Hoàn thiện thể chế bảo đảm quyền lực cơ quan dân cử

- Thứ Bảy, 10/02/2024, 15:43 - Chia sẻ

Nhờ được thể chế hóa cụ thể nên hoạt động của HĐND các cấp đã góp phần quan trọng cùng hệ thống chính trị phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, chung sức đồng lòng xây dựng địa phương bứt phá từ những “đôi cánh” mang tên quyết sách. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập về mặt thể chế, tạo ra những rào cản khiến HĐND, nhất là HĐND cấp huyện, xã chưa thực hiện tròn vai để góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, phát triển bền vững của địa phương như kỳ vọng.

Điều 113 Hiến pháp 2013 quy định: HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương trên cơ sở cụ thể hóa nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của HĐND các cấp. Nhờ được thể chế hóa cụ thể nên hoạt động của HĐND các cấp đã góp phần quan trọng cùng hệ thống chính trị của địa phương phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân, chung sức đồng lòng xây dựng địa phương phát triển trên các lĩnh vực.

Các quyết sách chuyên đề của HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh về xây dựng và chỉnh trang đô thị tạo động lực, đòn bẩy để xây dựng đô thị loại III văn minh, giàu đẹp - ẢNH BÌNH NGUYÊN
Các quyết sách chuyên đề của HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh về xây dựng và chỉnh trang đô thị tạo động lực, đòn bẩy để xây dựng đô thị loại III văn minh, giàu đẹp. Ảnh: Bình Nguyên

Những “đôi cánh” mang tên quyết sách

Là địa phương có ngành nông nghiệp được ví như “trái ngọt” thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cùng với chủ trương của Tỉnh ủy, những nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk đã góp phần quan trọng để nông nghiệp “cất cánh”. Một trong những quyết sách quan trọng HĐND tỉnh đã ban hành là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn theo Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND ngày 8.7.2020, góp phần quan trọng hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là vượt qua giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành và phục hồi sau đại dịch, tạo đà cho tăng trưởng, phát triển. Qua đánh giá trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp an toàn, chất lượng và bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2022-2030 cho thấy, giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh liên tục tăng qua các năm, bình quân tăng 8,39%/năm (kế hoạch tăng 4,5-5%); tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,64%/năm, đặc biệt là nhóm cây công nghiệp dài ngày, như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều... chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; sản xuất nông nghiệp giải quyết việc làm và thu nhập cho gần 70% lao động của tỉnh.

Năm 2023, Quảng Ninh trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế khi GRDP ước đạt 11,03%, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 3 cả nước và là năm thứ 9 liên tiếp đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số, những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ là tiền đề, lực đẩy quan trọng để Quảng Ninh xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch cho năm mới 2024 ở mức cao hơn và quyết hoàn thành để tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng số năm liên tiếp đạt tăng trưởng GRDP 2 con số. Quyết tâm ấy sẽ tiếp tục được nhân lên trong thực hiện sứ mệnh của HĐND tỉnh năm 2024 và thời gian tiếp theo trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh. Cùng với các quyết sách tạo đà cho phát triển kinh tế, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng tạo dấu ấn đậm nét bởi các chính sách nhân văn sâu sắc gặt hái được những “trái ngọt”. Năm 2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204 và Nghị quyết số 248 của HĐND tỉnh cho đối tượng ở các xã ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, tạo động lực để học sinh dân tộc thiểu số vươn lên.

Những ngày này, có dịp đi qua thị xã Hồng Lĩnh, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên trước những thay đổi về diện mạo đô thị phía bắc Hà Tĩnh đã, đang khởi sắc từng ngày. Sắc xuân dường như đã ngập tràn. Có được điều này nhờ những năm qua cơ sở hạ tầng nơi đây đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy, chính quyền thị xã Hồng Lĩnh, đặc biệt các nghị quyết chuyên đề của HĐND thị xã về xây dựng và chỉnh trang đô thị tạo động lực, đòn bẩy để Đảng bộ và Nhân dân thị xã quyết tâm xây dựng đô thị loại III văn minh, giàu đẹp. “Có được quả ngọt trong công cuộc xây dựng và chỉnh trang đô thị, ngoài quyết sách đúng thì phải ban hành “trúng” và kịp thời. Để quyết sách đi vào cuộc sống, chúng tôi mở rộng cửa để cử tri và Nhân dân cùng tham gia với HĐND trong các hoạt động, từ khâu bàn, xây dựng ý tưởng, đề án, dự thảo nghị quyết đến thẩm tra và thông qua, triển khai và giám sát việc thực thi. Nhờ đó, hầu như các nghị quyết đều phát huy hiệu quả, được cử tri và Nhân dân đón nhận, đồng hành - Phó Chủ tịch HĐND thị xã Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Phân cấp, phân quyền cho cấp huyện, xã

