Xóa đói giảm nghèo tại Hậu Giang

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài

- Thứ Sáu, 18/11/2022, 15:23 - Chia sẻ

Sau khi chia tách, tỉnh Hậu Giang đã có thay đổi ngoạn mục trong việc nâng cao đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang Trần Văn Huyến, kết quả này là nhờ tỉnh rất quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài.

Làm tốt công tác tuyên truyền

- Ông có thể cho biết một số kết quả của tỉnh trong công tác xóa đói giảm nghèo kể từ khi chia tách đến nay?

,Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội.

- Thời gian qua, Hậu Giang đã làm tốt công tác tuyên truyền, qua đó hoạt động xóa đói giảm nghèo và Ngày vì người nghèo đã được các cấp, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng hưởng ứng, tích cực ủng hộ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện và khuyến khích, động viên người nghèo vươn lên trong cuộc sống. Hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên hỗ trợ tạo sinh kế và phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt… phù hợp với khả năng, nhu cầu, từ đó thu nhập của đối tượng này được nâng lên, đời sống của người nghèo được cải thiện rõ nét

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh đã giảm từ trên 24% năm 2004 xuống còn 2,45% năm 2021. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Chất lượng cuộc sống của người nghèo không ngừng được cải thiện và tiếp cận khá toàn diện các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chỉ tiêu xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người cao tuổi… luôn được bảo đảm.

Đạt được kết quả đó là do tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách và giải pháp giảm nghèo trên cả 3 phương diện. Thứ nhất, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt. Thứ hai, hỗ trợ sinh kế và phát triển sản xuất thông qua các chính sách về tín dụng ưu đãi, phát triển ngành nghề, hướng dẫn cách làm ăn, đa dạng hóa sinh kế và xây dựng, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Thứ ba, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án, trên địa bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội; gắn kết các chương trình, dự án khác với chương trình mục tiêu giảm nghèo.

Ban hành chính sách kịp thời, sát thực tiễn

- HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành những nghị quyết nào để tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, thưa ông?

- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và lâu dài. Do đó, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, HĐND tỉnh Hậu Giang đã ban hành hàng chục nghị quyết cụ thể quy định đối tượng cho vay vốn hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Các nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, quy định chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2019 - 2020, 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, quy định đối tượng cho vay vốn hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, về chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế. Quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Những nghị quyết trên được ban hành kịp thời, sát thực tiễn, là đòn bẩy để thực hiện tốt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh trong thời gian qua cũng như sắp tới. 

Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội.  -0
Từ những quyết sách của tỉnh, nhiều gia đình khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ kịp thời 

Sớm giao vốn ngân sách và tổ chức tập huấn, hướng dẫn

- Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Hậu Giang có gặp khó khăn gì không? Tỉnh có kiến nghị, đề xuất gì với Quốc hội và Chính phủ để làm tốt hơn công tác này?

- Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, giá cả nông sản và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Công tác giảm nghèo từng lúc, từng nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận người nghèo, hộ nghèo còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ cho không, chưa quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo một cách bền vững. 

Việc triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tương đối chậm, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ giải ngân vốn. Công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp đã được chú trọng nhưng cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là những ngành nghề trọng điểm, trình độ kỹ thuật cao; việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chưa nhiều.

Để thực hiện tốt hơn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chúng tôi đề nghị tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trong công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, cách làm; giám sát, phản biện đối với quá trình triển khai thực hiện và vận động nguồn lực xã hội tham gia. Ngoài ra Quốc hội, Chính phủ sớm giao vốn ngân sách để triển khai hiệu quả hơn; các cơ quan Trung ương thực hiện sớm công tác tập huấn, hướng dẫn, sơ kết… các nội dung được giao để địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả cao.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Châu thực hiện