Chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ
Tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lạng Sơn Khóa 17, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua Nghị quyết về quy định nội dung, mức chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Dự kiến, tổng số tiền chi hỗ trợ người dân tham gia học xóa mù chữ từ năm 2022 - 2025 là gần 5 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết, nội dung chi hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ là 1 triệu đồng/học viên/giai đoạn của chương trình học xóa mù chữ, theo quy định tại Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT ngày 26.11.2021 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình xóa mù chữ.
Học viên tham gia học xóa mù chữ được hưởng kinh phí hỗ trợ sau khi cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận hoàn thành từng giai đoạn của chương trình xóa mù chữ theo quy định. Trường hợp học viên đang tham gia học xóa mù chữ trong năm 2022, được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận hoàn thành từng giai đoạn của chương trình xóa mù chữ sau khi Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì được hưởng kinh phí hỗ trợ trên.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Kạn cũng vừa thông qua nghị quyết quy định nội dung, mức chi thực hiện xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, người dân tham gia học xóa mù chữ sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/giai đoạn học tập. Nếu người tham gia học lớp xóa mù chữ thuộc một trong các đối tượng người khuyết tật; hộ nghèo, hộ cận nghèo; ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi; người có công với cách mạng thì được hỗ trợ thêm 150.000 đồng/người/tháng trong mỗi giai đoạn học tập. Bắc Kạn hiện còn có 10.363 người, chiếm 4,48% dân số, đang mù chữ. Do vậy, nghị quyết được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết triệt để tình trạng này.
Để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ, Hội đồng Nhân dân các tỉnh Thái Nguyên, Kon Tum cũng đã ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ người học. Theo đó, chi hỗ trợ để khuyến khích người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ với mức 500.000 đồng/người/chương trình học. Nghị quyết cũng quy định mức chi cho các lớp học phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ban đêm; chi tuyên truyền, huy động người mù chữ, tái mù chữ đến lớp xóa mù chữ; hỗ trợ chi phí ăn, ở, đi lại cho tình nguyện viên tham gia giảng dạy các lớp xóa mù chữ…
Mục tiêu, nội dung cụ thể
Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc hướng dẫn triển khai thực hiện xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu đến năm 2025, người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt trên 90%.
Nội dung thực hiện là xây dựng tài liệu phục vụ hướng dẫn dạy xóa mù chữ, thiết kế công nghệ, thiết bị lưu trữ cơ sở dữ liệu về xóa mù chữ, dạy học xóa mù chữ; bồi dưỡng, tập huấn, truyền thông, tuyên truyền; hỗ trợ người dân học xóa mù chữ; hỗ trợ tài liệu học tập, sách giáo khoa, văn phòng phẩm.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh giao các địa phương thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: 23.475 người, 735 lớp, 23.475 bộ tài liệu, sách giáo khoa, văn phòng phẩm phát cho người học; 176 bộ trang thiết bị dạy xóa mù chữ. Kinh phí phân bổ thực hiện xóa mù chữ giai đoạn này là hơn 46,5 tỷ đồng.
Trong năm 2022, kế hoạch xóa mù chữ gồm: 2.346 người, 79 lớp, phát 2.346 bộ tài liệu, sách giáo khoa, văn phòng phẩm phát cho người học; số lượng đơn vị mua sắm trang thiết bị dạy xóa mù chữ theo kế hoạch mở lớp.
Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn tài liệu liên quan đến công tác xóa mù chữ và tổ chức thiết kế các thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị lưu trữ về xóa mù chữ, dạy học xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng nội dung và biên soạn các tài liệu, học liệu bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết thực và phù hợp với công tác xóa mù chữ tại địa phương.
Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù chữ; xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Để xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 và tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi để triển khai việc tổ chức dạy và học. Chương trình được chia thành 2 giai đoạn, 5 kỳ và 5 môn học.
Chương trình cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản, cần thiết nhằm giúp học viên bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản: đọc đúng, trôi chảy văn bản; hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết đúng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn; phát biểu rõ ràng; nghe hiểu ý kiến người nói… Chương trình cũng đặt ra các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học viên.
Thy Nga