Thực trạng trên được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh trong nội dung giải trình về những vướng mắc, bất cập trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn tỉnh tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII.
Khoảng 80% đơn thư KNTC liên quan đến đất đai
Tại Kỳ họp, đại biểu Trần Ngọc Sơn (huyện Tân Kỳ) phản ánh, hiện số vụ tranh chấp dân sự, hành chính tại tòa án có liên quan về đất đai tương đối lớn. Cụ thể, án hành chính và án hôn nhân gia đình chiếm đến hơn 90%; án dân sự chiếm 30% liên quan đến nội dung cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
Thực tế những năm qua cho thấy, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, những vụ tranh chấp đất thường xảy ra rất lâu sau khi được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Theo đại biểu Sơn, có 2 nguyên nhân chính liên quan đến các cơ quan hành chính nhà nước, cụ thể: Một số cán bộ cơ sở không hướng dẫn thủ tục cụ thể cho người dân khi làm hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ dẫn đến người dân không hiểu hết quyền lợi của mình nên một thời gian sau khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lại xảy ra tranh chấp. Công tác đo đạc diện tích trước đây thực hiện bằng phương pháp thủ công, hiện nay đo bằng máy dẫn đến chênh lệch diện tích đất… Những sai sót này đã được phát hiện trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự về đất đai.
Bên cạnh đó, thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ còn nhiều phức tạp, nhiều bất cập dẫn đến một số trường hợp cán bộ cơ sở lợi dụng để thực hiện hành vi môi giới giữa người dân và cơ quan hành chính để hưởng tiền công hoặc lừa đảo, hoặc trường hợp cán bộ địa chính vòi vĩnh khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ dẫn đến phạm tội.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã phát biểu
Đại biểu Trần Ngọc Sơn đã trích lại lời của cử tri và Nhân dân về tình trạng "cò" đất: "Nếu ở ngoài cơ quan hành chính nhà nước thì gọi là cò đất; còn trong cơ quan hành chính nhà nước là cò cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Đó là những cán bộ trực tiếp làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đã không giữ vững phẩm chất, đạo đức cách mạng của những công bộc của dân dẫn đến vi phạm. Đó là những “con sâu làm rầu nồi canh” cần loại bỏ ra khỏi bộ máy hành chính cơ quan nhà nước”, ông Sơn cho biết và nhấn mạnh: Trong năm 2022, cơ quan tòa án đã thụ lý, xét xử 6 vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực cấp Giấy chứng nhận quyền sừ dụng đất, áp dụng hình phạt từ 1 - 6 năm.
Cũng quan tâm đến vấn đề đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, cấp “bìa đỏ” cho người dân, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Trình Văn Nhã cho biết: Hiện nay, đơn thư KNTC được cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý có khoảng 80% liên quan đến đất đai và có những cán bộ, công chức thực thi công vụ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ sai phạm và đã khởi tố… “UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh, đưa quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tạo sự minh bạch, thuận lợi cho người dân, đồng thời khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, sai phạm của cán bộ, công chức”, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiến nghị.
Tăng cường xử lý, giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng
Trước vấn đề đại biểu HĐND tỉnh đặt ra, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An Hoàng Quốc Việt thông tin: Hiện nay, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận QSDĐ trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ cao với hơn 95%, còn gần 5% chưa được cấp… Thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đối với nội dung này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 815/KH-UBND ngày 30.12.2021 về thực hiện giải quyết tồn đọng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Quá trình triển khai, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 28 về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ tồn đọng và chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện… Bên cạnh đó, Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra hướng dẫn các địa phương, trong đó có 15/21 địa phương có số lượng tồn đọng lớn, Sở đã cử cán bộ đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt giải trình tại kỳ họp
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt, đến thời điểm này, sau gần 1 năm thực hiện Kế hoạch số 815 của UBND tỉnh về giải quyết tồn đọng trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ, trách nhiệm của Sở đã hoàn thành chỉ tiêu tỉnh giao, tuy vậy tỷ lệ cấp giấy thuộc trách nhiệm của các địa phương vẫn đạt thấp… “Khó khăn nhất là việc xác nhận nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp tồn đọng, mặc dù các địa phương đều thành lập Đoàn để kiểm tra, xác minh, tuy nhiên các địa phương đang sợ trách nhiệm trong vấn đề này nên ảnh hưởng đến tiến độ”, ông Hoàng Quốc Việt nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, trên cơ sở hướng dẫn, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn từ các địa phương, Sở đang phối hợp các sở liên quan để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28.
Thừa nhận thủ tục hành chính trong giải quyết các vấn đề về đất đai còn phức tạp, rườm rà, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Thủ tục này được thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, không thuộc trách nhiệm tham mưu của ngành. Song trên cơ sở tổng hợp từ thực tiễn, Sở sẽ phản ánh đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, trong đó có rút ngắn thủ tục hành chính.
“Sau kỳ họp này, Sở tiếp tục tham mưu các giải pháp, lộ trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với số còn tồn đọng; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của các bộ, công chức, nhất là cấp cơ sở trong xử lý thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân”, ông Hoàng Quốc Việt khẳng định.