Để quyết sách sát hợp thực tiễn, khả thi cao

- Thứ Ba, 22/11/2022, 06:38 - Chia sẻ

Cùng với giao các Ban HĐND tỉnh tham gia ngay từ bước đề nghị xây dựng nghị quyết để chủ động nghiên cứu, phối hợp ngay từ khi bắt đầu và đồng hành trong suốt quá trình xây dựng, việc Thường trực HĐND phối hợp, đề nghị MTTQ thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND sẽ giúp nội dung các quyết sách do HĐND tỉnh ban hành sát hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao.

Phối hợp ngay từ đầu, đồng hành trong suốt quá trình xây dựng

Để quá trình xây dựng nghị quyết thuận tiện nhất, một số địa phương, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quyết định về hệ thống quy trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh toàn khóa. Trong đó, hệ thống khoa học, đầy đủ các bước thực hiện của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình đến Văn phòng, các Ban, Thường trực và kỳ họp HĐND tỉnh với từng mốc thời gian cụ thể, nhằm tạo thuận lợi cho việc tra cứu của các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Đặc biệt, trong hệ thống quy trình này, giao các Ban HĐND tỉnh tham gia ngay từ bước đề nghị xây dựng nghị quyết để các Ban chủ động nghiên cứu, phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan trình hồ sơ dự thảo nghị quyết ngay từ khi bắt đầu và đồng hành trong suốt quá trình xây dựng.

Thực tế đã minh chứng, ở những nơi Ban HĐND thẩm tra có chất lượng sẽ chỉ ra được những bất cập, phản biện rõ ràng, giúp cho HĐND quyết nghị đúng. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND cũng tốt, do đó mới “lọt sàng” những quyết sách “trên trời”, hoặc trái thẩm quyền. Khi thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, nhiều đại biểu chỉ quan tâm đến nội dung đánh giá kết quả đạt được, các kiến nghị của cử tri mà chưa gắn với sản phẩm của kỳ họp này sẽ ra quyết sách gì. Đến khi thông qua nghị quyết, thời gian bố trí cũng không nhiều, nghiên cứu chưa kỹ nên vẫn còn tình trạng “nhất trí như UBND trình”.

Chính vì vậy, ngay sau khi xác định được chương trình ban hành nghị quyết trong năm tiếp theo, Thường trực HĐND tỉnh phân công sớm Ban theo dõi và tiến hành thẩm tra nghị quyết. Trên cơ sở đó, Ban được phân công thẩm tra có thể tiếp cận ngay với vấn đề ngay từ đầu, lường trước được các tình huống phát sinh, nhất là khi phải thẩm tra nhiều văn bản tại mỗi kỳ họp. Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên đôn đốc, đồng thời phối hợp chặt với UBND tỉnh trong chỉ đạo các cơ quan soạn thảo hoàn thành nội dung tờ trình, dự thảo nghị quyết đúng thời gian và bảo đảm chất lượng. Đối với những văn bản không thực hiện đầy đủ các điều kiện về thời gian, trình tự, thủ tục theo Luật định, cần kiên quyết chưa trình kỳ họp. Đây là nội dung nhiều địa phương kiên quyết thực hiện thời gian qua.

Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh - ẢNH  HOÀNG GIANG
Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh 
Ảnh: Hoàng Giang

Đề nghị chọn nội dung tổ chức phản biện xã hội

Trong quá trình hoạt động của HĐND, nhất là thực hiện chức năng giám sát và quyết định, cần phát huy đúng mức vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát và phản biện xã hội; sử dụng kết quả phản biện xã hội để hoàn thiện nội dung dự thảo chính sách. Mọi hoạt động của HĐND đều gắn liền với hoạt động của UBMTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND với UBMTTQ cùng cấp sẽ phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trên thực tế, chức năng phản biện xã hội của Mặt trận là một biểu hiện sinh động của tư tưởng “quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Là tổ chức duy nhất có điều kiện tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, Mặt trận có lợi thế hơn hẳn so với bất cứ tổ chức nào để thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội. Việc Thường trực HĐND phối hợp và đề nghị MTTQ thực hiện phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp HĐND tỉnh giúp nội dung các quyết sách do HĐND tỉnh ban hành sát hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi cao.

Theo đó, sau khi Thường trực HĐND và UBND tỉnh thống nhất các nội dung trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị MTTQ chọn nội dung tổ chức phản biện xã hội; đồng thời, thường xuyên đôn đốc, theo dõi công tác chuẩn bị của cơ quan chuyên môn để kịp thời có ý kiến đề nghị UBND, cơ quan chuyên môn gửi nội dung phục vụ công tác phản biện xã hội. Tại các hội nghị phản biện, Thường trực HĐND cử đại diện lãnh đạo HĐND, Ban HĐND tham dự lắng nghe kết quả phản biện để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trong các bước thẩm tra, thảo luận góp ý dự thảo nghị quyết.

Bên cạnh đó, sau mỗi kỳ họp, thông qua TXCT, mỗi đại biểu HĐND sẽ thông tin đến cử tri, Nhân dân kết quả kỳ họp và nội dung các quyết sách đã được HĐND thông qua. Quá trình đó, nếu hai cơ quan làm tốt công tác phối hợp sẽ giúp nội dung, thông tin của chính sách, nghị quyết đến người dân, đối tượng chịu sự tác động nhanh hơn, thay vì chờ văn bản hoặc tổ chức hội nghị triển khai của UBND các cấp. Đồng thời, qua hoạt động TXCT của đại biểu HĐND, Thường trực HĐND (đại diện chủ thể ban hành chính sách) sẽ có cơ hội tiếp nhận nhiều hơn các thông tin phản hồi từ đối tượng thụ hưởng, áp dụng chính sách để kịp thời trao đổi, chấn chỉnh các bất cập của quá trình thực hiện, hoặc đề nghị điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp nội dung chính sách chưa phù hợp thực tiễn.

ĐẶNG HỮU