Giám sát công tác quản lý hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái

- Thứ Năm, 06/10/2022, 06:23 - Chia sẻ

Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các làng nghề, qua giám sát công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các làng nghề trên địa bàn, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Hải Dương nghiên cứu ban hành Đề án tổng thể khôi phục và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái. Kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chú trọng đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống nhằm bảo hộ và quảng bá danh tiếng sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương…

Chưa tạo được động lực gắn bó với nghề

Theo ghi nhận của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương qua giám sát: Nhiều làng nghề đã đổi mới được cơ chế hoạt động, đầu tư đổi mới công nghệ để nhập cuộc, bắt nhịp với những yêu cầu mới của xã hội; tạo ra các sản phẩm tiêu dùng và xuất khẩu đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự phát triển của làng nghề không chỉ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương mà còn góp phần chuyển dịch, đa dạng hóa kinh tế nông thôn; gia tăng giá trị sản xuất, xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước; tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động nông thôn với thu nhập trung bình từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng/tháng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra. Theo đó, nhiều ngành nghề thủ công đã và đang dần bị mai một, có nguy cơ thất truyền; số lượng nghệ nhân tài hoa còn rất ít, chủ yếu là lao động phổ thông. Quy mô sản xuất của các làng nghề còn nhỏ, manh mún. Gần 80% cơ sở không đủ vốn đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, thiếu nguyên liệu tại chỗ. Sản phẩm còn đơn điệu, mẫu mã chậm cải tiến không bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng nên thiếu tính cạnh tranh trên thị trường. Phần lớn các cơ sở sản xuất còn chạy theo lợi nhuận ngắn hạn mà ít chú trọng tới nâng cao trình độ tinh xảo và phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm. Các cơ sở sản xuất chưa tìm được đầu ra chủ động và ổn định cho sản phẩm. Doanh thu và thu nhập của người lao động chưa tạo được động lực để gắn bó với nghề.

Cùng với đó, các tiêu chí về môi trường không bảo đảm theo quy định (8/66 làng nghề không có phương án bảo vệ môi trường); hạ tầng môi trường làng nghề không bảo đảm theo quy định; 100% làng nghề chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung; nhiều nơi ô nhiễm nặng gây ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng dân cư xung quanh…

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương khảo sát tại làng nghề vàng bạc ở xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang - ẢNH PHẠM TUYẾT
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hải Dương khảo sát tại làng nghề vàng bạc ở xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang
Ảnh: Phạm Tuyết

Đẩy mạnh phát triển du lịch gắn kết với làng nghề

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các làng nghề trên địa bàn, qua giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu ban hành Đề án tổng thể về khôi phục và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình mỗi xã một sản phẩm để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng kế hoạch phát triển chi tiết đối với từng địa phương, từng ngành nghề như phát triển làng nghề gắn với du lịch, làng nghề công nghiệp hỗ trợ, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm... bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của mỗi địa phương và quy hoạch chung của huyện, tỉnh, vùng và cả nước.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát hoạt động của tất cả các làng nghề trên địa bàn tỉnh để có hướng xử lý phù hợp. Xem xét ban hành quyết định thu hồi đối với các làng nghề không còn đủ điều kiện theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các làng nghề còn lại, tập trung nguồn lực, chính sách hỗ trợ trên cơ sở phát huy, bảo tồn các làng nghề truyền thống và duy trì, phát triển các làng nghề mới.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiến nghị chú trọng hỗ trợ các cơ sở làng nghề cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương, tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, tham quan khảo sát thị trường trong và ngoài nước; liên kết kinh doanh, đẩy mạnh hợp tác sản xuất giữa các vùng, địa phương. Đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm làng nghề, nghề truyền thống nhằm bảo hộ và quảng bá danh tiếng sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Rà soát tham mưu cho UBND tỉnh đổi mới cơ chế, chính sách về phát triển làng nghề theo hướng khắc phục những hạn chế, vướng mắc đã và đang có; giúp chính sách thực sự đi vào thực tiễn, dễ dàng tiếp cận và triển khai thực hiện. Hoàn thiện, bổ sung các chính sách khôi phục, đổi mới, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống và mở ra nghề mới.

Ban cũng kiến nghị Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nghề, làng nghề quảng bá, mở rộng thị trường, tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đẩy mạnh phát triển du lịch gắn kết với làng nghề; xây dựng và hình thành các tuyến, điểm du lịch làng nghề, coi phát triển du lịch kết hợp làng nghề là hướng đi đúng đắn, cần được nhân rộng. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

THÁI HÒA