Đó là kiến nghị của nhiều địa phương qua thực tiễn triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật Hoạt động giám sát).
Bổ sung đối tượng chịu sự giám sát
Tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát quy định Thường trực và các Ban HĐND được quyền giám sát hoạt động của UBND, các cơ quan thuộc UBND, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, HĐND cấp dưới trực tiếp. Tuy nhiên, các cơ quan như công an, cục thuế, cục hải quan, bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh là những cơ quan thực hiện các nhiệm vụ rất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở địa phương nhưng lại không được quy định cụ thể trong Luật là đối tượng chịu sự giám sát (trong khi đó, chỉ quy định đối tượng chịu sự giám sát là cơ quan thi hành án dân sự). Việc này cũng gây không ít trở ngại cho công tác giám sát của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh.
Có nơi, Thường trực và các ban HĐND tỉnh chỉ vận dụng khoản 2 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát để giám sát hoạt động đối với những cơ quan không thuộc UBND tỉnh (cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương). Tuy nhiên, việc vận dụng này chưa mang tính thuyết phục cao vì không được quy định cụ thể, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau (khoản 2 Điều 5 quy định: “Khi xét thấy cần thiết, HĐND, Thường trực, Ban của HĐND tiến hành giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ở địa phương”). Vì vậy, nhiều địa phương đề nghị bổ sung quy định Thường trực và các ban của HĐND được quyền giám sát hoạt động của cơ quan công an, cục thuế, cục hải quan, bảo hiểm xã hội, ngân hàng nhà nước, ngân hàng chính sách xã hội cùng cấp.
Đại biểu được quyền chất vấn người đứng đầu các cơ quan ngành dọc
Tương tự, tại điểm đ khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát quy định: “Đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp”. Theo phản ánh của nhiều địa phương, quy định này gây khó khăn cho đại biểu khi muốn chất vấn người đứng đầu những cơ quan khác ngoài các chủ thể quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5 như: Cục trưởng Cục Thuế, Cục trưởng Cục Hải quan, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh...
Hiện nay, đại biểu HĐND tỉnh chỉ vận dụng quy định tại điểm d khoản 3 Điều 60 Luật Hoạt động giám sát để chất vấn những người không thuộc quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 5. Tuy nhiên việc vận dụng này cũng chưa mang tính thuyết phục cao vì quy định còn khá chung chung, dễ dẫn đến hiểu theo nhiều cách khác nhau (điểm d khoản 3 Điều 60 quy định: “Những người khác có thể được mời tham dự phiên họp và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND về vấn đề thuộc trách nhiệm của mình”). Từ thực tế này, Thường trực HĐND nhiều địa phương đề nghị bổ sung quy định đại biểu HĐND được quyền chất vấn đối với người đứng đầu các cơ quan thuộc ngành dọc của Trung ương hoạt động tại địa phương như: thuế, hải quan, thi hành án dân sự, bảo hiểm xã hội, ngân hàng nhà nước, ngân hàng chính sách xã hội.
Quyết định chương trình giám sát năm sau tại kỳ họp cuối năm trước
Khoản 1 Điều 58 quy định: Thường trực HĐND dự kiến chương trình giám sát hằng năm của HĐND trên cơ sở đề nghị của các Ban HĐND, đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và kiến nghị của cử tri ở địa phương trình HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp giữa năm của năm trước. Chậm nhất là ngày 1.3 của năm trước, các Ban HĐND, đại biểu HĐND, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và cử tri địa phương gửi đề nghị, kiến nghị giám sát của HĐND đến Thường trực HĐND. Đề nghị, kiến nghị giám sát phải nêu rõ sự cần thiết, nội dung, phạm vi, đối tượng giám sát.
Theo Thường trực HĐND nhiều địa phương, quy định này có lúc gây khó khăn cho HĐND, vì Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND được ban hành cách thời điểm thực hiện đến 6 tháng và việc lấy ý kiến để xây dựng dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát cách thời điểm thực hiện đến 9 tháng. Trường hợp trong giai đoạn Nghị quyết được ban hành và chờ đến ngày có hiệu lực (từ giữa năm trước đến đầu năm sau) nếu phát sinh những vấn đề lớn, quan trọng, bức xúc, nổi cộm, HĐND cũng không thể tổ chức giám sát chuyên đề đối với những nội dung này do không có trong chương trình giám sát của năm sau; trường hợp HĐND quyết tâm phải giám sát thì sửa đổi, bổ sung nghị quyết đã ban hành nên càng tăng thêm tính phức tạp.
Từ thực tế này, nhiều địa phương đề nghị sửa đổi theo hướng chậm nhất là ngày 30.10 của năm trước (không quy định là ngày 1.3 của năm trước như hiện nay), các Ban, đại biểu HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, cử tri ở địa phương gửi đề nghị, kiến nghị giám sát của HĐND đến Thường trực HĐND. Thường trực HĐND dự kiến chương trình giám sát năm sau của HĐND trình HĐND xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm của năm trước liền kề (không quy định tại kỳ họp giữa năm của năm trước như hiện nay).