THAM VẤN Ý KIẾN NHÂN DÂN TRONG BAN HÀNH, SỬA ĐỔI CHÍNH SÁCH CỦA HĐND

“Sức sống” mạnh mẽ cho các chính sách

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 07:46 - Chia sẻ

Sự tham gia của người dân vào hoạt động tham vấn sẽ đem đến cho chính sách của chính quyền địa phương “sức sống” mạnh mẽ. Bởi vì, việc tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách của chính quyền, việc người dân có ý kiến góp ý vào các chính sách sẽ tăng cường sự tham gia của người dân vào quản trị nhà nước tại địa phương. Mặt khác, góp phần làm cho người dân hiểu rõ hơn về chính sách, và chính sách sẽ minh bạch hơn đối với người dân. Thực tiễn cho thấy, những chính sách nào được tham vấn ý kiến nhân dân thì rất nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Lắng nghe, thảo luận với những người dân chịu ảnh hưởng

Tham vấn ý kiến nhân dân (tham vấn công chúng) là hoạt động có chủ đích của chính quyền nhằm thông báo, hỏi và lắng nghe, thảo luận với những người dân chịu ảnh hưởng bởi một quyết định, một giải pháp nào đó, hoặc những người có liên quan quan tâm đến chính sách, giải pháp sắp được ban hành hoặc đã được ban hành. Qua đó, người dân được tổ chức các cơ hội để bày tỏ các quan điểm về ý kiến của mình theo những kênh thu nhận khác nhau đã công bố, có cơ chế để những quan điểm, ý kiến này được người ra quyết định xem xét và cân nhắc trước khi quyết định đó được thông qua.

Để tạo điều kiện cho người dân có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề được thông báo, hỏi và thảo luận, thì hoạt động tham vấn có thể tiến hành theo nhiều hình thức. Theo chúng tôi, tham vấn ý kiến nhân dân nên xét về góc độ chủ động của chính quyền, thì ta có thể có hình thức tham vấn chủ động: đại diện chính quyền tổ chức nghe ý kiến của người dân về một vấn đề, lĩnh vực nào đó với nhiều kênh thông tin qua nhiều công cụ khác nhau để từ đó có những quyết định đúng đắn nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách đã ban hành hoặc ban hành chính sách mới. Hình thức tham vấn bị động: công bố chính sách, thậm chí là quyết định đã rồi và để người dân góp ý với chính quyền theo địa chỉ công bố.

“Sức sống” mạnh mẽ cho các chính sách -0
Hội nghị tham vấn ý kiến Nhân dân vào dự thảo nghị quyết ban hành giá đất của HĐND tỉnh Lào Cai

Tăng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân

Việc tổ chức các hoạt động tham vấn nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của công chúng trong việc xây dựng chính sách, chọn ý kiến hay, hiến kế của người dân (công chúng) trong thực hiện chính sách; nghe phản hồi của nhân dân (công chúng) về tác động của chính sách và khả năng chấp hành các chính sách đó; đánh giá mức đạt mục đích của chính sách khi thi hành, tạo sự đồng thuận giữa nhân dân với nhà nước, hài hòa lợi tích của nhân dân, tập thể và nhà nước. Bên cạnh đó, việc tham vấn ý kiến nhân dân còn giúp người dân tham gia công việc quản trị nhà nước ở mức độ nhất định, tham gia vào quá trình hình thành, ra quyết định cho việc ra đời, thi hành chính sách. Đồng thời, tập cho người dân thói quen tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Khi tiến hành tham vấn, nguyên tắc cơ bản của hoạt động này phải dựa trên nền tảng pháp lý. nghĩa là, hoạt động tham vấn ý kiến nhân dân phải sử dụng các quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực tham vấn, quyền hạn của cơ quan tiến hành tham vấn, về quy chế dân chủ... phải tham khảo các công cụ, kỹ thuật sử dụng trong tham vấn, điều tra xã hội học, đánh giá có sự tham gia của người dân về vấn đề được tham vấn. đồng thời, phải sử dụng thích hợp các công cụ, kỹ thuật tham vấn, sự tham gia của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị địa phương và cộng đồng dân cư vào quá trình tham vấn, đặc biệt sự tham gia tối đa của người dân vào quá trình tham vấn sẽ có được nhiều phản hồi tích cực, ý kiến hay về vấn đề được tham vấn. Các chính sách được tham vấn đều có sự phản hồi đối với người dân được tham vấn, từ đó giúp chính quyền địa phương điều chỉnh chính sách cho phù hợp

Sự tham gia của người dân vào hoạt động tham vấn sẽ đem đến cho chính sách của chính quyền địa phương sức sống mạnh mẽ. Bởi vì, việc tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách của chính quyền, việc người dân có ý kiến góp ý vào các chính sách sẽ tăng cường sự tham gia của người dân vào quản trị nhà nước tại địa phương. Mặt khác, góp phần làm cho người dân hiểu rõ hơn về chính sách, và chính sách sẽ minh bạch hơn đối với người dân.

Những năm qua, việc HĐND tỉnh Lào Cai tổ chức nhiều cuộc tham vấn về các chính sách sắp được ban hành và chính sách đã ban hành đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong tỉnh. Qua thực tiễn cho thấy, những chính sách nào được tham vấn ý kiến nhân dân thì rất nhanh chóng đi vào cuộc sống. Ví dụ như: Nghị quyết về chế độ phụ cấp đối với các chức danh không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, chính sách đối với người trồng chè, chính sách về giá đất... Lý do đơn giản là thông qua các hoạt động tham vấn, HĐND tỉnh đã thu nhận được những thông tin cần thiết, quan trọng khi ban hành chính sách, hoặc điều chỉnh các chính sách đã ban hành. Việc tổ chức tham vấn về các chính sách sắp ban hành cũng như chính sách đã ban hành đã làm tăng tính công khai, minh bạch hóa các chính sách này đối với người dân, làm tăng sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân.

Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng công cụ này để ban hành chính sách, điều chỉnh chính sách chưa được nhiều. thời gian tới, việc tổ chức các hoạt động tham vấn phục vụ ban hành chính sách của chính quyền địa phương cần được tăng cường thông qua nhiều hình thức với nhiều tổ chức, cơ quan tham gia thì chắc chắn việc ban hành chính sách sẽ sát với thực tiễn và tạo được sự đồng thuận của nhân dân hơn.

Ngô Quyền, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lào Cai