Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh NGUYỄN THỊ THÚY NGA: Cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết
Những tháng cuối năm 2024, UBND tỉnh cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế trong nước và sự điều hành của Chính phủ để có giải pháp, chính sách kịp thời trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; kiểm soát nợ xấu, hướng dòng tiền đầu tư thực chất vào sản xuất kinh doanh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế… Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư có năng lực quan tâm, khảo sát, thực hiện đầu tư; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đã ban hành...
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế. Tăng cường tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, nhất là chi thường xuyên; rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước… Đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình lớn của tỉnh…
Cùng với đó, kịp thời nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh đã được phân cấp để cụ thể hóa quy định của Trung ương, đặc biệt là các Luật: Đất đai, Giá, Hợp tác xã… Xúc tiến, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn theo định hướng quy hoạch tỉnh. Rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất, huy động nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển liên kết vùng… Tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các Quỹ tài chính ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh…
Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh PHẠM NGHĨA: Tăng cường đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao
Những tháng cuối năm, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành với vai trò nòng cốt là ngành công an, chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, tình hình tôn giáo, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường trấn áp tội phạm, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, nhất là quan tâm đầu tư trang thiết bị, nguồn lực cho lực lượng công an trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng; tăng cường kiểm soát bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, bảo đảm cuộc sống bình yên của Nhân dân...
Đồng thời, UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục rà soát, công bố, công khai thủ tục hành chính; triển khai sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP; đôn đốc kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế năm 2025; tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo dứt điểm ngay từ cơ sở…
Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm các hoạt động xác minh, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khách quan và đúng quy định của pháp luật góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh THÁI VĂN SINH: Bảo mật thông tin người dân khi thực hiện chuyển đổi số
UBND tỉnh cần kịp thời triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị văn hóa các di sản được UNESCO ghi danh, nhất là không gian văn hóa Nguyễn Du - Truyện Kiều;… Hoàn thiện "Đề án sắp xếp hệ thống trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo"; đề ra các giải pháp hữu hiệu phát triển hệ thống các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn các huyện, thị xã; kịp thời cung ứng thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, cần triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động y tế, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở và tuyến huyện, tỉnh trong tư vấn, khám chữa bệnh từ xa. Thực hiện đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế, máy móc trang thiết bị tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập… Cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đội ngũ giáo viên văn hóa hợp lý cho các trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở đào tạo nghề nhằm bảo đảm điều kiện phân luồng học sinh; đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh; quan tâm đầu tư hạ tầng số; đề ra các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và bảo mật thông tin cho người dân khi tham gia thực hiện chuyển đổi số, các giao dịch trên không gian mạng; chủ động, kịp thời cung cấp thông tin định hướng dư luận…