Động lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá

- Thứ Hai, 28/11/2022, 06:30 - Chia sẻ

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đề án, dự án khoa học và công nghệ gắn kết chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đột phá. Từng bước để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá.

Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ

Quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ninh Thuận đã lĩnh hội được chủ trương về phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó, chủ động trong quá trình triển khai thực hiện, từ định hướng đến quá trình cụ thể hóa thành nghị quyết chuyên đề và chỉ đạo triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh cho biết: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “... Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động;...”. Ngay sau Đại hội Đảng các cấp, trong năm 2021 - năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội, Tỉnh ủy đã hoàn thành ban hành 19 nghị quyết chuyên đề để cụ thể hóa, đưa các chủ trương lớn xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vào cuộc sống.

Đối với định hướng phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hầu hết các nghị quyết chuyên đề đều được đề cập và có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng để chỉ đạo chuyên sâu. Đó là: (1) Nghị quyết về đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo (Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31.5.2021); (2) Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 13.1.2022); (3) Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29.11.2021).

Các nghị quyết trên đã xác định những nội dung cụ thể để định hướng phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, khẳng định một số quan điểm chỉ đạo cơ bản của Tỉnh ủy Ninh Thuận. Đó là: tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ưu tiên các ngành công nghệ kỹ thuật số, công nghệ sinh học; công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đi trước một bước, tạo điều kiện phát triển nhanh, mạnh; phát triển nhân lực khoa học và công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên, xác định đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đầu tư cho phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Diêm dân Phước Diêm, huyện Thuận Nam ứng dụng công nghệ trải bạc để sản xuất muối đạt sản lượng cao - Ảnh Văn Nỷ
Diêm dân Phước Diêm, huyện Thuận Nam ứng dụng công nghệ trải bạc để sản xuất muối đạt sản lượng cao
Ảnh: Văn Nỷ

Thúc đẩy, hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Chủ trương phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được tỉnh Ninh Thuận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, việc triển khai được xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở và đã có những kết quả bước đầu. Theo đó, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai đến các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng Nhân dân. Khẩn trương triển khai thực hiện bằng các kế hoạch và chương trình hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Thành lập các ban chỉ đạo để chỉ đạo, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết.

Về định hướng thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các nghị quyết nói trên. Thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tỉnh; tiếp tục chỉ đạo thực hiện các đề án, dự án khoa học và công nghệ gắn kết chặt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp thiết thực nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Nhất là trong lĩnh vực đột phá của tỉnh là: năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp, du lịch và kinh tế đô thị, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từng bước để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực cho quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất và chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

THANH MAI