Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang nghe giải trình công tác đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu

Dứt điểm những trường hợp vướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

- Thứ Hai, 17/10/2022, 05:44 - Chia sẻ

UBND tỉnh Tuyên Quang cần tập trung chỉ đạo rà soát toàn bộ các dự án đo đạc bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các xã, phường, thị trấn chưa hoàn thành, có giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế để nghiệm thu, thanh toán, quyết toán trong năm 2022; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác trích đo địa chính, phối hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kịp thời hướng dẫn UBND cấp huyện phân loại, giải quyết dứt điểm những trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Đó là những nội dung Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh đối với UBND tỉnh tại phiên họp mới đây nghe giải trình về công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến hết tháng 6.2022.

Nghiêm túc nhìn nhận tồn tại, hạn chế

Qua khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh còn có những hạn chế trong việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; trích đo địa chính; công tác chỉnh lý biến động đất đai, cập nhật hồ sơ địa chính ở các cấp; chất lượng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác phối hợp trong thực hiện quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… dẫn đến tại nhiều địa phương, cử tri có ý kiến, kiến nghị về vấn đề này.

Tại phiên giải trình, với tinh thần thẳng thắn, đã có 21 lượt đại biểu HĐND tỉnh nêu yêu cầu giải trình đối với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính; UBND các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Na Hang và thành phố Tuyên Quang, tập trung vào các nội dung: Việc chậm hoàn thành, chậm nghiệm thu, quyết toán dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với UBND các huyện, thành phố, đơn vị tư vấn trong kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán, hoàn thiện dự án; việc bố trí và sử dụng kinh phí cho công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính; hạn chế, vướng mắc trong đo đạc địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; việc huy động các doanh nghiệp tham gia công tác đo đạc địa chính trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân, vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị đối với hạn chế hiện nay trong công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân…

Những nội dung đặt ra đã được nghiêm túc giải trình, làm rõ, thẳng thắn nhận trách nhiệm, đề xuất giải pháp thiết thực. Nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu HĐND tỉnh, đại diện UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ được giao trong công tác đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh thời gian tới; khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong báo cáo kết quả khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu tại phiên họp - ẢNH THANH PHÚC
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Thanh Phúc

Giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế

Kết luận phiên giải trình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo rà soát lại toàn bộ các dự án đo đạc bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn chưa hoàn thành, có các giải pháp cụ thể giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế để nghiệm thu, thanh quyết toán trong năm 2022; có giải pháp và lộ trình cụ thể tiếp tục đo đạc bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với 95/138 xã phường, thị trấn còn lại. Chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai tại địa phương; xem xét, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện công tác đo đạc bản đồ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Cùng với đó, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác trích đo địa chính, phối hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, có các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đo đạc bản đồ tham gia công tác trích đo địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu; kịp thời hướng dẫn UBND cấp huyện phân loại, giải quyết dứt điểm các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai rà soát các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giải quyết theo quy định. Chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp chặt với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác đo đạc địa chính, lập cơ sở dữ liệu đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với khả năng ngân sách và tình hình thực tế của tỉnh.

UBND tỉnh cũng cần tập trung chỉ đạo UBND huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn; phối hợp chặt với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cập nhật tình hình, chỉnh lý biến động về đất đai tại địa phương; hoàn thành các dự án đo đạc địa chính trên địa bàn theo tiến độ. Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về đo đạc bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, xã - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân nhấn mạnh.

LINH NGUYỄN