Kinh tế phát triển đúng hướng, chuyển dịch cơ cấu ngày càng bền vững
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đã khái quát những kết quả tỉnh đạt được trong nửa đầu năm với những thuận lợi nhất định đan xen khó khăn, thách thức nhiều hơn, áp lực lớn hơn. Nhận diện và dự báo chính xác tình hình, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát thực tiễn và Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 27.11.2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Qua đó, toàn tỉnh đã đạt được kết quả rất toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, coi trọng chất lượng tăng trưởng và nâng cao chất lượng sống mọi mặt của người dân.
Nổi bật, tỉnh đã giữ vững đà tăng trưởng kinh tế 9 năm liên tiếp 2 con số (2015 - 2023). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 đạt 9,02%. Thu hút FDI đạt 1,55 tỷ USD, đứng top đầu cả nước. Trong bối cảnh thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 21% chỉ tiêu Trung ương giao, tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm vẫn đạt 30.744 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ, là nỗ lực vượt bậc của các cấp, ngành, các địa phương. Năm 2023 là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh giữ vị trí Quán quân PCI (từ 2017 - 2023); năm thứ 6 dẫn đầu Chỉ số PAR INDEX (năm 2017 - 2020, 2022 - 2023); năm thứ 5 liên tiếp dẫn đầu Chỉ số SIPAS (2019 - 2023).
Tỉnh cũng hoàn thành trước nhiều mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội, con người gắn với nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, xã hội, thể thao có nhiều tiến bộ. Đời sống Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện, nâng cao; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe…
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cũng chỉ rõ, ở một số địa bàn, trên một số lĩnh vực vẫn đang nổi lên một số vấn đề hạn chế, khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải được nhận diện và có giải pháp khắc phục kịp thời. Cùng với đó, để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cả năm 2024, nhất là giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10% với quy mô của nền kinh tế rất lớn, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 3 tỷ USD; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp; tạo ra khoảng 30.000 việc làm tăng thêm... là áp lực rất lớn đối với hệ thống chính trị toàn tỉnh.
Xác định 3 trụ cột giữ vững tăng trưởng kinh tế hai con số
Những lưu ý của chủ tọa kỳ họp tiếp tục được Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đề cập sâu sắc trong nội dung báo cáo về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Theo đó, UBND tỉnh xác định, những diễn biến phức tạp, khó lường từ tình hình thế giới sẽ tiếp tục tạo áp lực lên điều hành phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, để phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm, có những cơ hội, thuận lợi, thời cơ đan xen.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trên cơ sở kết quả sơ bộ quý II, 6 tháng và dự báo cả năm, UBND tỉnh xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng bám sát các chỉ tiêu đề ra tại Kết luận số 1156-KL/TU ngày 26.6.2024 của Tỉnh ủy để hoàn thành các chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 10,9%; thu ngân sách nhà nước không thấp hơn 55.600 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI cả năm đạt ít nhất 3 tỷ USD; tổng khách du lịch đạt từ 17 - 18 triệu lượt khách...
Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, toàn tỉnh cần tập trung cao độ cho những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định 3 trụ cột bảo đảm giữ vững tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2024, là: công nghiệp chế biến, chế tạo; đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản vốn ngoài ngân sách; du lịch, dịch vụ, kinh tế biển và kinh tế số; xác định yếu tố bảo đảm sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội là giữ vững sự ổn định và phát triển bền vững ngành than, điện.
Xác định các động lực cơ bản thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là các khu công nghiệp, khu kinh tế, còn dư địa tăng trưởng lớn; phát triển kinh tế di sản, kinh tế đô thị, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu; phát huy tối đa hiệu quả từ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể để thúc đẩy hội nhập, hợp tác, kết nối, liên kết; sự năng động, đổi mới sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả của khu vực công; niềm tin của Nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của nền kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành thu - chi ngân sách; tập trung giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng dự án, công trình; đẩy mạnh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; bảo đảm an sinh, phúc lợi, công bằng xã hội; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực...