Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Lạng Sơn Khóa XVII vừa qua, cùng với thảo luận sôi nổi giải pháp hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm, các đại biểu còn tìm giải pháp khắc phục nhiều vấn đề cử tri quan tâm như: tình trạng xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng; nâng cao chất lượng và phát huy tác dụng của nền tảng cửa khẩu số, công dân số xứ Lạng...
Hoạt động thảo luận tổ diễn ra khá sôi nổi, các đại biểu phát huy cao tinh thần dân chủ, trách nhiệm, phát biểu thẳng thắn, đưa ra những hiến kế đầy tâm huyết, tập trung vào những vấn đề nổi cộm cần giải pháp, chính sách tháo gỡ.
Làm tốt công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn tại kỳ họp, tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2021, 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ số kinh tế - xã hội của tỉnh tăng cao hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,51% so với cùng kỳ... Ghi nhận những kết quả đạt được, song tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận: tốc độ tăng trưởng kinh tế có cao hơn, song tốc độ tăng trưởng của một số ngành, lĩnh vực chưa bảo đảm; tổng thu ngân sách trên địa bàn chưa đạt tiến độ giao; công tác quản lý, thu hồi nợ thuế chậm được xử lý; có tình trạng “nợ tiêu chí” đối với các xã về đích nông thôn mới.
Hiến kế để tạo đà tăng trưởng, bảo đảm chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022, các đại biểu cho rằng: cần tập trung và thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cần quan tâm đánh giá kỹ lưỡng năng lực tài chính của doanh nghiệp để hạn chế việc nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các loại thuế; làm tốt công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các dự án khu đô thị, công nghiệp khác để thu hút các nhà đầu tư...
Liên quan đến những vấn đề nổi cộm trong 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn như: tình hình trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, số người nghiện ma túy và tái nghiện ma túy có chiều hướng tăng... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh, xảy ra một số vụ xâm hại, tập trung vào trẻ em gái dưới 18 tuổi. Đặc biệt, có 3 vụ có nạn nhân là các em học sinh lớp 8 - 10 tại huyện Bình Gia. Theo đại biểu, thực tế, có không ít bậc cha mẹ mải làm ăn, sao nhãng, thậm chí bỏ mặc con cái ở nhà. Không ít cha mẹ có thói quen để tiền ở nhà dẫn tới việc không quản lý chi tiêu của các em... Vì vậy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ gia đình cũng như nhà trường, phối hợp với công an chính quy tại các thôn thường xuyên tuần tra, tuyên truyền pháp luật cũng như nâng cao hoạt động giáo dục giới tính cho các em học sinh.

Nền tảng số bắt đầu từ người dân
Cũng tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 10, các đại biểu HĐND tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm đến câu chuyện chuyển đổi số. Cụ thể, liên quan đến việc triển khai nền tảng cửa khẩu số, các đại biểu cho rằng: nền tảng cửa khẩu số được xác định là bước đột phá trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh, nhằm sớm đưa Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu quốc gia về chuyển đổi số. Không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian, công sức cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, công khai minh bạch các hoạt động tại cửa khẩu để giảm tiêu cực và nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác; mà còn thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa với Trung Quốc. Sau 8 tháng thí điểm triển khai triển khai Nền tảng cửa khẩu số tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh, tính đến ngày 27.6, đã có 100% xe hàng khai báo trực tuyến trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu; thời gian khai thông tin của doanh nghiệp chỉ mất khoảng từ 2 - 5 phút.
Cùng với nền tảng cửa khẩu số, nền tảng “Công dân số xứ Lạng” vừa được tỉnh Lạng Sơn triển khai cũng được nhiều đại biểu bàn thảo. Theo đại biểu Nguyễn Đặng Ân (huyện Lộc Bình): Nền tảng "Công dân số xứ Lạng" là việc làm cụ thể của tỉnh với trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số bắt đầu từ người dân. Nền tảng này cho phép người dân tra cứu các tiện ích cơ bản như: thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ, thủ tục trực tuyến, tra cứu thông tin đất đai, thửa đất quy hoạch tại tỉnh và tương tác với hệ thống trợ lý ảo iSee Lạng Sơn, mua hàng trên các sàn thương mại điện tử…
Khi sử dụng nền tảng, người dân có thể phản ánh, kiến nghị tương tác trực tuyến với chính quyền về các vi phạm, các sự cố của các lĩnh vực trật tự đô thị, môi trường, an ninh trật tự… trên địa bàn và theo dõi tiến độ cũng như hiệu quả xử lý công việc của chính quyền. Tuy vậy, đại biểu cũng cho rằng: để nền tảng Công dân số xứ Lạng đi vào cuộc sống, cần tiếp tục gia tăng tiện ích cũng như đơn giản hóa việc sử dụng. Đồng thời, tăng cường truyền thông lợi ích của nền tảng cho người dân hiểu để sử dụng...