Thực hiện các chế độ ưu đãi còn bất cập
Sau 5 năm thực hiện (2019 - 2023), các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ ưu đãi người có công đã được quán triệt triển khai đầy đủ, rộng rãi. Chế độ trợ cấp, phụ cấp, trợ cấp một lần được thực hiện kịp thời, không để sót đối tượng. Thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, giai đoạn I với tổng số đối tượng được phê duyệt là 6.896 hộ (trong đó đã hỗ trợ được 6.636 trường hợp), giai đoạn 2 phê duyệt 6.479 hộ… Bình quân mỗi năm thực hiện chế độ điều dưỡng tại gia đình đối với trên 11.000 người, kinh phí trên 13 tỷ 700 triệu đồng; điều dưỡng tập trung đối với trên 4.000 người với kinh phí trên 9 tỷ đồng… Công tác thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công dịp 27.7 và Tết Nguyên đán hàng năm được thực hiện kịp thời. Chế độ, chính sách cho người có công, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm thực hiện; đời sống của người có công cơ bản ổn định và được cải thiện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đã chỉ ra một số quy định tại Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng chưa hướng dẫn việc thiết lập hồ sơ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ khi hết hàng thừa kế thứ 3; chưa quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm chế độ bệnh binh đối với những trường hợp đang là thương binh… việc thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết chế độ, chính sách cho người có công và thân nhân của người có công còn vướng mắc quy định, dẫn tới thời gian thực hiện kéo dài, thông tin thực tế với hồ sơ chưa trùng khớp. Chi trả chế độ không dùng tiền mặt còn bất cập do đối tượng người có công đa số tuổi cao, khó tiếp cận các thiết bị hiện đại. Việc công nhận, xác nhận đối tượng người có công phải căn cứ vào giấy tờ gốc của cá nhân, hồ sơ, tài liệu do cơ quan, đơn vị lưu trữ. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, thời gian đã lâu, nhiều trường hợp không lưu giữ được các giấy tờ theo quy định nên không có căn cứ để xem xét, xác nhận.
Bên cạnh đó, việc xây mới, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ còn hạn chế, một số nghĩa trang liệt sĩ, đền, đài tưởng niệm chưa được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp thường xuyên. Đội ngũ cán bộ làm công tác người có công ở các cấp còn hạn chế về số lượng, chất lượng, nhất là cấp cơ sở; trang thiết bị phục vụ số hóa hồ sơ, thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã còn bất cập.
Tham mưu bổ sung hướng dẫn lập hồ sơ hưởng chế độ
Để nâng cao hiệu quả thực hiện một số chế độ ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng, Đoàn giám sát kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, tham mưu Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP. Trong đó, quy định hướng dẫn việc thiết lập hồ sơ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ khi hết hàng thừa kế thứ 3; quy định hồ sơ, thủ tục giải quyết hưởng thêm chế độ bệnh binh đối với những trường hợp đang là thương binh; quy định thời hạn giải quyết cụ thể của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đính chính thông tin trong hồ sơ người có công; hướng dẫn cụ thể việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin... Kiến nghị Bộ Xây dựng sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở giai đoạn mới.
Đoàn giám sát cũng kiến nghị UBND tỉnh rà soát chính sách, chế độ cho bộ phận quản lý nghĩa trang liệt sĩ, thuê người quản lý, bảo vệ chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh. Đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Tăng cường tham mưu ban hành các chính sách địa phương về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức các cấp, ngành, đơn vị làm công tác lao động, thương binh xã hội và các nhiệm vụ liên quan đến chính sách đối với người có công với cách mạng đáp ứng yêu cầu; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, tham mưu thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu đãi người có công.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện sai phạm và có giải pháp khắc phục. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với người có công, chủ động giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền ngay tại cơ sở. Bố trí công chức quản lý nhà nước về lĩnh vực người có công với cách mạng có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình trách nhiệm với nhiệm vụ được giao.