Thực chất, hiệu quả việc phân luồng học sinh

- Thứ Tư, 28/02/2024, 07:42 - Chia sẻ

UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngành phối hợp giao chỉ tiêu, trình độ đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế, đồng bộ, thống nhất giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác đào tạo nghề; chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thực chất, hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tham gia học nghề theo Đề án phân luồng học sinh đã được phê duyệt…

Thực chất, hiệu quả việc phân luồng học sinh -0
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum làm việc với Trường Cao đẳng Kon Tum về việc triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn. Ảnh: Mạnh Tuấn

Đây là một số nội dung Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh qua giám sát tình hình triển khai công tác đào tạo nghề trên địa bàn.

Chưa sát với nhu cầu thực tế

Qua giám sát thực tế cho thấy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở có hoạt động GDNN được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, công trình phụ trợ, trang thiết bị đào tạo nghề, bố trí giáo viên để bảo đảm đào tạo nghề theo nhu cầu xã hội, chi tiêu giao, phù hợp với năng lực đào tạo của từng đơn vị. Từ năm 2017 – 2023, đào tạo 39.395 chỉ tiêu thuộc các trình độ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp và dưới 3 tháng, tổng kinh phí 413.153,96 triệu đồng. Kết quả đào tạo nghề đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, cũng như nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu lao động qua đào tạo theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Tuy nhiên, việc thực hiện định hướng ngành nghề đào tạo ở cấp huyện chưa bảo đảm theo các định hướng chung của tỉnh, ngành nghề chủ lực của huyện. Định hướng học nghề theo phương thức, tập quán sản xuất của người dân tộc thiểu số của từng địa phương chưa được chú trọng, chủ yếu dựa vào danh mục nghề đã có để đào tạo, dẫn đến tình trạng người lao động học theo kiểu “miễn cưỡng”; hoặc học nghề để hoàn thành chỉ tiêu được giao. Giao chỉ tiêu đào tạo nghề cho địa phương chủ yếu dựa vào chỉ tiêu Trung ương giao, chưa sát với nhu cầu thực tế. Phân bổ vốn sự nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho công tác đào tạo nghề có sự trùng lặp về nhiệm vụ, đối tượng dẫn đến nguồn kinh phí phân bổ cho các huyện, thành phố để thực hiện đào tạo lớn; hoặc phân bổ vốn cho đơn vị không có nhiệm vụ chi, phải hoàn trả ngân sách cấp trên.

Bên cạnh đó, việc chậm ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá đào tạo, mức chi phí hỗ trợ đào tạo các ngành nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng làm chậm tiến độ mở lớp đào tạo nghề theo chỉ tiêu được giao. Nội dung đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được quy định tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 chưa được triển khai. Công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành nghề thuộc lĩnh vực GDNN không đạt chỉ tiêu giao hàng năm. Bố trí nhà giáo giáo dục nghề nghiệp ở các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện chưa có sự tương đồng tại đơn vị và giữa các trung tâm với nhau về biên chế, chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến bị động trong thực hiện các chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền chưa có biện pháp chỉ đạo tích cực trong tuyên truyền tư vấn học nghề; việc khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sản xuất, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Phối hợp giữa các ngành chức năng và địa phương trong phân luồng học sinh, nắm bắt thông tin đối tượng sau tốt nghiệp Trung học cơ sở đề tư vấn, định hướng nghề ở cơ sở chưa chặt chẽ.

Xây dựng, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đào tạo nghề

Để đẩy mạnh hiệu quả công tác đào tạo nghề trên địa bàn, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Kon Tum kiến nghị UBND tỉnh rà soát, sắp xếp lại tài sản công tại các đơn vị GDNN trên địa bàn theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công; thiết bị dạy nghề hiện có để có phương án xử lý phù hợp. Rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của Trường Cao đẳng Kon Tum và các Trung tâm GDNN – GDTX trên địa bàn các huyện bảo đảm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đào tạo (quy mô đào tạo, trình độ nhà giáo, quản trị). Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm, trình độ học viên sau đào tạo, việc làm... hướng tới sắp xếp, củng cố các cơ sở GDNN (trong đó có nội dung xây dựng Cao đẳng Kon Tum thành trường chất lượng cao); ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động phù hợp với điều kiện thực tế.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh) phối hợp giao chỉ tiêu đào tạo nghề, trình độ đào tạo nghề phù hợp với tình hình thực tế, đồng bộ, thống nhất giữa các Chương trình Mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác đào tạo nghề. Chấn chỉnh việc phân bố các nguồn vốn cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp mà không có nhiệm vụ chi. Chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện thực chất, hiệu quả đối với việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở hoặc Trung học phổ thông tham gia học nghề theo Đề án phân luồng học sinh đã được phê duyệt. UBND tỉnh xây dựng, cập nhật, bổ sung danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu đào tạo nghề của các đơn vị, địa phương và tình hình thực tế. Rà soát tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các ngành, đơn vị, địa phương liên quan đến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ những khó khăn khi áp dụng chính sách về GDNN trong thực tiễn.

TRẦN THU
#