Chỉ đạo chưa quyết liệt, hiệu quả
Theo đánh giá, những năm qua, công tác nâng cao chất lượng dân số được cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai quan tâm lãnh đạo, triển khai và đạt được kết quả quan trọng. Chỉ số phát triển con người từng bước được cải thiện; mạng lưới chăm sóc sức khỏe và tổ chức bộ máy làm công tác dân số tiếp tục được kiện toàn; công tác truyền thông chuyển đổi hành vi được tăng cường; chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản ngày càng cao; từng bước thực hiện tầm soát bệnh, tật bẩm sinh. Công tác chăm sóc dinh dưỡng được triển khai thực hiện hiệu quả; việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm thực hiện. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng giảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số chỉ tiêu quan trọng về chăm sóc, nâng cao sức khỏe đạt thấp so với toàn quốc. Tuổi thọ bình quân tăng chậm, số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp; tầm vóc, thể lực và sức bền của người dân chậm được cải thiện. Tỷ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, đặc biệt tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Ý thức chăm sóc, nâng cao sức khỏe, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn cao so với toàn quốc. Tỷ lệ phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh được tiếp cận sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh còn thấp; tình trạng tảo hôn, sinh con sớm còn tồn tại ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Qua khảo sát, giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Lào Cai cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tính chiến lược, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác nâng cao chất lượng dân số, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả; công tác phối hợp trong thực hiện công tác dân số chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ. Tổ chức bộ máy làm công tác dân số có những biến động, thay đổi, hạn chế hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cộng tác viên dân số chế độ đãi ngộ thấp, hoạt động chưa hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho y tế mới đáp ứng nhu cầu cơ bản. Nhận thức của một bộ phận đồng bào dân tộc vùng cao về công tác dân số chưa đầy đủ.
Hoàn thiện, thực hiện hiệu quả các chính sách, cơ chế
Từ thực tế trên, rất cần Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tăng cường giám sát các biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu, chỉ tiêu như: duy trì vững chắc mức sinh thay thế; quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân; giảm tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong do bệnh tật; phấn đấu nâng chỉ số phát triển con người Lào Cai bằng mức trung bình toàn quốc; phấn đấu đến năm 2025 không còn hôn nhân cận huyết thống, 2030 không còn tình trạng tảo hôn; tỷ lệ bà mẹ mang thai được tầm soát sàng lọc trước sinh ít nhất 4 bệnh, tật bẩm sinh phổ biến đạt trên 60% vào năm 2025; đạt trên 70% vào năm 2030…
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ trọng tâm các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện đó là: phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp, đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp; xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lâu dài, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong giai đoạn tới. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; lồng ghép hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xác định công tác nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, xã hội và tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách dân số.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về nâng cao chất lượng dân số; đề cao vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong giáo dục về dân số; ngăn ngừa, giảm thiểu tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, mang thai ở tuổi vị thành niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; vận động phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tham gia tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số; tiếp tục triển khai thực hiện các đề án nâng cao chất lượng dân số bằng việc mở rộng địa bàn hoạt động, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, sàng lọc vô sinh… đặc biệt là tiếp tục rà soát, nghiên cứu xem xét hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, cơ chế; bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng dân số cũng là vấn đề đang đặt ra cần được đặc biệt quan tâm.