Tiền đề, động lực thúc đẩy phối hợp hoạt động

- Thứ Năm, 12/05/2022, 06:34 - Chia sẻ

Điều kiện pháp lý và những hội nghị của HĐND gần đây đã tạo tiền đề, động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động của HĐND với Đoàn ĐBQH. Thường trực HĐND và Đoàn ĐBQH cần tăng cường phối hợp hoạt động, tìm ra những giải pháp tối ưu phù hợp với từng địa phương. Luôn luôn xác định Đoàn ĐBQH, HĐND đều cùng cơ quan có vai trò đại diện của cử tri và Nhân dân để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, góp phần quan trọng xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Tiền đề cho sự phối hợp hoạt động

Những quy định của luật pháp, nhất là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương,Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực hơn một nhiệm kỳ qua. Với khoảng thời gian đó, luật pháp thêm độ chỉnh về pháp lývà đủ cơ sở thực tiễn thúc đẩy mọi hoạt động của HĐND và Đoàn ĐBQH tại địa phương. Sự phối hợp hoạt động thể hiện rõ khi lãnh đạo Đoàn ĐBQH đều đặn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp thường lệ của HĐND. Hơn nữa, nhiều hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH có sự tham gia tích cực của Thường trực HĐND, làm cho Báo cáo giám sát của Đoàn sâu sắc và chất lượng hơn. Thường trực, các Ban của HĐND cũng đóng góp có trách nhiệm vào các dự án luật, đưa được ý chí, nguyện vọng của cử tri vào luật pháp mà Quốc hội chuẩn bị thông qua tại kỳ họp.

Sau một thời gian dài có nhiều biến động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trên cơ sở sát nhập Văn phòng HĐND với Văn phòng Đoàn ĐBQH càng tạo nên sự gắn kết hoạt động của Đoàn ĐBQH với Thường trực HĐND. Sau khi sát nhập, Đoàn ĐBQH và HĐND không những có chung một cơ quan Văn phòng tham mưu, phục vụ mà hầu hết ở các địa phương cùng làm việc chung trong một trụ sở. Hơn nữa, cơ quan có chung một tổ chức Đảng, cùng chung một Công đoàn cơ sở... Sự thay đổi về tổ chức cơ quan phục vụ càng tạo nên sự gần gũi, thân thiết; mối quan hệ phối hợp hoạt động các cơ quan ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Từ việc lần đầu tiên Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác HĐND, sau đó liên tiếp các Hội nghị HĐND tại khu vực, với nhiều chuyên đề khác nhau theo yêu cầu thực tế từng vùng miền. Dù nội dung phong phú, đa dạng, nhưng các Hội nghị khu vực đều do Ban Công tác đại biểu chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND tổ chức và có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội. Những hội nghị vừa qua của HĐND có nhiều nội dung phong phú và thiết thực không những giúp cho HĐND, Đoàn ĐBQH có thêm những kinh nghiệm hoạt động, mà quan trọng hơn tạo nên sự gắn kết, phối hợp hoạt động tại địa phương.

Tiền đề, động lực thúc đẩy phối hợp hoạt động -0
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Còn nhiều dư địa tăng cường mối quan hệ phối hợp

Khi có Văn phòng chung tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND; cán bộ, chuyên viên cơ quan Văn phòng có thuận lợi để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục vụ cơ quan dân cử. Từ đó, có điều kiện đi sâu chuyên đề, chuyên môn, nghiệp vụ từng lĩnh vực; các cán bộ, chuyên viên giúp lãnh đạo Đoàn ĐBQH và Thường trực, các Ban HĐND chuẩn bị những báo cáo có chất lượng cao. Lãnh đạo Văn phòng tham mưu Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND xây dựng chương trình công tác khoa học, thiết thực; không những không trùng lặp công việc mà còn hỗ trợ, kết hợp hài hòa công tác của từng cơ quan. Qua đó, cũng tạo nên mối quan hệ mật thiết, phối hợp nhịp nhàng hoạt động của Đoàn ĐBQH và các cơ quan của HĐND.

Tại kỳ họp thường lệ của HĐND, lãnh đạo Đoàn ĐBQH không chỉ báo cáo kết quả kỳ họp của Quốc hội khuôn mẫu theo đề cương chung của cả nước, mà nội dung báo cáo được chuẩn bị để phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Nội dung thiết yếu những luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua liên quan nhiều đến địa phương được đề cập kỹ hơn. Trong hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tại địa phương, đại diện Thường trực và lãnh đạo các Ban HĐND tham gia nhiều hơn, qua đó sẽ giúp cho báo cáo kết quả giám sát sâu sắc và chất lượng. Đồng thời, qua tham gia hoạt động giám sát với Đoàn ĐBQH không những tăng cường thêm mối quan hệ hoạt động, mà còn giúp cho Thường trực và các Ban HĐND có nhiều thông tin, kỹ năng trong hoạt động giám sát. Đoàn ĐBQH cũng có thêm kinh nghiệm thực tế, phong phú từ đại biểu HĐND.

Trong các Hội nghị HĐND vừa qua, lãnh đạo Quốc hội và Ban Công tác đại biểu luôn mong muốn hoạt động của các Đoàn ĐBQH với HĐND thường xuyên có mối quan hệ mật thiết và phát triển hơn nữa để nâng cao vị trí, vai trò, quyền hạn của cơ quan dân cử. Ở địa phương, ngoài dự các kỳ họp của HĐND và phối hợp hoạt động giám sát; đại diện Đoàn ĐBQH tăng cường phối hợp tiếp công dân, TXCT, nhất là việc tiếp dân tại cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND. Tại những buổi tiếp công dân, nhiều ý kiến của người dân có thể liên quan đến việc xem xét, xử lý của các cơ quan Trung ương mà Đoàn ĐBQH nên trả lời hoặc tổng hợp vào ý kiến cử tri; nếu được kết hợp như vậy kết quả tiếp công dân sẽ cao hơn.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH cũng cần nghiên cứu thêm Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND; ngược lại, Thường trực HĐND cũng cần nghiên cứu báo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội để cùng nhau xử lý hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết tạo niềm tin của cử tri. Qua đó, sẽ giảm bớt được khiếu kiện vượt cấp, tập trung đông người kéo dài.

Trần Đình Huề - Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình