Phù hợp với điều kiện thực tiễn
Cụ thể, với sự thống nhất rất cao, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND (30.7.2019) và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND (ngày 31.3.2020) của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg (ngày 4.6.2021) của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, trong phiên thảo luận về nội dung này, đại biểu HĐND tỉnh cho biết, việc tiếp tục thực hiện 2 nghị quyết nói trên là hoàn toàn phù hợp. Nhất là trong bối cảnh, tỉnh đang tích cực thực hiện mục tiêu bảo đảm mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng kinh tế bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau và chủ đề năm 2023: “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống Nhân dân”.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thúy, trên địa bàn tỉnh đã có 359 cơ sở giáo dục với 75.358 lượt đối tượng được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh tại Nghị quyết số 204/NQ-HĐND và Nghị quyết số 248/NQ-HĐND. Tổng kinh phí chi trả lên đến hơn 167 tỷ đồng. Nguồn lực từ 2 nghị quyết đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi, bổ sung chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng quy mô huy động trẻ, học sinh ra lớp, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày; giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học. Đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh phát triển toàn diện.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Định - Hiệu trưởng Trường THPT Hoành Bồ cho rằng: 2 nghị quyết kể trên từ khi được triển khai vào cuộc sống đã trở thành đòn bẩy cho ngành giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Quá trình thực hiện cho thấy, các quyết sách của HĐND tỉnh đã đem đến nguồn năng lượng mới, thúc đẩy nền giáo dục của tỉnh ngày càng phát triển.
Giữ ổn định hoạt động giáo dục ở vùng khó
Cũng theo các đại biểu, dù điều kiện kinh tế - xã hội ở các xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và khó khăn trên địa bàn đã cơ bản được cải thiện nhưng đời sống của một bộ phận Nhân dân vẫn còn khó khăn. Các đối tượng trẻ em, học sinh vẫn cần có chính sách hỗ trợ trong quá trình học tập; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, ổn định hoạt động dạy học cho các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ thực tiễn trên, các đại biểu đồng tình rất cao với ban hành nghị quyết tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục thay thế cho 2 nghị quyết nêu trên. Trong đó, trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, cơ sở giáo dục ở các xã ra khỏi vùng khó khăn, diện đặc biệt khó khăn (sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg), ở các thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (sau khi Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT) tiếp tục được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh như ở xã vùng khó khăn và thôn, xã diện đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 248/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND.
Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua bao gồm 8 chính sách, gồm: hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh bán trú; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh đang học tại cơ sở giáo dục tư thục; hỗ trợ học sinh năng khiếu thể thao; hỗ trợ cho học viên giáo dục thường xuyên.