Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VIII:

“Nóng” tiến độ giải ngân vốn đầu tư, xây dựng nông thôn mới

- Thứ Ba, 23/07/2024, 07:12 - Chia sẻ

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Quảng Trị đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Nhiều điểm nghẽn ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của địa phương, như: giải ngân vốn đầu tư chậm; triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025… đã được yêu cầu làm rõ nguyên nhân, giải pháp tháo gỡ.

Kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm được nhiều đại biểu đề cập và đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư giải trình, làm rõ. Giám đốc Sở Trương Chí Trung cho biết: Bên cạnh nguyên nhân do việc ban hành cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công của Trung ương còn chậm gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; công tác chuẩn bị dự án của một số chủ đầu tư chưa thực sự tốt; trình phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp dẫn tới phải thực hiện điều chỉnh… còn do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật là điểm nghẽn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện; giải ngân của nhiều dự án đầu tư, trong đó có một số dự án trọng điểm, dự án ODA, dự án có kế hoạch vốn khá lớn...

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: H. Phong
Đại biểu chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: H. Phong

Giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Trương Chí Trung cho biết, sẽ phát huy hiệu quả của các ban chỉ đạo, tổ công tác đôn đốc tiến độ, hỗ trợ thúc đẩy giải ngân; quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện trên công trường so với hồ sơ dự thầu, hợp đồng thi công; kiên quyết xử lý đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chấn chỉnh thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu chưa đáp ứng năng lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn thu để thực hiện và giải ngân theo kế hoạch được giao. Chủ động đề ra kế hoạch, giải pháp hiệu quả đẩy mạnh nguồn thu; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng, sớm giao đất các dự án cho nhà đầu tư. Có cơ chế khuyến khích đối với các đơn vị, địa phương thực hiện vượt số thu so với kế hoạch được giao… Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vật liệu xây dựng trên địa bàn và các vấn đề liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng. Kịp thời công bố định mức, đơn giá, chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật, vừa góp phần nâng cao chất lượng công trình, nâng cao tính thuận tiện, hiệu quả trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng đề nghị các cơ quan tham mưu xem xét, đánh giá lại năng lực của các chủ đầu tư để có giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm…

Lấy xây dựng nông thôn mới làm động lực phát triển

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Cư về giải pháp để triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể trên địa bàn huyện Hướng Hóa, Giám đốc Sở NN - PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 4.11.2021 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 1.7.2022; đồng thời, HĐND tỉnh cũng bố trí nguồn vốn của tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho mỗi xã miền núi phấn đấu đạt chuẩn là 4 tỷ đồng và 3 tỷ đồng/xã miền núi đăng ký đạt chuẩn (nguồn vốn này bắt đầu bố trí từ đầu năm 2024)… Bên cạnh đó, riêng vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và MTQG đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bố trí cho huyện Hướng Hóa 61,5 tỷ đồng chưa giải ngân hết.

Để phấn đấu đạt mục tiêu của huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021 - 2025, có thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn nâng cao, 1 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; không có xã đạt dưới 13 tiêu chí… Giám đốc Sở NN - PTNT cho rằng, người dân phải là chủ thể trong xây dựng NTM, do đó cần tạo sự chuyển biến nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu và lấy xây dựng NTM làm động lực để phát triển. Mặt khác, UBND huyện cần rà soát và xây dựng kế hoạch, lộ trình chi tiết. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG của tỉnh sẽ làm việc và chỉ đạo thống nhất lộ trình, nguồn lực, cách thức để các sở, ngành cùng đồng hành, phối hợp với huyện triển khai hoàn thành các mục tiêu đề ra…

“Đối với những mục tiêu vượt quá khả năng, cần có sự điều chỉnh về lộ trình thực hiện, bảo đảm quá trình xây dựng NTM phải thực chất, mang lại lợi ích cho Nhân dân… Cùng đó, huyện cần nghiên cứu học tập kinh nghiệm, cách làm hay từ các địa phương trong và ngoài tỉnh để có những cách làm sáng tạo, hiệu quả”, ông Hồ Xuân Hòe đề nghị.

Đối với mục tiêu có 40% thôn/bản đạt chuẩn, Giám đốc Sở NN - PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết: UBND tỉnh đã phân cấp cho UBND cấp huyện thẩm tra, thẩm định, xét công nhận thôn đạt chuẩn theo quy trình, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp. UBND tỉnh ban hành Quyết định số 949/QĐ-UBND ngày 22.4.2024 sửa đổi, bổ sung một số chỉ tiêu của Bộ tiêu chí thôn/bản đạt chuẩn NTM thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, đã hạ thấp nhiều tiêu chí để động viên, khuyến khích các địa phương phấn đấu đạt chuẩn.

Về nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đề nghị các địa phương rà soát lại hiện trạng của các thôn phấn đấu đạt chuẩn NTM để xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể và khẳng định khả năng số lượng thôn đạt chuẩn đến năm 2025 để có cơ sở chỉ đạo...; đồng thời, báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm việc triển khai các chương trình đáp ứng được mục tiêu, nội dung đã đề ra…

Diệp Anh