Tại Hội nghị Tổng kết 7 năm thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND mới đây, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng kiến nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, chế tài trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Nhất là trong giám sát chuyên đề, giám sát một số vụ việc nổi cộm, phức tạp dư luận, cử tri quan tâm.
Theo đánh giá của HĐND thành phố, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND ra đời đánh dấu bước đổi mới quan trọng trong việc cụ thể hóa chức năng giám sát của các cơ quan dân cử nói chung, của HĐND nói riêng. Thông qua giám sát, HĐND đã đánh giá đúng những kết quả đạt được trong công tác quản lý, điều hành, thực hiện các quy định của pháp luật tại địa phương. Đồng thời, phát hiện, chỉ rõ không ít tồn tại, hạn chế, khó khắn để kịp thời đề xuất các biện pháp khắc phục, tháo gỡ...
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị
Theo Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, hàng năm, HĐND, Thường trực, các ban HĐND thành phố đều ban hành chương trình giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung, chương trình các kỳ họp HĐND thành phố được cải tiến theo hướng dành nhiều thời gian cho hoạt động thảo luận, chất vấn, tập trung vào các nội dung đông đảo cử tri quan tâm; phần tiếp thu, giải trình của UBND thành phố và thủ trưởng các sở, ngành liên quan dần đi vào chiều sâu, có cam kết thời gian thực hiện cụ thể.
Về giám sát chuyên đề, trung bình mỗi năm, HĐND thành phố giám sát từ 2 - 3 chuyên đề; Thường trực HĐND thành phố giám sát từ 4 - 6 chuyên đề; mỗi Ban giám sát từ 4 - 5 chuyên đề. Trong đó, có nhiều chuyên đề giám sát quan trọng, bám sát tình hình thực tiễn, tập trung hướng về cơ sở và ý kiến cử tri, như: việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố; công tác đầu tư, quản lý, sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng…
Kết quả các chuyên đề giám sát của HĐND thành phố đều được báo cáo tại kỳ họp HĐND và thông qua bằng nghị quyết. Việc giám sát, tái giám sát được chú trọng, nhất là đối với các chuyên đề về: công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai các dự án ven biển và dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố...
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh, cơ quan dân cử thành phố hết sức chú trọng giám sát giữa hai kỳ họp. Trong đó, Chương trình “HĐND với cử tri” trước các kỳ họp thường lệ được truyền hình trực tiếp trên Đài PT - TH Đà Nẵng mang lại hiệu quả rất cao, là diễn đàn cử tri và nhân dân trên địa bàn hết sức quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tổ chức 4 Chương trình “HĐND với cử tri” liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19; các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn; công tác vệ sinh môi trường, quản lý trật tự, mỹ quan đô thị và gắn biển số nhà…
“Kết quả đạt được tiếp tục khẳng định rõ vai trò cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn”, Chủ tịch HĐND thành phố đánh giá.
Có ủy viên chuyên trách làm Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát chưa được quy định cụ thể trong Luật, dẫn đến thực hiện có lúc còn lúng túng. Bên cạnh đó, giám sát đối với các lĩnh vực, nội dung mang tính chuyên môn sâu, đặc thù của HĐND thành phố chưa thực sự đạt yêu cầu. Mặt khác, việc nhiều đại biểu HĐND thành phố hoạt động kiêm nhiệm cũng dẫn đến những những hạn chế nhất định đối với kết quả giám sát của HĐND.
Theo Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi, từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật, HĐND thành phố kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong đó, cần hướng dẫn các quy trình, thủ tục tổ chức giám sát chuyên đề; việc tổ chức hoạt động giám sát của các Tổ đại biểu HĐND để thống nhất thực hiện. Đồng thời, quy định rõ hơn trách nhiệm, chế tài trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Nhất là trong giám sát chuyên đề; giám sát một số vụ việc nổi cộm, phức tạp; giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân... Mặt khác, cần quan tâm tăng đại biểu hoạt động chuyên trách, hạn chế số lượng đại biểu HĐND trong các cơ quan quản lý nhà nước; tăng số lượng đại biểu trong các tổ chức chính trị và chính trị - xã hội...
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cũng kiến nghị, cần nghiên cứu theo hướng có ủy viên chuyên trách làm nhiệm vụ Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND thành phố để kiêm nhiệm chức năng của đại biểu quận, phường sau khi không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Đồng thời, rà soát số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND huyện, xã để bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND, giúp cho hoạt động của HĐND các cấp được sâu hơn, rộng hơn và chất lượng được nâng cao hơn...