Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND

Hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả hoạt động

- Thứ Bảy, 17/09/2022, 06:09 - Chia sẻ

ThS. Nguyễn Vân Hậu

Kể từ sau Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 - đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định về hoạt động giám sát của HĐND ra đời cho đến nay - Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND” vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành là bước phát triển mới, cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hình thành đồng bộ thể chế về tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

Lồng ghép nội dung giám sát phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn chi tiết nhiều điểm, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động giám sát, bảo đảm các hoạt động giám sát được thực hiện thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp. Trong đó, song song với việc bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Nghị quyết quy định thêm các nguyên tắc: Tiến hành thường xuyên, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; báo cáo kết quả giám sát kịp thời và đúng thời hạn; chú trọng theo dõi, đôn đốc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Nghị quyết cũng hướng dẫn cụ thể việc lập hồ sơ, trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện; trách nhiệm lồng ghép nội dung giám sát về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm; báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND; hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND, chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; giám sát chuyên đề; hoạt động giám sát của Tổ đại biểu và giám sát của đại biểu HĐND.

Xuyên suốt các quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, giải trình và lựa chọn chuyên đề giám sát, song song với việc căn cứ chương trình kỳ họp, chương trình giám sát, Nghị quyết nhấn mạnh phải chọn các vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm; gắn với việc xây dựng, thi hành chính sách, pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Đồng thời, trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các thành viên Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND.

Để bảo đảm chế tài xử lý trách nhiệm, Nghị quyết quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có trách nhiệm thực hiện đầy đủ kế hoạch, nội dung, yêu cầu, kết luận, kiến nghị giám sát; cung cấp thông tin liên quan, báo cáo trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giám sát. Mặt khác, quy định rõ trách nhiệm của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND trong theo dõi, đôn đốc, xem xét, giám sát kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát; kịp thời yêu cầu, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm theo pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát.

Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đền bù, giải phóng mặt bằng làm việc tại UBND huyện Đức Trọng - ẢNH VÂN NGUYỄN
Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đền bù, giải phóng mặt bằng làm việc tại UBND huyện Đức Trọng
Ảnh: Vân Nguyễn

Công khai, minh bạch và số hóa dữ liệu giám sát

Thể chế hóa sâu sắc quan điểm "dân là gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn lọc tiếp thu cái đúng, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 quy định sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát, trừ trường hợp thuộc bí mật nhà nước. Quy định này thể hiện tính công khai, minh bạch, ý thức tôn trọng Nhân dân, tinh thần phát huy dân chủ, mở rộng và tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý nhà nước, làm nền tảng cho các quyết sách, góp phần củng cố lòng tin của dân với Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bám sát xu hướng tất yếu của thời đại, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15  quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các thông tin lưu trữ, giúp dễ dàng tìm kiếm dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan liên quan. Đây là quy định hướng tới hình thành tài nguyên số, bao gồm hệ sinh thái dữ liệu giám sát và tri thức mở, tạo thuận lợi cho việc lựa chọn tiêu chí giám sát và ra quyết định giám sát mang lại hiệu quả cao, cũng như có thể thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ cho sự giám sát trực tiếp của người dân.

Xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định tại Đại hội XIII, là khâu đột phá trọng tâm, ưu tiên hàng đầu cho cả giai đoạn 2021 - 2030. Nhân dân tin tưởng rằng, cùng với việc thực thi hiệu quả Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 sẽ là nhân tố quan trọng không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp, góp phần xây dựng nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm khiết, phục vụ Nhân dân, đáp ứng yêu cầu "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".