Tiên phong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động

- Thứ Năm, 26/01/2023, 06:24 - Chia sẻ

Mai Văn Nhiều - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An

Năm 2022, kinh tế - xã hội tỉnh Long An phục hồi và phát triển khá mạnh mẽ (tăng trưởng GRDP đạt 8,46%) và toàn diện, hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt với nhiều dấu ấn rất quan trọng. Trong đó, việc đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành thông minh (IOC), Kho cơ sở dữ liệu (CSDL), Nền tảng xã hội số - ứng dụng "Long An ID", là dấu ấn đặc biệt quan trọng. Trong xu thế đó, HĐND tỉnh xác định phải tiên phong, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và chuyển đổi số, hội nhập với xu hướng phát triển Công nghệ 4.0.

Đổi mới và trách nhiệm

Tiên phong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động -0

Năm 2023 - năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, năm giữa nhiệm kỳ của cơ quan dân cử, năm đầu tiên tỉnh Long An thực hiện cơ chế tự cân đối ngân sách nhà nước - nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đồng thời tiếp tục mở ra nhiều cơ hội về sự thay đổi, thích ứng trong điều kiện mới. Tiếp nối truyền thống trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc, đi đầu trong công cuộc đổi mới, mà nay là “điểm sáng” trong khôi phục, phát triển kinh tế, toàn tỉnh Long An, trong đó có cơ quan dân cử sẽ cùng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết hơn nữa để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023. Tạo nền tảng vững chắc, khí thế mới đưa tỉnh phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần hiện thực hóa khát vọng đến năm 2025 giữ vững vị trí tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2030, có quy mô nền kinh tế vững vàng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Long An MAI VĂN NHIỀU

Nhiệm kỳ mới có những yêu cầu mới, điều kiện bình thường mới, cử tri và Nhân dân có những đòi hỏi, kỳ vọng khác hơn, cao hơn trước. Đó là quy luật mà đại biểu, cơ quan dân cử, trước hết là Thường trực HĐND tỉnh tự nhận thức, đổi mới, phấn đấu nâng tầm hơn nữa. Chính vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh Long An đã trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Qua thực hiện Đề án, bước đầu mang lại nhiều hiệu quả, nổi bật là trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát.

Trước hết là việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp sâu, kỹ các nội dung kỳ họp, nhất là các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách liên quan đến người dân với các hình thức phong phú, đa dạng, qua nhiều vòng, như: tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân để đóng góp dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn 2050; việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án đầu tư; thực hiện quy trình thẩm tra 4 giai đoạn của các Ban HĐND tỉnh, theo trình tự: (1) Thẩm tra đề nghị xây dựng nghị quyết của cơ quan trình, (2) Thẩm tra để xác định đưa vào chương trình kỳ họp, (3) Thẩm tra nội dung nghị quyết trước khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến (theo Quy chế của Tỉnh ủy), (4) Thẩm tra toàn bộ nghị quyết để trình ra kỳ họp HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Đồng thời, gắn quá trình thẩm tra với hoạt động giải trình của Thường trực HĐND để làm rõ, tạo sự đồng thuận trước khi đưa ra HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Nhờ cách làm đổi mới trên, qua 4 kỳ họp với 117 nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành trong năm 2022 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, pháp chế đều bảo đảm đúng quy định pháp luật, bám sát chủ trương Tỉnh ủy, phù hợp tình hình thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.

Đổi mới thứ hai, là nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát. Phát huy đầy đủ trách nhiệm của 4 chủ thể giám sát, bảo đảm kế hoạch giám sát thống nhất, đồng bộ, giải quyết vấn đề qua giám sát khép kín, triệt để từ cấp giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đến Ban, Thường trực HĐND, cần thiết sẽ trình HĐND tỉnh giám sát ngay tại kỳ họp. Thực hiện nhiều hình thức giám sát từ khảo sát nắm tình hình, giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề, tổ chức chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình, đối thoại tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh.

Điển hình trong năm 2022, ngoài khảo sát, giám sát thường xuyên, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Long An đã tổ chức giám sát 4 chuyên đề quan trọng về công tác cải cách giáo dục; quản lý và đấu giá quyền sử dụng đất công; phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp; việc chuyển mục đích đất trồng lúa và sử dụng đất để đầu tư các dự án ngoài ngân sách. Tổ chức 2 chương trình đối thoại trực tiếp trên Đài PTTH về giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại các trường mầm non và phổ thông, về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; tổ chức phiên giải trình về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong hoạt động giám sát, điểm mới là thành lập Tổ giúp việc đoàn giám sát để tiền giám sát, tổng hợp, tham mưu, đề xuất đoàn giám sát đối với các vấn đề chuyên sâu; mời chuyên gia am hiểu lĩnh vực cùng tham gia đoàn giám sát, nhất là các đại biểu chuyên trách từng công tác trong HĐND tỉnh. Đối với kết luận giám sát, đã chú trọng xem xét, đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan gắn với xác định trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan về các tồn tại, hạn chế; kiến nghị các giải pháp, định hướng giải quyết, khắc phục khả thi, hiệu quả.

Chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là động lực

Thường trực HĐND tỉnh Long An xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là mục tiêu và động lực, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hoạt động của cơ quan dân cử. Theo đó, đã chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại cơ quan dân cử; tổ chức “kỳ họp không giấy”, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào phục vụ đại biểu; tổ chức các kỳ họp HĐND, tiếp xúc cử tri, các cuộc hội họp với hình thức đa dạng từ trực tiếp, trực tuyến đến kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền chú trọng nhiều hơn đến tương tác hai chiều giữa đại biểu, chính quyền và cử tri qua Chuyên trang hoạt động HĐND tỉnh trên Báo Long An, Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Đài PTTH tỉnh; tạo diễn đàn cử tri trên Trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội của HĐND tỉnh như Facebook, Zalo, YouTube với quy chế tương tác cụ thể.

Tiên phong đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động -0
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Mai Văn Nhiều chủ trì Đoàn giám sát việc chuyển mục đích đất trồng lúa và sử dụng đất để thực hiện các dự án ngoài ngân sách
Ảnh: C. Thành

Thời gian tới, Thường trực HĐND tỉnh Long An tiếp tục chỉ đạo ứng dụng các phần mềm trong tổng hợp, theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, tiếp công dân và xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; trong theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, nhất là liên quan lĩnh vực thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất (gia hạn, chuyển tiếp); tích hợp, liên thông chuyên mục Diễn đàn cử tri của HĐND tỉnh vào Trung tâm điều hành thông minh (IOC), Kho cơ sở dữ liệu (CSDL), Nền tảng xã hội số - ứng dụng "Long An ID" của tỉnh.

Đặc biệt, với tinh thần đổi mới và phát triển, đầu năm 2023, Thường trực HĐND tỉnh sẽ chủ trì tổ chức cuộc vận động “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” trên các diễn đàn, trang mạng xã hội của HĐND tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bao trùm và phục vụ người dân: “Long An: giàu - mạnh; Người dân: vui vẻ - hạnh phúc; Xã hội: an toàn - văn minh; Chính quyền: trong sạch - vững mạnh”.

#