Để luôn gắn bó mật thiết với cử tri

- Chủ Nhật, 01/05/2022, 06:29 - Chia sẻ
Để các đại biểu HĐND luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, hoạt động hiệu quả, cần sớm có quy định giao cho Ủy ban MTTQ chủ trì tổ chức cho cử tri bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu ứng cử tại địa bàn về việc thực hiện lời hứa và quy định bầu bổ sung đại biểu thay thế giữa nhiệm kỳ theo một tỷ lệ nhất định khi cần thiết. Mục đích nhằm làm cho đại biểu HĐND luôn gắn bó mật thiết với cử tri, quyết tâm đổi mới và hành động, góp phần tạo chuyển biến đồng bộ trong xây dựng nhà nước, phòng, chống tham nhũng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp, xuất phát từ yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và đứng trước những thách thức về tình hình vi phạm pháp luật của một bộ phận không nhỏ cán bộ từ cơ sở đến Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm đến hoạt động giám sát của QH và HĐND các cấp. Tại nhiều hội nghị và diễn đàn về hoạt động của HĐND, lãnh đạo Quốc hội đã đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước ngay từ cơ sở, là địa bàn sát dân, nhằm chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng vặt đến cán bộ các cấp chính quyền, bộ máy nhà nước cao hơn.

Chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả

Có thể khẳng định, cùng với tiến trình đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức bộ máy, HĐND các cấp đã có những chuyển biến mạnh mẽ về việc thực hiện hiện chức năng quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cân đối thu chi và phân cấp quyết định mua sắm, đấu giá tài sản từ nguồn ngân sách địa phương, đầu tư xây dựng cơ bản, tổ chức biên chế hành chính sự nghiệp, biện pháp thi hành Hiến pháp, pháp luật và ban hành các chính sách địa phương thuộc thẩm quyền của HĐND mỗi cấp…

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Trị Khóa VIII

Biểu hiện rõ và hiệu quả nhất là việc chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp HĐND. Các Ban HĐND đã được kiện toàn đến HĐND cấp xã và tăng cường đại biểu chuyên trách, cùng với việc tăng thẩm quyền của Thường trực HĐND trong quyết định chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của HĐND đã cho thấy sự chủ động và tính hiệu quả trong công tác quản lý ngân sách, quản lý các nguồn vốn đầu tư, quản lý nguồn lực của địa phương.

Thực tế cho thấy, nhiều đề án trong chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của HĐND đã không được HĐND thông qua do công tác chuẩn bị chưa bảo đảm các yêu cầu về khả năng cân đối ngân sách; hoặc quy trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, hoặc áp dụng các chính sách không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Thậm chí, nhiều nơi HĐND yêu cầu UBND hủy bỏ quyết định trái quy định của pháp luật.

Trong hoạt động giám sát, sau 7 năm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành phố đã đặt ra tình trạng tăng đột biến các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri và Nhân dân, đặc biệt là nhiều vụ việc kéo dài không thể giải quyết vì HĐND cấp tỉnh và thành phố không thể thay thế HĐND cấp huyện phường trong giám sát UBND và các cơ quan chuyên môn, cơ quan tư pháp cùng cấp. Sau khi khôi phục lại HĐND các cấp và ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp đã tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ giúp công tác giám sát của HĐND các cấp chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả tích cực. Nổi bật nhất là giám sát quản lý ngân sách và vốn đầu tư xây dựng cơ bản, làm cho việc cân đối thu chi ngân sách và tình trạng nợ đọng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nợ kho bạc đã dần đi vào nền nếp, hạn chế căn bản tình trạng tùy tiện, chạy dự án ngoài vòng kiểm soát.

Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, khiếu nại tố cáo, giám sát công tác xét xử, thi hành án dân sự cũng có nhiều chuyển biến tích cực, làm giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài. Nhiều nơi tạo cơ chế để Nhân dân trực tiếp giám sát tại các kỳ họp HĐND hoặc cơ chế để Dân chấm điểm hoạt động của cơ quan hành chính và hành chính công. Giám sát hoạt động và thái độ phục vụ Nhân dân của các cơ sở y tế công lập (như ở Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Quảng Bình…) đã góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị và hành chính công, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.

