Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, hồ đập mùa mưa lũ
Nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp, môi trường như: ngư dân không mặn mà vươn khơi bám biển; khôi phục các thông số hồ chứa và sửa chữa các hồ đập xuống cấp; một số dự án ngoài ngân sách vi phạm tiến độ đầu tư… đã được các đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Quảng Bình Khóa XVIII mới đây. Lãnh đạo các sở, ngành với tinh thần cầu thị, tiếp thu đã đưa ra giải pháp và lộ trình khắc phục trong thời gian tới.
Kịp thời nắm bắt tình hình để hỗ trợ ngư dân
Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Phan Thị Quyên yêu cầu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) làm rõ giải pháp khôi phục thông số hồ chứa và sửa chữa các hồ đập xuống cấp trên địa bàn. Giám đốc Sở NN - PTNT Mai Văn Minh cho biết: Sở đã rà soát, bố trí kinh phí thiết lập lại cơ sở dữ liệu các hồ thủy lợi được xây dựng cách đây 20 - 30 năm (tài liệu, hồ sơ bị mất và thất lạc) phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp; làm căn cứ lập dự án đầu tư xây dựng sửa chữa, nâng cấp khi bố trí được vốn… Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2022, đã thiết lập cơ sở dữ liệu đối với 16 hồ, đập. Hiện, Sở đang xây dựng đề cương dự toán trình Sở Tài chính, UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí thiết lập cơ sở dữ liệu 69 hồ còn lại.
Về giải pháp sửa chữa các hồ đập xuống cấp, ông Mai Văn Minh cho biết: hàng năm, Sở chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng công trình hư hỏng trước và sau mùa mưa bão; đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí và tranh thủ các nguồn vốn của các tổ chức quốc tế để nâng cấp, sửa chữa… Sở cũng tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện phương án ứng phó thiên tai và tình huống khẩn cấp; phối hợp với các địa phương, đơn vị xử lý các sự cố về công trình thủy lợi…
Liên quan đến chất vấn của đại biểu Ngô Thị Nhung về tình trạng giá cả vật tư, xăng dầu tăng cao khiến ngư dân không mặn mà vươn khơi bám biển, Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết: Sở đã phối hợp với các địa phương vận động ngư dân tổ chức sản xuất trên biển theo tổ đội, kết nối thông tin sản xuất, kết hợp khai thác với dịch vụ hậu cần để hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong quá trình khai thác, xử lý khi có sự cố; tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân chuyển sang sử dụng các thiết bị ít tiêu hao nhiên liệu; tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính về đăng kiểm, đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đăng ký biển xa… Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thực hiện tốt Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13.7.2010, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong quá trình tiếp nhận, thẩm định, hỗ trợ (năm 2021 đã hỗ trợ 485,833 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2022 hỗ trợ 83,092 tỷ đồng).
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ ngư dân ổn định sản xuất, Sở NN - PTNT đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh xem xét chủ trương giao Sở phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ ngư dân trong điều kiện giá xăng, dầu tăng cao… Thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp trên; đồng thời, kịp thời nắm bắt tình hình để hỗ trợ ngư dân giảm bớt khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất...

Ảnh: H. Phong
Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Trần Nam về một số dự án ngoài ngân sách vi phạm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huệ nhấn mạnh: việc giám sát, đánh giá đầu tư để đôn đốc các nhà đầu tư chưa thường xuyên; công tác thẩm định năng lực nhà đầu tư chưa chặt chẽ, chính xác; việc tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất, thu hồi dự án chậm tiến độ chưa quyết liệt; xử lý tài sản của doanh nghiệp đã đầu tư trên đất (sau khi thu hồi đất) để có quỹ đất kêu gọi các nhà đầu tư khác gặp nhiều vướng mắc…
Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích nguyên nhân chậm tiến độ của từng dự án để đề nghị Tổ rà soát dự án chậm tiến độ tỉnh làm việc với các nhà đầu tư, đôn đốc triển khai thực hiện và yêu cầu cam kết tiến độ… “Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ mà không có lý do bất khả kháng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; chấn chỉnh tình trạng dây dưa, kéo dài gây lãng phí đất đai”, ông Huệ nhấn mạnh.
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Lan về việc khai thác khoáng sản tại mỏ cát ở TDP Thọ Đơn (phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: đã hơn 14 tháng kể từ ngày được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng, Công ty TNHH Trần Quế Chi chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản (do chưa có chủ trương đầu tư) nên Sở chưa có cơ sở trình UBND tỉnh quyết định cấp giấy phép… Công ty TNHH Trần Quế Chi cần đẩy nhanh thực hiện các thủ tục liên quan để hoàn thiện giấy phép khai thác khoáng sản và hồ sơ thuê đất.
Cũng theo ông Huệ, việc khai thác cát của Công ty TNHH Trần Quế Chi khi đi vào hoạt động tất yếu sẽ có những tác động đến môi trường. Tuy nhiên, do mỏ cát nằm xa khu dân cư, quá trình khai thác không sử dụng chất nổ hoặc không có hoạt động chế biến nên mức độ gây ô nhiễm không lớn… “Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo rà soát, bổ sung các giải pháp để trong quá trình hoạt động, bảo đảm tác động thấp nhất đến môi trường sống của người dân. Quá trình hoạt động, sẽ giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm nếu công ty có vi phạm”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.