Nghị quyết Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, thường trực, ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND

Cơ sở chuẩn hóa, nâng cao hiệu quả giám sát

- Thứ Năm, 15/09/2022, 06:45 - Chia sẻ

Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân xoay quanh Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành, đại diện Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND nhiều địa phương đều thống nhất đánh giá, nghị quyết có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát toàn diện các mặt trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Như một cuốn cẩm nang, Nghị quyết sẽ là cơ sở để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; khắc phục được không ít hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn hoạt động giám sát của HĐND hiện nay.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa LÊ HỮU TRÍ: Cẩm nang về trình tự, thủ tục, trách nhiệm

Lê Hữu Trí

Mặc dù, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có quy định riêng, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của HĐND. Tuy nhiên, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử địa phương một số nơi vẫn còn lúng túng, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều nội dung giám sát chưa đúng trọng tâm, trọng điểm; việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát cũng chưa được thực sự quan tâm. Trong đó, không ít cuộc giám sát chưa đưa ra được kiến nghị, giải pháp giải quyết triệt để vấn đề cuộc sống đặt ra. Thậm chí, chưa mạnh dạn xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan...

Thực tế trên cho thấy, rất cần một nghị quyết hướng dẫn cho hoạt động này. Vì vậy, việc Chủ tịch Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND rất cần thiết, kịp thời và đúng thời điểm. Nghị quyết sẽ là "cẩm nang" về trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND...

Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 cũng là cơ sở pháp lý quan trọng, tương đối đầy đủ để bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; tiến hành thường xuyên, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa LÊ TIẾN LAM: Tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát của HĐND

Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan, Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND đã được ban hành. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để các địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Trước hết, phải khẳng định rằng, nghị quyết có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát, toàn diện các mặt hoạt động giám sát của HĐND các cấp. Từ trình tự, thủ tục, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát và xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Đặc biệt, những quy định liên quan đến hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn rất cụ thể, khẳng định hoạt động của HĐND đang ngày càng bám sát thực tiễn, gần gũi với Nhân dân.

Cụ thể, nghị quyết quy định tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, lựa chọn vấn đề chất vấn phải căn cứ vào những vấn đề bức xúc ở địa phương hoặc những vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân,  phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được đại biểu HĐND, cử tri và Nhân dân quan tâm; vấn đề có dấu hiệu vi phạm hoặc gắn với việc thực thi các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tội phạm, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri và các quy định khác của pháp luật; vấn đề đã được người bị chất vấn trả lời trực tiếp tại kỳ họp HĐND hoặc trả lời bằng văn bản nhưng đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời… Với những quy định như vậy, HĐND các cấp sẽ ngày càng lựa chọn đúng và trúng những vấn đề “hợp lòng dân” để giám sát.

Qua nghiên cứu nghị quyết, tôi đánh giá cao nội dung quy định tại Điều 28 về công khai kết quả thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát. Theo đó, sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thực hiện những vấn đề đã được HĐND kết luận, kiến nghị, Thường trực HĐND có trách nhiệm đăng tải công khai kết quả giám sát trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương hoặc công khai bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Điều này sẽ góp phần quan trọng làm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát của HĐND; ngày càng củng cố niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động của cơ quan dân cử.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh TRẦN VĂN KỲ: Thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát

Việc ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND hết sức cần thiết; thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của HĐND; tạo điều kiện thuận lợi để HĐND các cấp thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết  như một “cẩm nang” để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; khắc phục cho được một số hạn chế, vướng mắc và lúng túng trong thực tiễn.

Qua nghiên cứu, HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh nói chung và cá nhân tôi thống nhất, đánh giá cao các nội dung, điều khoản của Nghị quyết. Đơn cử, như quy định tại Điều 29 về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa trong hoạt động giám sát của HĐND: Thường trực HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa để phục vụ hoạt động giám sát của HĐND; bảo đảm sự liên thông về dữ liệu giám sát giữa HĐND các cấp và các cơ quan có liên quan. Tôi cho rằng, việc phát huy hiệu quả ứng dụng CNTT, số hóa không chỉ thuận tiện trong việc lưu trữ dữ liệu, cung cấp thông tin mà còn hỗ trợ công tác giám sát của HĐND, thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND ngày càng hiệu quả. Thời gian tới, HĐND các cấp tỉnh Hà Tĩnh sẽ chủ động bám sát, thực hiện tốt những nội dung theo hướng dẫn của Nghị quyết để ngày càng đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của cử tri địa phương.

Thanh Mai - Đào Cảnh - Diệp Anh thực hiện