Rõ ràng, trên cơ sở nhìn nhận, kiện toàn, hoàn thiện pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp ngày càng tiến bộ thì chất lượng hoạt động của HĐND ngày càng được nâng lên cả về hiệu lực và hiệu quả, nhiệm kỳ sau hay hơn, tốt hơn nhiệm kỳ trước.

Cần quy định tính hợp pháp, hiệu lực các quyết nghị

Trong nhiều năm qua, quan niệm về tính hệ thống của các cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được thống nhất với lý do cơ quan dân cử cấp trên không phải là cấp trên của cơ quan dân cử cấp dưới. Nhưng Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phải được Thủ tướng phê chuẩn mới có hiệu lực thực thi nhiệm vụ. Nghĩa là phải được cấp trên của hệ thống phê chuẩn, hoặc bổ nhiệm (như hệ thống tư pháp). Mặt khác, các hệ thống này đều hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật và hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Vì không thừa nhận trên thực tế tính hệ thống nên không có sự phối hợp, chỉ đạo đồng bộ từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND cấp trên đối với Thường trực HĐND cấp dưới nên chưa phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của các cơ quan dân cử. Bước vào nhiệm kỳ này, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực sự quan tâm chỉ đạo xây dựng thiết chế để chỉ đạo, phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND nhằm tạo chuyển biến về chất, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống cơ quan dân cử từ Trung ương đến địa phương.

Cùng với đó, cần có quy định của pháp luật về tính hợp pháp và hiệu lực của các quyết nghị hay kết luận giám sát của các cơ quan thuộc HĐND trong việc thi hành pháp luật ở địa phương, khi vấn đề đã có đủ cơ sở pháp lý và được HĐND quyết nghị bằng nghị quyết thì hiển nhiên cơ quan thi hành pháp luật phải thực thi. Trên thực tế, có không ít vấn đề HĐND đã giám sát kết luận và đưa ra thảo luận, ban hành hoặc ghi vào nghị quyết nhưng không được thực hiện triệt để bằng những thủ thuật quản lý, nhằm kéo dài, vô hiệu hóa gây hậu quả kinh tế - xã hội và xói mòn lòng tin của Nhân dân.

Đảng và hệ thống chính trị cần quán triệt sâu sắc hơn nữa bản chất nhà nước của dân, do dân để luôn quan tâm kiện toàn củng cố bộ máy làm việc trong cơ quan dân cử phải thực sự có tâm, có tầm, chuyên trách và chuyên nghiệp. Vì lực lượng cán bộ Trưởng, Phó các Ban HĐND chuyên trách trở lên chính là “Bộ tham mưu” chiến lược, cần có đủ và dành toàn bộ thời gian, tâm sức cho việc nghiên cứu, tham mưu cho Thường trực và HĐND trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Hạn chế chế độ làm việc kiêm nhiệm như hầu hết các tỉnh phía Nam và nhiều tỉnh phía Bắc đang làm có hiệu quả.

Không nhân danh tinh giản bộ máy biên chế để tìm cách xóa bỏ hoặc (thí điểm) hạn chế hoạt động của HĐND trái với quy định của Hiến pháp 2013: “Cấp chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND…” vì bất kể nhà nước nào không chịu sự giám sát của Nhân dân và cơ quan đại diện quyền lực Nhân dân thì tình trạng quan liêu, tham nhũng càng tăng.

Thiết nghĩ, để các đại biểu HĐND được dân bầu ra luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, kỹ năng, hoạt động hiệu quả, cần sớm có quy định pháp luật giao cho Ủy ban MTTQ chủ trì tổ chức cho cử tri bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu ứng cử tại địa bàn về việc thực hiện lời hứa và quy định bầu bổ sung đại biểu thay thế giữa nhiệm kỳ theo một tỷ lệ nhất định khi cần thiết. Mục đích nhằm làm cho HĐND luôn gắn bó mật thiết với cử tri, luôn quyết tâm đổi mới và hành động để góp phần tạo chuyển biến đồng bộ trong xây dựng nhà nước, phòng chống tham nhũng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Ths. Nguyễn Đức Dũng - Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Trị