Sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ

- Chủ Nhật, 22/01/2023, 06:16 - Chia sẻ

Tăng cường gắn kết giữa Quốc hội với HĐND các cấp là nhu cầu thiết yếu, vừa mang tính cấp bách, vừa lâu dài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhấn mạnh nội dung này, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm ban hành các quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của HĐND; xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH và đại biểu HĐND để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ.

Kế thừa, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

- Nhìn lại năm 2022, những con số ấn tượng đã cho thấy bước tiến vượt bậc của tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, sự đồng thuận của xã hội, lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền được nâng lên, thưa bà?

Sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ -0

Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, các kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Giang ngày càng thực chất, các nội dung trình kỳ họp đều phải bảo đảm chất lượng, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, phải rõ sự cần thiết. Đặc biệt, các nghị quyết trình phải rõ cách thức tổ chức, nguồn lực triển khai thực hiện, bảo đảm đi vào cuộc sống ngay sau khi được ban hành. Ý kiến của đại biểu tham gia thảo luận chuyển từ "tham luận" sang "thảo luận", những vấn đề "đúng và trúng" được trao đổi tại diễn đàn cơ quan dân cử đã mang lại nhiều kết quả tích cực, được cử tri và nhân dân ủng hộ, theo dõi.

Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn những vấn đề nổi cộm để tổ chức các phiên giải trình, chất vấn bằng hình ảnh. Hoạt động giám sát chuyên đề được cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian nghe báo cáo của đơn vị giám sát, tăng cường khảo sát thực tế; triển khai “kỳ họp không giấy”, góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và ứng dụng triển khai chính quyền điện tử.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang LÂM THỊ HƯƠNG THÀNH

- Năm 2022, 17/18 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm ước đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 6,5 tỷ USD vươn lên thứ 13 cả nước và đứng đầu khu vực các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Cả 3 khu vực kinh tế đều phát triển. Trong đó, công nghiệp phát triển mạnh, khẳng định rõ vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng; nông nghiệp phát triển ổn định, nông sản được mùa, được giá, tiêu thụ thuận lợi; dịch vụ từng bước phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Thu ngân sách nhà nước cả năm ước vượt 30,7% dự toán; cả 10/10 huyện, thành phố đều thu vượt dự toán. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, thu hút FDI xếp thứ 9 cả nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 40% so với cùng kỳ.

Thành công chung đó, có một phần đóng góp không nhỏ của HĐND tỉnh Bắc Giang trong việc ban hành những chính sách quan trọng và tổ chức giám sát việc thực thi chính sách, chấp hành pháp luật ở địa phương. Năm 2022, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành 57 nghị quyết về các cơ chế, biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật trên địa bàn. Với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, Thường trực HĐND tỉnh kịp thời xem xét, cho ý kiến 51 nội dung UBND tỉnh xin ý kiến giữa các kỳ họp theo thẩm quyền. Qua 8 cuộc giám sát chuyên đề, HĐND, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh, các bộ ngành liên quan điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khơi thông những "điểm nghẽn" trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh trong năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025.

- Với hàng loạt đổi mới, điểm nhấn trong hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Giang năm 2022, bà tâm đắc với nội dung nào nhất?

- Năm 2021 là năm đầu nhiệm kỳ, chúng tôi xác định là năm nền tảng; kế thừa những kinh nghiệm quý, năm 2022, HĐND tỉnh tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND theo hướng "thiết thực - hiệu quả - dân chủ".

Trong những thành công đạt được, theo tôi có 3 "điểm sáng" nổi bật là: Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức, thực hiện các nội dung nhằm phát huy vị thế của HĐND tỉnh trong xem xét, quyết nghị các chính sách tổng thể, toàn diện, đa chiều; chỉ đạo cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian xử lý công việc, nâng cao chất lượng thẩm tra và hiệu quả giám sát, chỉ đạo tập trung giám sát việc thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm các Ban, Tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tỉnh trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành kiểm tra thực tế công trình cấp nước sạch tập trung tại thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam- ẢNH BÁO BẮC GIANG
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành kiểm tra thực tế công trình cấp nước sạch tập trung tại thôn Vĩnh Ninh, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam. Nguồn: Báo Bắc Giang

“Cẩm nang” phát huy vị thế, vai trò

- Bên cạnh nỗ lực của HĐND các địa phương, bà đánh giá như thế nào về sự quan tâm hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hoạt động của HĐND nhiệm kỳ này?

- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Trong đó, đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình công tác, hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết bảo đảm thiết thực, sát thực tiễn, đi vào cuộc sống, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát. Năm 2021, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình tổ chức, hoạt động năm 2021 và triển khai công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là cơ hội rất tốt để các tỉnh nhìn nhận, đánh giá tổng thể về hoạt động của nhiệm kỳ cũ, những vấn đề đặt ra cho nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, đề xuất kiến nghị những nội dung đang vướng, khó, bất cập mà quá trình hoạt động HĐND các tỉnh gặp phải.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhiều ý kiến đề nghị và mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản hướng dẫn về hoạt động giám sát của HĐND nhằm khắc phục tình trạng “thiếu đồng bộ - không nhất quán”. Đáp ứng nguyện vọng của các địa phương và tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện hoạt động giám sát của HĐND được thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Đây là một cuốn “cẩm nang” giúp HĐND các tỉnh, thành thực hiện các nhiệm vụ đồng bộ, phát huy vị thế, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

- Theo bà, cần những giải pháp gì tiếp tục tăng cường gắn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan dân cử, vì quyền, lợi ích chính đáng của cử tri, nhân dân và sự phát triển bền vững của từng địa phương cũng như của đất nước?

- Việc tăng cường gắn kết giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp là nhu cầu thiết yếu, khách quan, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mong muốn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, hướng dẫn cho hoạt động của HĐND các cấp theo hướng ban hành các quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền; tiếp tục tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng chuyên đề, chuyên sâu có ý nghĩa và khả năng áp dụng cao trong thực tế hoạt động của HĐND các cấp ở địa phương.

Các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội giao cho Đoàn ĐBQH thực hiện chủ trì phối hợp với Thường trực HĐND để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đồng bộ. Đồng thời, cần giải pháp xây dựng, ban hành và triển khai các kế hoạch giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đối với các địa phương nhằm tránh chồng chéo, trùng lặp về đối tượng và thời gian giám sát. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQVN và Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả của từng cơ quan, tổ chức, tạo sức mạnh tổng hợp, nền tảng quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương.

- Xin cảm ơn bà!

PHƯƠNG NHUNG - BÁCH HỢP thực hiện
#