Thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Bình

Gợi mở nhiều giải pháp thiết thực

- Chủ Nhật, 31/07/2022, 07:11 - Chia sẻ

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII mới đây, các đại biểu cho rằng, tỉnh cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân; dành nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng; xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung để học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể mượn sách…

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Tại phiên thảo luận, hầu hết ý kiến nhận định: 6 tháng đầu năm, dù gặp nhiều khó khăn nhưng hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều ghi nhận tăng trưởng, trong đó có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch… Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa mạnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế; sản xuất khai thác thủy hải sản gặp nhiều khó khăn; năng suất chất lượng rừng trồng còn thấp…

Đại biểu Võ Xuân Bảy nhấn mạnh, UBND tỉnh cần đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa… Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KHCN vào sản xuất. Cụ thể, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN; nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, khuyến lâm trên cơ sở kết hợp hài hòa sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp, tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường...

Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Anh Tuấn đề nghị, tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng theo kế hoạch; chăm lo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng… Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đê điều, hồ đập, hệ thống tiêu, thoát lũ để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão; chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể để sắp xếp, di dời, bố trí các hộ dân đang cư trú ở những nơi có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Quan tâm đến lĩnh vực khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, đại biểu Nguyễn Xuân Hoàn đề nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống bến cảng, các bến phụ, âu thuyền tránh trú bão lũ, khu neo đậu; sớm đưa dự án âu thuyền thị xã Ba Đồn vào xây dựng… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ kịp thời cho ngư dân khi gặp khó khăn; có chính sách hỗ trợ thường xuyên và lâu dài cho lĩnh vực này nhằm nâng cao năng lực, khuyến khích ngư dân và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu, những tháng cuối năm, tỉnh cần tập trung triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đối với ngư dân; chủ động làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống hồ, đập mùa mưa, bão; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu phát biểu tại phiên thảo luận -ảnh H. PHONG
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu phát biểu tại phiên thảo luận
Ảnh: H. Phong

Tích cực chuyển đổi số

Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đại biểu Ngô Thị Nhung đề nghị tỉnh dành nhiều nguồn lực hơn đầu tư hệ thống y tế dự phòng với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ y tế cơ sở, nhất là y tế xã; tổ chức lại, giao thêm nhiệm vụ cho lực lượng y tế thôn, bản để bảo đảm duy trì, họat động thường xuyên… Bên cạnh đó, UBND tỉnh, Sở Y tế cần rà soát cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức các trạm y tế xã, thị trấn; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ y tế cơ sở, bảo đảm cơ cấu và trình độ chuyên môn theo vị trí việc làm phù hợp; đồng thời, có cơ chế đủ mạnh thu hút đội ngũ bác sĩ về làm việc tại y tế cơ sở.

Liên quan lĩnh vực giáo dục, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đề nghị, tỉnh chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất trường học so với Bộ tiêu chí mới về trường chuẩn quốc gia. Từ đó, có phương án đầu tư phù hợp nhằm bảo đảm mục tiêu “70% trường mầm non, 100% trường tiểu học, 75% trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia”, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra… 

Đại biểu Phan Trần Nam thì đề xuất, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, báo cáo HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để giảm áp lực lên hệ thống giáo dục công lập… Bên cạnh đó, tiếp tục vận động, kêu gọi xã hội hóa xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung để học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể mượn sách. “Đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ một phần kinh phí; tuyên truyền việc ủng hộ sách còn dùng tốt cho thư viện này… giúp học sinh được mượn sách giáo khoa miễn phí”, ông Nam nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cho biết: Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội; có biện pháp quản lý chặt việc dạy thêm, học thêm và các khoản thu tại các cơ sở giáo dục bảo đảm theo đúng quy định; đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục… Đồng thời, tích cực thực hiện chuyển đổi số; trước mắt, lựa chọn một số công việc cụ thể trong chuyển đổi chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để thực hiện có hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội…

Diệp Anh