộng đối với các nguồn pháp luật khác như án lệ, các tập quán thương mại, luật tục, lẽ công bằng... và ngày nay là các loại hợp đồng. Pháp luật cần đầy đủ cả hai bộ phận là pháp luật nội dung (luật vật chất) và luật hình thức (luật thủ tục hay tố tụng).
Yêu cầu cơ bản thứ hai là pháp luật phải có tính hợp lý, phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội và các yếu tố quốc tế thời đại. Đây là yêu cầu của pháp luật nói chung, nhưng đối với đòi hỏi của phát triển bền vững lại càng trở nên quan trọng.
3 yêu cầu cơ bản còn lại gồm: pháp luật phải đáp ứng được yêu cầu về sự hài hòa; pháp luật phải đáp ứng tốt vai trò cơ sở để giải quyết các xung đột tranh chấp phát sinh trong quá trình phát triển và pháp luật phải có tính dự báo cao.
GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ, tại nhiều nước hiện nay, nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển xanh là nguyên tắc của luật pháp. "Nếu pháp luật Nhà nước của chúng ta không thay đổi cách làm, không thay đổi cách điều chỉnh, không thay đổi những yêu cầu của nó thì chúng ta sẽ bị lạc hậu. Tôi nghĩ pháp luật phải tăng tính chủ động, tính dự báo, để ngăn ngừa những hệ quả, nếu không chúng ta chỉ đi giải quyết phần ngọn", GS.TS Phan Trung Lý nêu quan điểm.
GS.TS Phan Trung Lý bày tỏ kỳ vọng sẽ tới thời điểm phát triển bền vững trở thành một ngành luật, một lĩnh vực với tính chất bao quát hơn, bao phủ hơn và đa ngành hơn.
Diễn đàn Luật học Mùa Thu năm 2024 được tổ chức thành 6 Hội thảo khoa học chuyên đề theo từng lĩnh vực luật học.
Trong đó, ngày 25.10 diễn ra 3 chuyên đề Hội thảo gồm: “Pháp luật trong bối cảnh phát triển bền vững: Những vấn đề cốt lõi và nhận thức hệ thống”, “Quản trị Nhà nước trong bối cảnh bền vững và những vấn đề đặt ra”, “Luật tư trước yêu cầu phát triển bền vững”.
Ngày 26.10, các chuyên gia sẽ cùng thảo luận tại 3 Hội thảo chuyên đề: “Phát triển hài hòa, bền vững và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực tư pháp hình sự”; “Thực hành kinh doanh có trách nhiệm và những vấn đề pháp lý đặt ra trong bối cảnh Việt Nam hiện nay”; “Phát triển bền vững: Tiếp cận đa ngành, liên ngành luật học”.