Để tổ chức phiên điều trần bảo đảm chất lượng

Bảo đảm ít nhất “ba mặt” trong đối tượng mời dự

- Thứ Ba, 30/08/2022, 05:30 - Chia sẻ

Lê Hồng Hạnh - Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để tổ chức một phiên điều trần bảo đảm chất lượng, cần làm tốt khâu chuẩn bị, từ việc lựa chọn nội dung đưa ra điều trần phải là vấn đề lớn, tác động sâu rộng đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Tiếp đó, phải xây dựng kế hoạch tổ chức điều trần cụ thể từ kịch bản, nội dung bộ câu hỏi chính và dự kiến các tình huống để chuẩn bị các câu hỏi phụ đối với các đối tượng tham gia điều trần; phân công nhiệm vụ; làm tốt công tác truyền thông, thông tin; lựa chọn khách mời và đón tiếp, bảo đảm tính chất ít nhất “ba mặt” trong đối tượng mời dự.

Cùng làm sáng tỏ vấn đề để có giải pháp giải quyết

Hoạt động điều trần xuất hiện khá phổ biến ở các nước, nhất là ở các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Ở Việt Nam, từ thời phong kiến, khái niệm “điều trần” xuất hiện từ thời nhà Nguyễn với “bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ”. Đến nay, chưa có một khái niệm chính thức về hoạt động này. Tuy nhiên, theo Từ điển Luật học trang 158 thì điều trần được hiểu là “bản trình bày cặn kẽ ý kiến về một vấn đề để kiến nghị đem áp dụng được dâng lên hoàng đế thời phong kiến, ví dụ như Bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ lên vua nhà Nguyễn. Điều trần cũng được hiểu là lời trình bày chính thức, công khai để giải thích, biện bạch về một vấn đề, một chủ trương thuộc trách nhiệm của mình khi bị chất vấn hoặc thấy cần tranh thủ sự đồng tình của tập thể; thường dùng trong trường hợp tổng thống điều trần với Quốc hội (ở các nước phương Tây). Ở Việt Nam, là thành viên của Chính phủ bị chất vấn trả lời trước Quốc hội”. Xét về mặt ngôn ngữ thì điều trần được dịch từ tiếng Anh - hearing. Nếu dịch sát nghĩa, hearing đơn giản là “nghe”.

Trên thực tế, cả 3 hoạt động: Chất vấn, giải trình và điều trần trong hoạt động của HĐND đều gặp nhau ở một điểm chung, đó chính là làm sáng tỏ vấn đề để có các giải pháp giải quyết. Điểm khác là chủ thể đứng ra tổ chức của Điều trần chưa có quy định rõ, chủ thể đứng ra tổ chức của hoạt động chất vấn là HĐND, Thường trực HĐND, còn hoạt động giải trình là do Thường trực HĐND đứng ra tổ chức. Hoạt động chất vấn và giải trình đều có sản phẩm kết luận cuối cùng, quy rõ trách nhiệm và điều kiện, thời hạn giải quyết còn điều trần thì không. Chất vấn là quyền giám sát của cá nhân đại biểu HĐND còn điều trần và giải trình là quá trình mang tính chuyên sâu hơn, có tổ chức đứng ra, trình tự thủ tục bài bản, thông qua đó làm căn cứ để cơ quan dân cử đưa ra các kiến nghị, giải pháp quyết định hoặc điều chỉnh những quyết sách, những vấn đề quan trọng của địa phương. Còn nếu xét về tính chất và mức độ làm sáng tỏ vấn đề, hoạt động giải trình và điều trần suy cho cùng khá giống nhau về mặt bản chất.

HĐND TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tổ chức phiên giải trình về giải quyết kiến nghị của cử tri khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ khi mưa lớn tại các tuyến đường trên địa bàn
HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tổ chức phiên giải trình về giải quyết kiến nghị của cử tri khắc phục tình trạng ngập lụt cục bộ khi mưa lớn tại các tuyến đường trên địa bàn

Lựa chọn vấn đề lớn, tác động sâu rộng

Là tỉnh tổ chức hoạt động “điều trần” khá sớm trong hoạt động của cơ quan dân cử, từ nhiệm kỳ 2004 - 2011, HĐND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức một số cuộc điều trần liên quan đến việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, được cử tri quan tâm. Đó là việc tổ chức điều trần phục vụ ban hành chính sách mới: Nhận thấy còn nhiều ý kiến khác nhau giữa các ngành, các địa phương, các trường PTTH trong khu vực, ngay cả trong lãnh đạo cũng chưa có sự đồng thuận vào việc thành lập thêm trường PTTH Cù Huy Cận tại huyện Vũ Quang, năm 2009, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tổ chức điều trần để làm rõ vấn đề, thu thập thêm thông tin, làm cơ sở cho HĐND tỉnh xem xét, quyết định. Tại phiên điều trần, đã làm sáng tỏ các nội dung còn các ý kiến khác nhau. Sau khi kết thúc điều trần, biên bản cuộc điều trần được gửi tới các cơ quan chức năng, các đại biểu HĐND tỉnh và nhận được sự đồng tình cao nên HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết thành lập trường PTTH Cù Huy Cận.

Điều trần cũng được HĐND tỉnh Hà Tĩnh vận dụng vào việc làm rõ các vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách. Cụ thể là việc do thiếu điện trầm trọng trong mùa hè năm 2010, Điện lực Hà Tĩnh đã thực hiện chủ trương tiết giảm trong cung ứng điện. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng để vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm an toàn trong vận hành lưới điện. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này đã ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống sinh hoạt của Nhân dân, gây ra nhiều bất bình trong cán bộ, Nhân dân và các đơn vị kinh doanh. Để làm rõ những phản ánh của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh quyết định tổ chức phiên điều trần, mời lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Công thương, Điện lực Hà Tĩnh, đại diện các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và một số hộ dân. Qua phiên điều trần, tuy không kết luận, chưa quy trách nhiệm, nhưng các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan điện lực đã thấy rõ trách nhiệm, yếu kém của mình trong tổ chức thực hiện chủ trương tiết kiệm điện và đã có các giải pháp khắc phục hiệu quả, được nhân dân và doanh nghiệp đồng tình.

Kinh nghiệm rút ra để tổ chức một phiên điều trần bảo đảm chất lượng cần làm tốt khâu chuẩn bị. Từ việc lựa chọn nội dung đưa ra điều trần phải là vấn đề lớn, tác động sâu rộng đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Tiếp đó, phải xây dựng kế hoạch tổ chức điều trần cụ thể từ kịch bản, nội dung bộ câu hỏi chính và dự kiến các tình huống để chuẩn bị các câu hỏi phụ đối với các đối tượng tham gia điều trần; phân công nhiệm vụ; làm tốt công tác truyền thông, thông tin; lựa chọn khách mời và đón tiếp, bảo đảm ít nhất “ba mặt” trong đối tượng mời dự. Cuối cùng sau điều trần, những vấn đề, thông tin, kiến nghị được thống nhất, đưa ra thì xử lý như thế nào? Cần vạch rõ việc khai thác và sử dụng thông tin cho phù hợp phục vụ cho việc HĐND ban hành các quyết sách sau này, cũng như phục vụ cho chính hoạt động thẩm tra của các ban của HĐND, hoạt động thảo luận và chất vấn của đại biểu HĐND.