Tuy gặt hái được những thành quả quan trọng trong thực hiện chức năng quyết định và giám sát nhưng giữa quy định và thực tiễn thực thi vẫn còn bất cập về mặt thể chế, tạo ra những rào cản khiến HĐND chưa thực hiện tròn vai mà Hiến pháp và Nhân dân trao quyền. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong hoạt động của HĐND cấp huyện và cấp xã.

“HĐND nhiều huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó có Nghi Xuân, Hương Sơn đã phải bãi bỏ một loạt các nghị quyết về cơ chế hỗ trợ trên các lĩnh vực. Trong đó, có những nghị quyết thực sự rất hiệu quả như hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Có chuyện này do sau khi phát hiện khá nhiều địa phương trong cả nước HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết hỗ trợ chính sách trên các lĩnh vực, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh chấn chỉnh thì nội dung các nghị quyết chuyên đề của HĐND cấp huyện đang vi phạm thẩm quyền, buộc phải bãi bỏ.

Điều này cũng gây lúng túng cho các địa phương cấp huyện còn lại trong toàn tỉnh, trong đó có Lộc Hà. Nếu như Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép HĐND cấp huyện, xã quyết định các biện pháp phát triển các lĩnh vực của địa phương mà lại không cho phép trích ngân sách để làm động lực, biện pháp tài chính đi kèm thì rất khó cho HĐND có được thực quyền trong thực hiện chức năng quyết định. Suy cho cùng, bế tắc nhất vẫn là tài chính, tháo gỡ được chuyện “tiền”, hỗ trợ thì biện pháp mục tiêu mới thông, nếu không rất khó về đích và HĐND dễ rơi vào hình thức” - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh Nguyễn Thuỳ trăn trở.

 Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước hiện hành, chỉ có HĐND cấp tỉnh mới có thẩm quyền quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương. Nên chăng có phân cấp, phân quyền thêm cho HĐND cấp huyện, xã trên một số lĩnh vực để các địa phương thực hiện tốt chức năng quyết định.

Thể chế hóa quy định chế tài giám sát

Tiếp đó là thể chế về bộ máy, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn nhưng bộ máy của HĐND lại chưa tương xứng, ở cấp xã còn lệ thuộc kinh phí vào chủ tài khoản là Chủ tịch UBND cấp xã, rất khó cho HĐND có thể độc lập thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ, quyền hạn Hiến pháp và luật quy định. Ở cấp huyện, cơ cấu đại biểu HĐND ở nhiều địa phương còn bị hành chính hóa khá nhiều, đại biểu chuyên trách có những địa phương bố trí chưa đủ số lượng theo luật định, tình trạng cuối nhiệm kỳ khuyết đại biểu chuyên trách không phải là hiếm, đơn cử như có địa phương còn lại một Phó Chủ tịch HĐND huyện chuyên trách. Vì vậy, cần quy định cứng số lượng thay vì quy định mở “có thể là đại biểu chuyên trách” để dễ thực thi trong việc bố trí đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, huyện. Về lâu dài, cần xem xét tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách ở cả ba cấp thì mới bảo đảm cho HĐND hoạt động theo quy định.

Cuối cùng là vấn đề giám sát, thiết nghĩ khi sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cần thể chế hóa quy định về chế tài giám sát, để chức năng này thực sự trở thành “thanh kiếm” sắc bén trong tay đại biểu, đại diện cho cử tri và Nhân dân giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước mà Nhân dân giao phó, trao quyền. Chỉ khi thực hiện tròn vai quyết định và giám sát, HĐND mới thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và phát triển bền vững của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cử tri và Nhân dân như kỳ vọng.

LÊ HỒNG HẠNH, PHÓ TRƯỞNG BAN KINH TẾ - XÃ HỘI HĐND THỊ XÃ HỒNG LĨNH, HÀ TĨNH
#