Nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri

Đưa các kiến nghị vào phiên họp giải trình, chất vấn

- Thứ Năm, 24/11/2022, 06:18 - Chia sẻ

Một cách làm hiệu quả trong giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là tổ chức khảo sát những ý kiến, kiến nghị chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, kéo dài, cử tri phản ánh nhiều lần... để đưa vào phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND; Thường trực HĐND tổ chức phiên họp giám sát theo định kỳ 2 lần/năm đối với những vấn đề bức xúc cử tri và đại biểu kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được UBND tỉnh trả lời thỏa đáng, hoặc còn hứa “sẽ xem xét, giải quyết trong thời gian tới”, hoặc “đã có văn bản xin ý kiến/chờ chủ trương của Trung ương”...

Ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm việc cập nhật, theo dõi

Tại các hội nghị TXCT, cần quan tâm lựa chọn cử thư ký, chọn người ghi chép, tổng hợp có trình độ tổng hợp tốt thì mới bảo đảm được việc tổng hợp hết các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri. Tránh tổng hợp chung chung, không đầy đủ ý kiến cử tri, hoặc không hiểu rõ ý của cử tri dẫn đến hiểu sai bản chất của vấn đề cử tri nêu. Các nội dung cử tri phản ánh, trao đổi phải được tổng hợp đầy đủ, rõ ràng, phân loại chính xác theo thẩm quyền của các cơ quan, các cấp.

Sau mỗi đợt TXCT, các Tổ đại biểu tổ chức họp thống nhất phân loại, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị phân loại theo đúng thẩm quyền. Cần thiết có thể tổ chức kiểm tra, xác minh lại nội dung kiến nghị, đề nghị của cử tri để bảo đảm tính chính xác của thông tin. Tránh tình trạng cùng một kiến nghị đã được trả lời, giải quyết, chính sách có liên quan đã được ban hành nhưng cử tri ở địa phương phản ánh, vẫn tiếp tục tổng hợp chuyển cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.

Theo dõi, giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri còn thể hiện ở công tác lưu trữ khoa học, chặt chẽ để xác định rõ trường hợp kiến nghị đã được giải quyết, trả lời nhưng đại biểu HĐND tiếp tục chuyển về thì không được xử lý lần 2; Thường trực HĐND sẽ thông tin đại biểu biết để trả lời với cử tri. Đây cũng chính là một cách làm nhằm nâng cao trách nhiệm của đại biểu HĐND. Kiến nghị của cử tri qua nhiều năm cần được lưu giữ để trường hợp cần thiết có thể đối chiếu, tham khảo và theo dõi tiến độ thực hiện lời hứa của cơ quan có thẩm quyền trước cử tri.

Như ở HĐND thành phố Đà Nẵng, việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND thành phố được thực hiện thông qua Phần mềm quản lý, do đó bảo đảm việc cập nhật, theo dõi toàn bộ số lượng kiến nghị cử tri đầu vào cũng như kết quả đề xuất xử lý, kết quả phản hồi, giải quyết của cơ quan chức năng. Qua đó, Văn phòng HĐND thành phố thường xuyên rà soát kết quả giải quyết của cơ quan chức năng, tổng hợp các trường hợp chậm giải quyết, kết quả giải quyết chưa tuân thủ đúng quy định, báo cáo tại phiên họp thường kỳ hàng tháng giữa Thường trực HĐND - UBND - UBMTTQVN thành phố và Đoàn ĐBQH thành phố để đôn đốc thực hiện.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Chiêm Hóa xem xét việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khóa XIX - ẢNH HUY DUONG
Tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại huyện Chiêm Hóa xem xét việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh Khóa XIX
Ảnh: Huy Dương

Ban hành nghị quyết giám sát giải quyết kiến nghị cử tri

Nâng cao hiệu quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, cần phát huy vai trò của các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND trong theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, việc tổ chức khảo sát những ý kiến, kiến nghị chậm giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, kéo dài, cử tri phản ánh nhiều lần... để đưa vào phiên họp giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND rất hiệu quả. Qua đó, xác định được giải pháp và làm rõ trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân nhằm chỉ đạo giải quyết có hiệu quả những ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri.

Một số địa phương, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức một số phiên họp nhằm làm rõ các nội dung theo ý kiến, kiến nghị của cử tri, mời cử tri đã có ý kiến, kiến nghị tới dự để trực tiếp phản ánh, nghe kết quả giải quyết của sở, ngành liên quan; lựa chọn, đưa vào nhóm vấn đề chất vấn trực tiếp tại kỳ họp HĐND tỉnh để cử tri trực tiếp theo dõi, giám sát... Đối với những vấn đề bức xúc cử tri và đại biểu kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được UBND tỉnh trả lời thỏa đáng, hoặc còn hứa “sẽ xem xét, giải quyết trong thời gian tới”, hoặc “đã có văn bản xin ý kiến/chờ chủ trương của Trung ương”... Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên họp giám sát theo định kỳ 2 lần/năm.

Tại phiên họp giám sát, bên cạnh thành viên Thường trực và lãnh đạo các Ban HĐND, UBND, Thủ trưởng một số sở, ngành liên quan, UBMTTQVN tỉnh, lãnh đạo Văn phòng, chuyên viên các phòng chuyên môn liên quan, Thường trực HĐND tỉnh chú trọng mời lãnh đạo Đoàn ĐBQH chuyên trách, Tổ trưởng một số Tổ đại biểu HĐND tỉnh, một số đại biểu HĐND tỉnh (Tổ đại biểu và đại biểu đã tiếp nhận kiến nghị cử tri, đại biểu là ủy viên các Ban có tham gia thẩm tra với các Ban), đại diện Thường trực HĐND cấp huyện (nơi có kiến nghị cử tri được đưa vào phiên họp giám sát) tham dự và phát biểu, thảo luận để làm sáng tỏ các vấn đề.

Việc ban hành nghị quyết về giám sát giải quyết kiến nghị cử tri cũng được một số địa phương quan tâm thực hiện, nhằm tăng cường hiệu lực pháp lý đối với các cơ quan chuyên môn trong giải quyết kiến nghị của cử tri, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cử tri. Theo đó, bên cạnh chia thành các tổ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri để đi được nhiều địa phương, đơn vị và đến được nhiều nơi tại cơ sở giám sát thực tế, báo cáo kết quả giám sát được trình tại kỳ họp HĐND tỉnh để đại biểu xem xét nên hay không nên ban hành nghị quyết. Trường hợp còn nhiều kiến nghị chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, nêu rõ các kiến nghị, đề nghị giải quyết, quy định cụ thể thời hạn giải quyết để tiếp tục đôn đốc việc thực hiện.

LÊ HOÀNG