Kịp thời giải quyết những vấn đề cấp thiết

- Thứ Bảy, 20/08/2022, 06:11 - Chia sẻ

Tiếp thu các kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp xem xét, ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau đại dịch, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết; HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách góp phần giải quyết những vướng mắc phát sinh… Đa số ý kiến được UBND tỉnh tiếp thu, đề ra lộ trình giải quyết. Tuy nhiên, nhóm kiến nghị đã tiếp thu chỉ đạo, đang triển khai khá lớn; nhiều nội dung chưa hạn định thời gian, yêu cầu báo cáo tiến độ thực hiện.

Đó là những nội dung đáng chú ý trong báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri sau Kỳ họp thứ Nhất, thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X của Thường trực HĐND tỉnh.

Ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng

Tiếp thu các kiến nghị của cử tri, từ sau Kỳ họp thứ Nhất, thứ 2, HĐND tỉnh khóa X đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với UBND tỉnh xem xét, ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội sau dịch Covid-19, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết trên địa bàn như: Nghị quyết số 21/NQ-HĐND về quyết định chủ trương đầu tư dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, thành phố Hội An; Nghị quyết số 41/2021/NQ-HĐND về quy định chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 - 2025...

Thường trực chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh chủ động rà soát, lồng ghép vào kế hoạch giám sát, khảo sát để nắm thông tin kết quả tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành; giám sát chuyên đề công tác lập, tổ chức thực hiện, quản lý quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020; tổ chức chất vấn những vấn đề nổi cộm cử tri và dư luận quan tâm… Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn, đưa ra các giải pháp đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai.

Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách quy định như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND quy định mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, công an viên, thôn/khối đội trưởng; mức bồi dưỡng, bồi dưỡng kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với Dự án thủy điện Đăk Pring 2 tại thôn A Bát, xã Chà Val; đồng thời, giao UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, kiên quyết đề xuất loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện nhỏ không bảo đảm hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động đến môi trường…

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế tại khu chứa, xử lý rác thải Đại Hiệp, huyện Đại Lộc - ẢNH T. TÂM
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát thực tế tại khu chứa, xử lý rác thải Đại Hiệp, huyện Đại Lộc
Ảnh: T. Tâm

Sớm giao đất cho người dân sản xuất

Qua giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam ghi nhận: về cơ bản, đa số ý kiến của cử tri được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp thu, đề ra lộ trình giải quyết. Một số nội dung đã chỉ đạo các ngành xây dựng đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nhóm kiến nghị UBND tỉnh đã tiếp thu chỉ đạo, đang triển khai thực hiện chiếm tỷ lệ khá lớn; nhiều nội dung có phân giao trách nhiệm nhưng chưa hạn định thời gian, yêu cầu báo cáo tiến độ thực hiện. Điển hình như: đầu tư Âu thuyền xã đảo Tân Hiệp; bố trí nguồn kinh phí hằng năm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông tại hai xã An toàn khu (Phước Trà và Sông Trà); chính sách đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng do thi công, sửa chữa nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão An Hòa...

Đối với các nội dung chưa được giải quyết xong, Thường trực HĐND tỉnh đã có những yêu cầu cụ thể. Điển hình, đối với kiến nghị kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp quản lý bảo vệ rừng, năng lực quản lý của đơn vị chủ quản và giải quyết dứt điểm việc lấn chiếm đất rừng của Công ty Cổ phần Lâm đặc sản Quảng Nam. Tại Báo cáo số 221/BC-UBND ngày 30.11.2021, UBND tỉnh giao UBND huyện Núi Thành chỉ đạo xác minh các nội dung theo báo cáo của Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam để xử lý theo đúng quy định, báo cáo kết quả trước ngày 31.3.2022 nhưng đến nay chưa có kết quả. Nhận thấy tình trạng lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua diễn biến khá phức tạp, có nguyên nhân do trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, xử lý và báo cáo kết quả để thông tin, trả lời cho cử tri.

Hay với đề nghị thu hồi diện tích trồng rừng tại khu vực đập Khe Cát (do Thị đội Hội An quản lý) giao lại cho xã Duy Trung quản lý để trồng cây gỗ lớn, cây bản địa. UBND tỉnh đã đề nghị UBND huyện Duy Xuyên tổng hợp, có văn bản đề xuất UBND tỉnh đăng ký làm việc với Quân khu V xác lập thủ tục bàn giao lại diện tích đất trên cho địa phương quản lý, xây dựng phương án, tổ chức giao đất cho người dân ổn định sản xuất, tạo sinh kế cho người dân; tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết quả. Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Duy Xuyên và các ngành liên quan phối hợp triển khai để sớm giao đất cho người dân sản xuất.

ĐẶNG HỮU