TP Cần Thơ: Kinh nghiệm của HĐND trong phối hợp thực hiện các chuyên đề giám sát

- Thứ Ba, 21/02/2023, 15:00 - Chia sẻ

Tham luận của Phó chủ tịch thường trực HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Xuân Hải tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Phối hợp thực hiện 3 nội dung giám sát trong năm 2022

Phó chủ tịch thường trực HĐND TP Cần Thơ Nguyễn Xuân Hải cho biết, trong năm 2022, Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề đối với thành phố Cần Thơ 03 nội dung. Trong đó:

Thường trực HĐND thành phố thực hiện trách nhiệm của đơn vị được giám sát, báo cáo các nội dung theo đề cương và gửi đến Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành trên địa bàn thành phố.

Thường trực HĐND thành phố phối hợp tham gia cùng Đoàn ĐBQH thành phố thực hiện giám sát chuyên đề và báo cáo kết quả giám sát gửi đến Đoàn giám sát của Quốc hội 02 nội dung về: việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn thành phố Cần Thơ và việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Bên cạnh đó, thực hiện sự phân công của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH thành phố tổ chức giám sát chuyên đề về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021 tại địa phương và báo cáo kết quả giám sát gửi đến Đoàn giám sát theo quy định. Đối với nội dung này, Thường trực HĐND thành phố vừa thực hiện vai trò là cơ quan chịu sự giám sát, đồng thời phối hợp tham gia cùng Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH thành phố thực hiện giám sát và xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021 đối với UBND thành phố, VKSND, TAND thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Nhìn chung, trong năm 2022, Thường trực HĐND thành phố vừa thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của đơn vị được giám sát, nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch và báo cáo các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội; đồng thời, thực hiện vai trò là cơ quan phối hợp tham gia cùng Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH, UBMTTQVN thành phố và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương theo kế hoạch của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định.

Phối hợp nhịp nhàng, kịp thời với các cơ quan có liên quan trong triển khai công tác giám sát

Qua thực tiễn hoạt động tại địa phương, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ rút ra được một số kinh nghiệm trong việc phối hợp với các Đoàn giám sát của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, đó là:

Thứ nhất, với trách nhiệm là cơ quan chịu sự giám sát, Thường trực HĐND thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung của kế hoạch theo yêu cầu của chủ thể giám sát; báo cáo kịp thời, trung thực, khách quan, đầy đủ theo yêu cầu và nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Trên cơ sở đề cương yêu cầu, Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo bộ phận tham mưu, giúp việc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng báo cáo, đảm bảo tuân thủ đúng theo các nội dung của đề cương báo cáo yêu cầu. Trong đó, báo cáo cụ thể về những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và có đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát những biện pháp, giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp cho địa phương nhằm thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong thời gian tới.

Chẳng hạn như: trong báo cáo kết quả “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Thường trực HĐND thành phố báo cáo cụ thể, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội, đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Đoàn giám sát một số giải pháp góp phần hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, như: Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc xây dựng quy hoạch tỉnh, tránh tình trạng mâu thuẫn, không phù hợp giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, dẫn đến việc quy hoạch tỉnh sẽ phải điều chỉnh sau khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng được phê duyệt; xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành những nội dung quy định trong các văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch, gây cản trở, ách tắc, khó khăn cho việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của các địa phương, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch; quy định cụ thể và thống nhất về các loại quy hoạch đô thị trong các văn bản luật; xem xét điều chỉnh thời gian gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đến Sở Tài nguyên và Môi trường cho phù hợp thực tế áp dụng tại địa phương; ban hành bổ sung quy chuẩn định mức cụ thể đối với một số mục đích sử dụng đất như: Đất tôn giáo, đất trụ sở cơ quan, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp,…, để địa phương làm cơ sở và thống nhất thực hiện việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất cho các tổ chức xin giao đất, thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn có liên quan,… Đồng thời, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật về công tác quy hoạch.

Thứ hai, là Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố kịp thời phối hợp tham gia cùng Đoàn ĐBQH, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện công tác giám sát tại địa phương khi được Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phân công, như: xây dựng kế hoạch giám sát (nêu cụ thể về đối tượng giám sát, nội dung giám sát cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng được giám sát, xác định phạm vi giám sát, thời gian giám sát, hình thức giám sát, thành phần Đoàn giám sát,…); tích cực tham gia và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm thành viên Đoàn giám sát khi tham gia cùng Đoàn giám sát làm việc với các cơ quan, đơn vị được giám sát; sau khi kết thúc giám sát, Thường trực HĐND thành phố tham gia cùng Đoàn giám sát xây dựng báo cáo kết quả giám sát, báo cáo về Đoàn Giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, đối với các nội dung đã được Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội giám sát thì Thường trực HĐND, các Ban của HĐND thành phố không tổ chức giám sát lại các nội dung này. Qua đó, tránh được tình trạng trùng lặp về nội dung giám sát và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị được giám sát.

Thứ tư, đối với các nội dung mà Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND thành phố tham gia giám sát cùng với các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn ĐBQH thành phố thì trên cơ sở kết quả giám các nội dung này, Thường trực HĐND và các Ban của HĐND thành phố sẽ tiếp tục theo dõi và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các Đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cũng như việc triển khai thực hiện pháp luật của các cơ quan, đơn vị tại địa phương theo thẩm quyền.

#