GIẢI TRÌNH PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH THÁI BÌNH

Mời đại diện các nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 11:51 - Chia sẻ

Tại phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình không chỉ mời đối tượng cần giải trình, mà còn mời đại diện các nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp đến vấn đề cần được giải trình. Chủ tọa kết luận phiên giải trình cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời hạn thực hiện; đồng thời, giao các ban của HĐND tỉnh giám sát nội dung kết luận... Vì vậy, việc tổ chức giải trình tại phiên họp là điểm nhấn trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh; làm chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ

Để tổ chức hiệu quả phiên họp giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các ban và văn phòng căn cứ kết quả giám sát, khảo sát, thẩm tra, TXCT, tiếp công dân, tổng hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và tình hình thực tế tại địa phương… nghiên cứu, tham mưu, đề xuất nội dung cần đưa ra giải trình. Trên cơ sở xin ý kiến thống nhất chỉ đạo của cấp ủy tỉnh, Thường trực HĐND xem xét, lựa chọn những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm; những tồn tại, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh; trách nhiệm trong thực thi công vụ của các sở, ngành, đơn vị, địa phương; các vấn đề có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quyền lợi chính đáng của nhân dân để đưa ra phiên họp giải trình.

Thường trực giao cho một ban HĐND chủ trì, phối hợp với các ban và Văn phòng tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức phiên giải trình kỹ lưỡng; đồng thời tiến hành giám sát, khảo sát, thu thập thông tin, hình ảnh, xây dựng báo cáo giám sát trình thường trực cho ý kiến. Thường trực chỉ đạo các ban HĐND phân công thành viên nghiên cứu, đặt ra câu hỏi chất vấn, yêu cầu giải trình; ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị, cá nhân báo cáo các vấn đề cần giải trình trước khi diễn ra phiên họp giải trình từ 5 - 7 ngày. Tại phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình không chỉ mời đối tượng cần giải trình, mà còn mời đại diện các nhóm đối tượng chịu tác động trực tiếp đến vấn đề cần được giải trình. Quá trình điều hành bảo đảm khoa học, linh hoạt, dân chủ, phát huy trách nhiệm của đại biểu HĐND và thủ trưởng sở, ngành, địa phương có liên quan. Chủ tọa kết luận phiên giải trình cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm và thời hạn thực hiện. Sau phiên giải trình, kết luận phiên họp giải trình của Thường trực được gửi tới các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan và đại biểu HĐND tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, giao các ban của HĐND tỉnh giám sát nội dung kết luận. các phiên giải trình được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.

Bằng những cách thức thực hiện trên, việc tổ chức giải trình tại phiên họp là điểm nhấn trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình; làm chuyển biến tích cực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và địa phương; nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đồng thời, là kênh thông tin, cơ sở giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy nghiên cứu ban hành các chủ trương, nghị quyết trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

t4-2.jpg -0
Phiên họp giải trình về một số nội dung thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh của Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình
Ảnh: Duy Huy

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục

Tuy nhiên, theo Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình, đại biểu HĐND tỉnh tham gia đề xuất nội dung, yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải giải trình vẫn chủ yếu là đại biểu chuyên trách. Tính đối thoại, xem xét đánh giá đa chiều vấn đề tồn tại đến cùng tuy đã được thể hiện, song còn ít và hạn chế. Việc tiếp thu, thực hiện một số nội dung kết luận giải trình còn chậm, có việc chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc thực hiện các cam kết của thủ trưởng các đơn vị sau phiên giải trình chưa thường xuyên và quyết liệt, dẫn đến có việc thực hiện chưa triệt để. Luật quy định khi các cơ quan không thực hiện nghiêm túc kết luận tại phiên giải trình thì Thường trực HĐND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét, quyết định; tuy nhiên Luật chưa quy định cụ thể về chế tài để HĐND tỉnh có hình thức xem xét xử lý cụ thể.

Để nâng cao hiệu quả tổ chức các phiên giải trình, theo Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình, trước hết, cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, vai trò của hoạt động giải trình. Phát huy sức mạnh của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với hoạt động của HĐND tỉnh; đề cao vai trò của đại biểu HĐND tỉnh chuyên trách, các ban HĐND tỉnh và Văn phòng trong chuẩn bị, tổ chức phiên giải trình. Lựa chọn nội dung tổ chức phiên giải trình phải là những vấn đề mang tính thời sự, được của cử tri, nhân dân quan tâm để thông qua hoạt động giải trình tìm ra được giải pháp thúc đẩy việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. Đại biểu HĐND cần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ, không né tránh, ngại va chạm. Chủ tọa điều hành phiên giải trình linh hoạt, tập trung vào nội dung chính, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Thường trực, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương có liên quan trong việc thực hiện kết luận sau phiên họp giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.

LÊ HIỀN