Nhìn lại Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Hành lang pháp lý và “đường băng” cho nền kinh tế phục hồi, cất cánh

- Thứ Năm, 27/10/2022, 06:42 - Chia sẻ

ThS.Nguyễn Vân Hậu

Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 10.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu sát thực, khả thi, lộ trình cụ thể... là biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần đổi mới quản trị quốc gia. Trong đó, Quốc hội là trung tâm tạo ra sự kết nối, phối hợp tương tác giữa các chủ thể nhà nước, người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để thúc đẩy sự phát triển... Những quyết sách kịp thời, sát thực của Quốc hội đã tạo hành lang pháp lý và “đường băng” cho nền kinh tế khởi động, phục hồi và cất cánh trở lại sau thời gian chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19.

Quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân

Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 10.1.2022 của Quốc hội “Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” ra đời trong bối cảnh lúc bấy giờ nước ta và thế giới vẫn đang phải vật vã đến hơn hai năm mới định hình được cách hành xử với “Covid-19” mà vẫn chưa yên. Dù thời gian để kiểm chứng chưa dài, nhưng không khó để nhận ra rằng, những quyết sách từ Nghị quyết 43/2022/QH15 đã tác động mạnh mẽ lên đời sống xã hội và sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế sau đại dịch. Đó là những quyết sách thể hiện quyết tâm hành động, là tín hiệu tích cực góp phần quan trọng đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Càng ngày, cử tri và Nhân dân càng quan tâm, dành thời gian theo dõi các hoạt động của Quốc hội, nhất là diễn biến các kỳ họp. Phấn khởi và đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; cử tri và Nhân dân đánh giá cao việc ban hành kịp thời và triển khai bước đầu có hiệu quả Nghị quyết 43/2022/QH15 và các nghị quyết chuyên đề khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Dư luận nhận xét rằng, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội với các mục tiêu sát thực, khả thi, lộ trình cụ thể... là biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần đổi mới quản trị quốc gia, trong đó Quốc hội là trung tâm tạo ra sự kết nối, phối hợp tương tác giữa các chủ thể nhà nước, người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để thúc đẩy sự phát triển. Cùng với phương châm chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, lắng nghe dân, luôn đặt lợi ích người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, tiếp thu, nghiên cứu vận dụng các đề xuất chính sách, giải pháp tài khóa, tiền tệ từ các Diễn dàn Kinh tế Việt Nam... Quốc hội đã có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, tạo hành lang pháp lý và “đường băng” cho nền kinh tế khởi động, phục hồi và cất cánh trở lại sau thời gian chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hậu Giang làm việc tại UBND tỉnh về việc thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng  tham gia phòng, chống dịch và một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 	 Ảnh: Thế Sự
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hậu Giang làm việc tại UBND tỉnh về việc thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch và một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Ảnh: Thế Sự

Khẳng định bản lĩnh, tầm nhìn quản trị quốc gia

Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 từ đầu năm đến nay cho thấy, các mục tiêu ưu tiên về phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn; phòng, chống dịch Covid-19; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân... về cơ bản đã đạt được hoặc đang tiệm cận mục tiêu, ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022), dự ước cả năm GDP tăng 8%. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%; các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Sự phục hồi nền kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, trong 9 tháng có hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, tăng 38,6%, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Cùng với thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát tốt dịch trên phạm vi toàn quốc; công tác an sinh xã hội được triển khai thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Đến nay, đã hỗ trợ khoảng 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu lượt người dân, người lao động và trên 730.000 lượt người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đây là những con số mang đậm dấu ấn của Nghị quyết 43/2022/QH15 sau khi đi vào cuộc sống, là dấu hiệu tích cực, lạc quan cho thấy kinh tế - xã hội đất nước đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Nhân dân hài lòng, phấn khởi về những thành quả đạt được không chỉ vì những con số biết nói được thống kê trong các báo cáo nêu trên, mà thực tiễn đã cho họ một niềm tin. Đó là cuộc sống đã nhanh chóng ổn định, sinh hoạt của người dân, hoạt động của doanh nghiệp đã trở lại bình thường, người dân không còn lo lắng tình trạng khan hiếm hàng hóa hay nạn lạm phát, giá cả hàng hóa tăng cao gây xáo trộn đời sống.

Có thể nói, hiệu quả các quyết sách từ Nghị quyết 43/2022/QH15 đã chứng tỏ bản lĩnh, tầm nhìn quản trị quốc gia thông qua cách thức thực thi quyền lực Nhân dân trong việc quản lý nguồn lực kinh tế và xã hội, bằng các chính sách kinh tế, tài khóa, tiền tệ thông minh. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội góp phần khẳng định tinh thần và tư tưởng xây dựng “một Quốc hội hành động, tiếp nối truyền thống khát khao đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách, vì sự phát triển bền vững của đất nước”, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cam kết từ đầu nhiệm kỳ.

Dịch Covid-19 có những lúc làm cho xã hội phải cách ly, nhưng cũng từ đó làm cho xã hội quan tâm hơn đến các quyết sách của Quốc hội, và Quốc hội cũng gần dân hơn bao giờ hết.