Không chỉ có “tâm” mà còn phải có “tầm”

- Thứ Hai, 30/05/2022, 07:08 - Chia sẻ

Nguyễn Thị Oanh - Phó  Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai

Để xử lý được những ý kiến, nguyện vọng của cử tri phù hợp, đại biểu không chỉ có “tâm” mà còn phải có “tầm”, phải biết lắng nghe, chắt lọc những thông tin về vấn đề mình được phản ánh từ đó vận dụng sự hiểu biết của mình để xử lý. Trong thực hiện chức năng quyết định hay giám sát, đại biểu phải bổ trợ kiến thức còn thiếu của mình bằng cách đưa ra những vấn đề mình băn khoăn để đề nghị được trả lời, giải trình tại các buổi thảo luận ở Tổ đại biểu và tại kỳ họp; phải tham khảo kỹ các báo cáo thẩm định, thẩm tra để có định hướng cho việc quyết định của mình.

Dùng cả lý và tình xử lý trọn vẹn kiến nghị của cử tri

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, mối quan hệ giữa đại biểu và cử tri Đồng Nai được ghi dấu bằng những con số: 2.522 đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại và tố cáo; 9.989 lượt ý kiến phản ánh của cử tri, những nội dung này đều được tiếp nhận, xử lý đầy đủ, kết quả thông tin đến cử tri biết.

Trong mọi hoạt động thể hiện sự liên hệ chặt chẽ với cử tri và Nhân dân như tiếp công dân, TXCT, đại biểu HĐND tỉnh đặt sự thuận lợi của Nhân dân lên trên sự thuận lợi của đại biểu, do đó xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa cử tri với người đại biểu dân cử. Những vấn đề cử tri nêu và gửi đến HĐND được xử lý bằng cả lý và tình mà đích hướng đến là bảo đảm quyền lợi của cử tri và phải làm cho cử tri hiểu rõ vấn đề.

Có thể nêu một số vụ việc điển hình. Như trường hợp công dân Ngô Thành S, ngụ tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu đến gặp đại biểu HĐND trong trạng thái tinh thần hoang mang, bi quan vì phần đất đai duy nhất mà gia đình anh canh tác, cất nhà ổn định từ năm 1998 nay bỗng… nằm trong sổ đỏ của người em. Trong khi đó, chủ đất tuyên bố “muốn đuổi khi nào thì đuổi”. Dùng lý, đại biểu HĐND tìm hiểu sự việc thì được biết người em đứng tên đất hợp pháp bởi người anh vì không biết chữ lại chủ quan nên đã ký vào văn bản… từ chối nhận di sản thừa kế. Không dùng lý để bảo vệ quyền lợi cử tri của mình được, đại biểu phải phải dùng đến cái tình để vận động người em; vận động được rồi thì đất không tách thửa được vì không đủ diện tích tối thiểu. Lại phải tìm hiểu, thuyết phục, thậm chí cam kết để bảo vệ quyền lợi cho gia đình cử tri. Điều người đại biểu nhận lại, lớn nhất và duy nhất là lời cảm ơn trong trạng thái rưng rưng xúc động của cử tri: “Không có các cô, các chú, không biết gia đình con bây giờ đang ở đâu”.

Trong những bì thư gửi đến HĐND tỉnh Đồng Nai hàng ngày, có những lá thư gói ghém tình cảm của công dân và lời cảm ơn trong đó. Đó là công dân Nìm Dếch Màn, xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom với lời lẽ chân chất, mộc mạc: “Nhờ có hai cấp tỉnh, huyện giúp đỡ, yêu cầu của tôi đã được hoàn tất. Nay tôi có đôi lời xin chân thành cảm ơn quý cấp lãnh đạo. Xin chúc toàn thể quý cấp quanh năm sức khỏe dồi dào”. Là Công dân Bùi Văn Vòng từ thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương điện thoại cảm ơn vì sau khi Thường trực HĐND tỉnh có văn bản gửi đến cơ quan có thẩm quyền, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông đã được tiếp nhận, giải quyết.

Là 28 hộ dân xã Phước An, huyện Nhơn Trạch sau khi có văn bản tác động của Thường trực HĐND đã thỏa thuận được với Công ty TNHH trục vớt sông Thương xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nuôi trồng thủy sản khu vực sông Đồng Tranh. Là hàng trăm lá thư xin rút đơn khiếu nại do sau khi có ý kiến của đại biểu HĐND, vụ việc đã được giải quyết thỏa đáng hoặc công dân đã hiểu vấn đề sau khi nhận được văn bản giải thích của HĐND tỉnh...

Cử tri Đồng Nai kiến nghị tại Hội nghị TXCT chuyên đề về thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn - ẢNH PHƯƠNG LIỄU
Cử tri Đồng Nai kiến nghị tại Hội nghị TXCT chuyên đề về thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn
Ảnh: Phương Liễu

Xem xét thận trọng, đưa ra kiến nghị phù hợp

Thực tiễn cho thấy, có trách nhiệm với cử tri, đại biểu phải biết lắng nghe và chọn lọc những thông tin, không nóng vội, kiên quyết với những nguyện vọng thái quá của cử tri. Thông tin của cử tri gửi đến đại biểu thường nhiều về số lượng, phong phú, đa dạng về nội dung. Ngay tại một hội nghị tiếp xúc cũng có khi phản ánh của cử tri có những ý kiến trái chiều và ý kiến khi đã được gửi đến đại biểu đa số là ý kiến bức xúc. Để xử lý được những ý kiến, nguyện vọng này phù hợp, đại biểu phải biết lắng nghe, chắt lọc những thông tin về vấn đề mà mình được phản ánh từ đó vận dụng sự hiểu biết của mình để xử lý. Điều này thể hiện đại biểu còn phải là người không chỉ có “tâm” mà còn phải có “tầm”. Đại biểu HĐND không thể bức xúc theo bức xúc cử tri bởi đó là thông tin một chiều.

Trong thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương hay giám sát, đại biểu thể hiện trách nhiệm của mình thông qua việc xem xét thận trọng, đưa ra kiến nghị phù hợp, không bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông. Vấn đề này có liên quan đến kiến thức và bản lĩnh của đại biểu. Thông thường, mỗi người chỉ nắm chắc về một hay một số lĩnh vực nhưng làm người đại biểu phải quyết định tất cả các vấn đề của địa phương. Điều này dẫn đến tâm lý dễ bị số đông chi phối hoặc bị đại biểu có kiến thức chuyên môn về vấn đề đó chi phối. Trong trường hợp này, đại biểu phải bổ trợ kiến thức còn thiếu của mình bằng cách đưa ra những vấn đề mình còn băn khoăn để đề nghị được trả lời, giải trình tại các buổi thảo luận ở tổ đại biểu và tại kỳ họp; phải tham khảo kỹ các báo cáo thẩm định, thẩm tra trình ra kỳ họp để có định hướng cho việc quyết định của mình.

Đại biểu cũng cần phải có phương pháp hoạt động phù hợp, biết tận dụng và phát huy thế mạnh của bản thân, hiểu được những vấn đề cơ bản về tình hình của địa bàn mình ứng cử để xây dựng nên phương pháp làm việc phù hợp. Đối với việc dành thời gian cho hoạt động đại biểu cũng cần được tính toán là nên lồng ghép trong các hoạt động khác hay chỉ dành riêng cho hoạt động đại biểu để có hiệu quả cao nhất.