Dư âm Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022

Mong chờ những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn

- Thứ Ba, 20/09/2022, 06:27 - Chia sẻ

Đánh giá cao việc Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững", đại diện các địa phương đều có chung nhận định: Diễn đàn năm nay có nhiều đổi mới, các chủ đề được lựa chọn để thảo luận rất đúng và trúng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra. Hơn bao giờ hết, người dân, doanh nghiệp, xã hội kỳ vọng và chờ đợi kết quả thu được từ diễn đàn là nguồn thông tin "đầu vào" quan trọng cho những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang MA THỊ THÚY:
"Hội nghị Diên Hồng" về những vấn đề "nóng" của kinh tế - xã hội

Mong chờ những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn

Hơn 450 đại biểu Trung ương và địa phương tham dự; kết nối trực tuyến với 6 học viện, trường đại học với khoảng 600 giảng viên, sinh viên theo dõi Diễn đàn; tại các phiên chuyên đề và tọa đàm cấp cao đã có 44 ý kiến của các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành; hàng triệu lượt xem livestream trên các nền tảng số, mạng xã hội… là những con số vô cùng ấn tượng, thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của Diễn đàn đối với “con tàu” kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Qua theo dõi các phiên tổng thể và các hội thảo chuyên đề, tôi đồng tình với đánh giá của nhiều đại biểu, Diễn đàn lần này cũng giống như một "Hội nghị Diên Hồng" về các vấn đề "nóng" của kinh tế - xã hội đất nước và quốc tế trong bối cảnh mới. Hy vọng đây sẽ là “chìa khóa” quan trọng nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.

Thông qua Diễn đàn, chúng ta có “quyền” tự hào về “cú lội ngược dòng” của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn”, khi thế giới tăng trưởng thấp thì Việt Nam tăng trưởng cao, thế giới lạm phát cao thì Việt Nam duy trì được lạm phát thấp… Điều này đồng nghĩa “con tàu” kinh tế của Việt Nam đã đi đúng đường ray, các chính sách vĩ mô đều đúng hướng và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy rằng với một “thế giới phẳng” không chỉ mang lại cho nền kinh tế những cơ hội mà còn vô vàn khó khăn, thách thức. Trong đó, “từ khóa” hay được nhắc đến nhiều nhất đó chính là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu...

Do đó, tôi đồng tình với các đại biểu khi cho rằng: Cần có những “phương thuốc” hữu hiệu nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế. Đây cũng là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ, giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài, đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình NGUYỄN THỊ CẨM PHƯƠNG:
Nguồn thông tin "đầu vào" quan trọng cho các quyết sách

Mong chờ những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ Tư xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế - xã hội có ý nghĩa rất quan trọng. Diễn đàn năm nay cho thấy sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy, phản ánh sâu sắc triết lý và quan điểm phát triển của Việt Nam khi quyết định mở rộng phạm vi từ “Diễn đàn Kinh tế” sang “Diễn đàn Kinh tế - Xã hội”. Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá sâu sắc các vấn đề kinh tế - xã hội, thực trạng và thách thức; đồng thời, đề xuất, kiến nghị những giải pháp bao trùm và cụ thể nhằm phục hồi kinh tế đất nước trong giai đoạn mới. Đây sẽ là nguồn thông tin "đầu vào" quan trọng cho các quyết sách sắp tới.

Qua theo dõi có thể thấy, các chuyên đề được thảo luận tại diễn đàn rất cấp thiết và cần sớm thực hiện, trong đó có các chính sách liên quan đến cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách về đất đai… Và để tiếp tục tạo điều kiện phục hồi kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022, những năm tiếp theo, theo tôi, cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư và kinh doanh; tiếp tục giảm chi phí cho doanh nghiệp, như các phương án giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận khoản vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp. Ngay sau Diễn đàn này, mong muốn Quốc hội sớm ban hành những quyết sách đúng đắn, sát thực tiễn và đề ra những giải pháp đột phá, không chỉ trong ngắn hạn mà có tác động lâu dài, nhất quán, nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa LÊ TIẾN LAM:
Bảo đảm các chính sách thực sự đi vào cuộc sống

Mong chờ những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức với quy mô lớn, chuẩn bị kỹ lưỡng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Phiên Toàn thể - Tọa đàm cấp cao và các phiên chuyên đề với nội dung về “chính sách đất đai; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau đại dịch” - những vấn đề cốt lõi, cấp thiết trong quá trình phục hồi nền kinh tế đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội. Có thể khẳng định, các chủ đề được lựa chọn để thảo luận rất đúng và trúng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Tại diễn đàn năm nay, các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương… đã đánh giá toàn diện thực trạng nền kinh tế, nhận diện sâu sắc và chính xác các nguy cơ, rủi ro đối với nền kinh tế. Nhiều đại biểu cũng chia sẻ và thảo luận các vấn đề thực tiễn, đề xuất giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sau đại dịch, trọng tâm là việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ở góc độ địa phương, tôi rất đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung nguồn lực và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, phát triển sau những tác động nặng nề của dịch bệnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai các cơ chế, chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội ở nhiều địa phương vẫn chậm và gặp nhiều vướng mắc, chưa đạt được kỳ vọng.

Diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đang chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư, các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu tại Diễn đàn sẽ là tư liệu quan trọng để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tiếp thu, nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình hoạch định, kịp thời điều chỉnh, sớm có phương án “gỡ khó” cho các địa phương nhằm bảo đảm các chính sách thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tối đa.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh NGUYỄN THỊ THÚY NGA: Các địa phương phải tự thích ứng, linh hoạt và chủ động hơn

Mong chờ những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn

Tôi đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022. Những nội dung tại diễn đàn rất thời sự, đáp ứng yêu cầu bức thiết và khẩn cấp của nền kinh tế, đúng như chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Thông qua diễn đàn, một thông điệp rất nổi bật, đó là chúng ta phải cùng chung sức, đồng lòng để đưa đất nước bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững… Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Diễn đàn đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên định ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, “có vĩ mô là có tất, mất vĩ mô là rất khó khăn”, giữ kinh tế vĩ mô cũng chính là giữ cho từng doanh nghiệp, cho cả ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Hồi phục kinh tế không phải là vấn đề có thể làm ngay. Do đó, bên cạnh các giải pháp được đưa ra, các địa phương cũng cần phải tự thích ứng và linh hoạt, chủ động hơn. Bởi, hiện nay tỷ lệ giải ngân các gói thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương còn thấp. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ sớm hoàn thiện các thể chế, chính sách về đất đai để giúp các địa phương tháo gỡ vướng mắc về đất đai, nhất là sửa đổi bổ sung Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18.12.2020 của Chính phủ (giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét trong quá trình soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết các vướng mắc, bất cập của các địa phương, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh)…

Hơn bao giờ hết, người dân, doanh nghiệp, xã hội đều đang chờ đợi những tác động, hiệu ứng trực tiếp của diễn đàn, đưa chính sách đến được với người dân, doanh nghiệp… nhằm phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu của năm 2022, tạo tiền đề bước sang năm bản lề 2023 để “bứt phá” thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Bách Hợp - Trần Tâm - Đào Cảnh - Diệp Anh thực hiện

Mong chờ những quyết sách kịp thời, sát thực tiễn -0