Đánh giá toàn diện nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024 của thành phố Hà Nội, các đại biểu đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện của thành phố trong triển khai các nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết, chương trình của Thành ủy và của HĐND thành phố trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển inh tế - xã hội. Trước bối cảnh tình hình chính trị của thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, biến động phức tạp, khó lường, thành phố đã tích cực tập trung triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển với nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện là 252.054 tỷ đồng (đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ); vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt 208.784 tỷ đồng (tăng 9,55%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023); các ngành kinh tế thương mại, dịch vụ được duy trì tăng trưởng; du lịch được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực...
Thành phố đã quan tâm đến triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...; tích cực xây dựng và phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 trình Quốc hội cho ý kiến. Đặc biệt, đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua với tỷ lệ tán thành cao. Đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại các tổ thảo luận, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân mà thành phố cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, thành phố cần đánh giá kỹ hơn nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong các tháng đầu năm; các giải pháp từ sớm, từ xa khắc phục tình trạng này trong các tháng cuối năm khi mức lương cơ sở được tăng thêm từ ngày 1.7.2024. Đánh giá kỹ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan về thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, mặt nước chưa đạt kết quả cao; rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp...
Đối với nội dung điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp thành phố năm 2024, định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm (2021 - 2025) cấp thành phố, các đại biểu đề nghị: UBND thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong triển khai các dự án đầu tư công, trong đó cần có những chỉ đạo, định hướng lớn trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, giải quyết đồng bộ cho toàn thành phố chứ không phải chỉ riêng lẻ từng khu vực. Đồng thời, cần đôn đốc triển khai các công trình trọng điểm của thành phố và tiến độ chung các dự án trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; nâng cao khả năng giải ngân của các dự án trong 6 tháng cuối năm 2024...
Cần những giải pháp mang tính đột phá
Về Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ trên địa bàn giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu đề nghị: UBND thành phố cần đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách có tính đột phá thuộc thẩm quyền của thành phố; ưu tiên những giải pháp mang tính khả thi để khắc phục các tồn tại, vướng mắc. Đặc biệt, cần quan tâm đến đề xuất các chế độ chính sách đặc thù cho lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ của thành phố.
Ngoài ra, cần thành lập tổ rà soát, kiểm tra đến từng hộ dân, doanh nghiệp, từng căn hộ về công tác PCCC; có giải pháp quy hoạch đô thị đối với những căn hộ, khu vực không bảo đảm điều kiện về PCCC; nâng cao công tác hậu kiểm, tăng cường công tác PCCC; có chế tài đối với công tác phòng, chống cháy nổ của người dân khi có vi phạm...
Riêng đối với Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, đa số đại biểu đánh giá cao việc xây dựng và triển khai đề án nhằm tạo bộ mặt mới cho giao thông công cộng của Thủ đô trong tương lai. Các ý kiến đề nghị, UBND thành phố cần xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai phân đoạn dự án gắn với việc nghiên cứu kỹ lưỡng khả năng kết nối của các tuyến đường sắt đô thị và yêu cầu phát triển đô thị của Thủ đô. Trong đó, ưu tiên ứng dụng các công nghệ hiện đại, quản lý giao thông và kiểm soát hành khách thông qua ứng dụng thông tin để triển khai, thực hiện hiệu quả.
Các đại biểu cũng đề nghị, thành phố tập trung nghiên cứu các cơ chế thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trong thời gian tới. Mặt khác, cần rà soát công nghệ của hệ thống đường sắt đô thị; phân tích chi tiết khả năng cân đối vốn, đặc biệt cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ của Trung ương và tính toán kỹ các khoản vay tương ứng với khả năng cân đối ngân sách của thành phố; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư...